Thuê CEO: Ta thuê ngoại, ngoại thuê ta

05/01/2014 12:00 PM | Quản trị

Xu hướng thuê CEO được nhiều DN Việt áp dụng mấy năm gần đây. Hiệu quả chưa tới đâu nhưng tư duy thoát khỏi cách thức điều hành DN thời vùng vẫy ao nhà đã bắt đầu thay đổi...

Tôi có một anh bạn trước từng tham gia nhóm làm chủ một ngân hàng ở VN. Anh này cũng thuộc nhóm tài phiệt Đông Âu đi lên từ sản xuất mỳ tôm mỳ sợi. Sau một đoạn đường gập ghềnh, anh từ bỏ mộng đế chế Rothschild và rẽ hướng sang kinh doanh tiêu dùng cho bà con thu nhập thấp.

Một sáng cuối năm gặp nhau ở quảng trường Nghị viện, bạn tôi than: “Không hiểu các ngân hàng Việt dạo này làm ăn ra sao, suốt ngày nhăm nhăm mời CEO ngoại.  Thay đổi chẳng thấy đâu…”. Nói rồi, anh kể vanh vách một loạt các ngân hàng Việt đang có CEO ngoại, hoặc các nhân sự ngoại đang tham gia các vị trí cao cấp ở ngân hàng.

Khi ta thuê ngoại

Sau khi thống kê, kết luận của bạn tôi là nếu tính theo thời gian, ngân hàng thực sự là lĩnh vực “nóng bỏng” ghế CEO và thường có tham vọng cải tổ bắt đầu từ vị trí CEO, so với những lĩnh vực kinh doanh khác. Thực tế ngân hàng Việt ít nhất đã “thử lửa” 7-8 vụ song hành CEO ngoại, không kể các nhà băng 100% vốn  nước ngoài.

Trong số các thương vụ đã diễn ra, nếu gọi tên thất bại, thì có lẽ vụ thuê CEO với cái kết khép lại một nhiệm kì ngắn ngủi và vô cùng im ắng trong năm 2013 tại một ngân hàng, là sự vụ đáng quan tâm nhất. 

Vì đây cũng là ngân hàng có liên quan đến nhóm Đông Âu với những nhà kinh doanh nổi tiếng trong nền kinh tế Việt, và có lẽ do tường tận gắn bó một thời nên bạn tôi chỉ gói gọn một câu : “Cứ nhìn vào tỷ lệ nợ xấu so với các ngân hàng bạn, sẽ thấy chất lượng và tầm vóc của CEO ngoại khi điều hành. Có vẻ như đã có một định hướng tăng tín dụng cho vay… trật, mà lỗi thì chưa chắc nằm ở chỗ… CEO!”.

Ngân hàng này hiện đã không còn CEO ngoại. Lượng lãnh đạo ngoại trong ngành ngân hàng nay cũng đã ít đi. Thay vào đó, lượng CEO mới người Việt, có kinh nghiệm ở các nhà băng này được thuyên chuyển qua các nhà băng khác, “làm mới người cũ” trở nên đông đúc hơn nhiều.

Đáng chú ý có nhiều CEO hoặc nhiều cán bộ điều hành cao cấp phụ tá cho các CEO, rắp ranh vị trí CEO tương lai ở các nhà băng hiện là những người trẻ, có bằng cấp ở nước ngoài. Tất nhiên, nếu nói về hiệu quả - lí do khiến hoạt động quản trị tồn tại, thì “làn sóng” thuyên chuyển CEO  thời gian qua dường như cũng mới dừng ở góc độ… làm mới các bảng thành tích lí lịch của từng CEO, khi sức sống của 34 nhà băng trong nền kinh tế chưa được thổi thêm làn gió nào mới mẻ.

Và ngoại thuê ta...

Xu hướng thuê CEO và làm CEO thuê đang ngày càng thịnh hành cho thấy một sự chuyển động quan trọng trong tư duy quản trị của người Việt.

Một lãnh đạo nhà băng Việt tốt nghiệp ở Mỹ chia sẻ rằng: “Những người đã học và làm việc ở thị trường nước ngoài thì có thế mạnh riêng, nhưng khi về làm việc ở thị trường trong nước thì chưa chắc họ đều thấu hiểu văn hóa, thị trường, môi trường kinh doanh bằng người ở VN. Nếu các định chế  tài chính hay các DN nội địa, FDI tuyển dụng được những người đã đi học hoặc có thời gian làm việc ở nước ngoài về, đó cũng là điều tốt. Cái gì cũng có mức độ tương đối, không phải ai học hay làm việc ở nước ngoài về cũng đều giỏi. Ngược lại, không phải ai học hành ở trong nước hay làm việc trong nước cũng đều… dốt”.

Có lẽ cũng vì tư duy hai chiều như vậy, nhiều DN ngoại lại cũng đang tiến hành thuê CEO điều hành là người Việt.  Dỡ bỏ lấn cấn trong rào cản ngôn ngữ, văn hóa kinh doanh, phát huy sự tương đồng trong nghệ thuật quản trị “nói ít hiểu nhiều” khiến người Việt làm việc với người Việt có thể hiệu quả hơn nhiều so với một “ông Tây” làm thuê cho ông chủ Việt, hay một chủ “Tây” lãnh đạo hàng loạt đám cán bộ, nhân công đi kèm phiên dịch.

Nhiều trường hợp hậu M&A mà phía bị thâu tóm là DN Việt, sau đó, vẫn tiếp tục phát triển theo hướng để người Việt điều hành như Diana, ICP… đã trở nên có hậu.

Xu hướng thuê CEO và làm CEO thuê đang ngày càng thịnh hành cho thấy một sự chuyển động quan trọng trong tư duy quản trị của người Việt: Sau 6 năm hội nhập, DN và các nhà quản trị Việt vẫn đang nỗ lực dung hòa, cân bằng, hướng tới đẩy mạnh nghệ thuật quản trị lên tầm vóc khoa học kinh doanh, nỗ lực thoát ra khỏi hình bóng của các DN thuyền trưởng kiêm chủ thuyền thuyền viên để chuẩn bị vẫy vũng ra khỏi nền kinh tế ao nhà, như tất yếu của lộ trình chuyển động đêm trước thời hội nhập.

Theo Nguyễn Lê Nguyên
Thạc sĩ Tài chính U.K

duchai

Cùng chuyên mục
XEM