Ông chủ Thiên đường Bảo Sơn: Đầu tư theo khả năng quản trị chứ không tham lam, vội vàng

15/10/2012 07:24 AM | Quản trị

Năm 2012 thực sự là một năm khó khăn của doanh nghiệp khi lại có thêm trăm nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn vẫn có một bộ phận các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trụ vững trước những làn sóng của nền kinh tế.

Trao đổi với CafeBiz, ông Nguyễn Trường Sơn - chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Bảo Sơn chia sẻ: Đầu tư và phát triển đúng theo năng lực tài chính và năng lực quản trị là chìa khóa để các doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khủng hoảng.

Thưa ông, năm 2012 là một năm cực kỳ khó khăn đối với doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về tình hình này và tập đoàn Bảo Sơn đã có những biện pháp gì để đối phó với khủng hoảng?

Thực tế năm 2011 đã là một năm khó khăn rồi nhưng năm 2012 còn khó khăn hơn và theo tôi năm 2013 vẫn sẽ tiếp tục là một năm khó khăn nữa của doanh nghiệp.
 
Một số công ty của Bảo Sơn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như Thiên đường Bảo Sơn, khách sạn Bảo Sơn cũng đã giảm 30% lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
 
Tuy nhiên, tác động của khủng hoảng tới riêng Bảo Sơn thực sự không lớn lắm. Hai năm qua, dù bối cảnh nền kinh tế khó khăn nhưng chúng tôi vẫn mở rộng thêm một loạt cơ sở như trường cao đẳng hàng không vào năm 2011, tập đoàn Bảo Long, trường Trung cấp Y dược và phát triển thành đại học Y dược năm 2012.
 
Ngày 30/9 vừa qua, chúng tôi cũng vừa mở bệnh viện Quốc tế Bảo Sơn, phóng khám đa khoa Bảo Sơn. Nhiều dự án mới của Bảo Sơn vẫn đang tiếp tục mở rộng.

Vậy biện pháp nào giúp Bảo Sơn trụ vững trước làn sóng của khủng hoàng kinh tế?

Tập đoàn Bảo Sơn có những phát triển vượt bậc và bền vững nhờ vào hai lý do.

Thứ nhất, chúng tôi định hướng chiến lược phát triển đúng đắn và thực hiện từ đầu đến cuối theo chiến lược đề ra, không chạy theo lợi nhuân trước mắt.

Thứ hai, chúng tôi đầu tư và phát triển theo đúng năng lực của mình. Trong đó bao gồm năng lực tài chính và năng lực quản trị.
 
Đặc biệt, Bảo Sơn chỉ đầu tư tập trung chứ không đầu tư dàn trải. Một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp gặp khó khăn hiện tại là do họ đầu tư dàn trải trong quá khứ, không theo đúng các nguồn lực của mình, năng lực quản trị của họ cũng không bắt kịp với tốc độ phát triển của công ty.

Thời kỳ khủng hoảng, kinh doanh dịch vụ bị thu hẹp thì Bảo Sơn cũng có những hướng đi riêng. Việc đầu tư vào trường Trung cấp Y Dược và mở bệnh viện Quốc tế, phòng khám đa khoa Bảo Sơn là một trong những hướng đi riêng đấy.

Bên cạnh việc tập trung đầu tư, chúng tôi cũng cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài, đặc biệt là không phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ ngân hàng mà dựa vào nguồn vốn bản thân tự có cùng nhiều nguồn khác.

Bảo Sơn tập trung phát triển hệ thống quản trị của mình như thế nào?

Chúng tôi đầu tư theo đúng mức độ khả năng quản trị của mình chứ không tham lam, vội vàng. Tiếp theo đó là về đội ngũ nhân viên.
 
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp thẳng tay cắt giảm nhân công để giảm bớt gánh nặng chi tiêu thì Bảo Sơn vẫn tiếp tục tuyển dụng, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ mới, thu hút nhân tài.
 
Cùng với các chính sách nhân sự để kéo người tài về với mình, chúng tôi cũng  đồng thời giữ chân họ, để họ gắn bó lâu dài với công ty thông qua những chính sách về đãi ngộ, tiền lương. Bảo Sơn hiện có chính sách thuê người nước ngoài về làm quản lý.
 
Ngay từ năm 1993, khi công ty đầu tiên của Bảo Sơn mở ra, chúng tôi đã lựa chọn những quản lý nước ngoài, có kinh nghiệm điều hành, đầu óc chiến lược về làm quản trị cho công ty. Chính vì vậy, đội ngũ quản lý của Bảo Sơn không đông, chỉ khoảng 20 người nhưng lại hoạt động hiệu quả.

Tóm lại, việc không chạy theo lợi nhuận trước mặt và có chính sách đúng về vấn đề nhân lực, quản trị doanh nghiệp là chìa khóa thành công của Bảo Sơn.

Trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, Nhà nước cũng đã cố gặng tạo nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về những chính sách này?

Nhà nước đã cho ra nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều cơ chế trong số này lại chưa ổn thỏa, và không có tính lâu dài. Nhiều chính sách, gặp trở ngại khi thực hiện.

Lãi suất ngân hàng hiện giờ vẫn còn quá cao. Dù Chính phủ đã giảm lãi suất cho vay xuống còn 15%, nhưng trên thực tế không có ngân hàng nào cho vay với lãi suất này.
 
Và kể cả mức 15% thì cũng vẫn còn quá cao đối với doanh nghiệp, không có doanh nghiệp làm ăn chân chính nào có thể làm chịu được mức lãi suất này

Chính phủ hiện đưa ra nhiều chính sách lưỡng tính đối với doanh nghiệp. Như Nghị Định 123 của TTCP, về thuế GTGT về bất động sản. Trong đó có nhăc tới đến việc định giá đất theo giá thị trường. Nhưng cụ thể giá thị trường được tính như thế nào thì người dân và doanh nghiệp cứ tha hồ tranh cãi, không thể giải quyết đc.

Ngoài ra, cũng còn không ít những chính sách thiếu cụ thể, gây trở ngại cho doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, sản xuất. Để giải quyết vấn đề này,  các Bộ, ban ngành cần tham khảo ý kiến của doanh nghiệp rộng rãi hơn thì chính sách mới ổn định lâu dài, phát triển bền vững.

Chỉ có hỏi ý kiến doanh nghiệp, những người thực sự tham gia kinh doanh thì Chính phủ mới có thể tạo ra cơ chế chính sách thông thoáng và thực sự tạo điều kiện  cho doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Quốc Dũng

duchai

Cùng chuyên mục
XEM