Ở FPT, sếp đang nói cũng bị cướp mic

22/09/2015 09:42 AM | Quản trị

Trong khi một môi trường làm việc toàn con ông cháu cha thì việc cãi sếp là không thể, thì ở FPT lại khác. Thậm chí, sếp đang nói cũng bị cấp dưới cướp micro cãi lại là chuyện bình thường, Trưởng ban Nhân sự CTCP FPT chia sẻ.

Nội dung nổi bật:

Chiến lược quản trị nhân tài của FPT:

- FPT không chỉ chọn giải pháp “mua cầu thủ” vì giải pháp này khó áp dụng ở một doanh nghiệp rất đông nhân viên, cũng không chỉ tập trung đào tạo đội ngũ Top vì nếu chỉ chăm chăm giữ lãnh đạo Top thì lúc nào cũng lo mất họ

- FPT tạo ra một môi trường sáng tạo, cởi mở, dân chủ để các nhân tài có “đất” dụng võ và thể hiện tài năng của mình.


Nhân tài không chỉ ở hàng Top

Nếu chiến lược quản trị nhân tài chỉ tập trung vào những nhà quản lý, lãnh đạo thuộc hàng Top, thì chúng ta sẽ thường xuyên lo mất họ”, bà Trịnh Thu Hồng – Trưởng ban Nhân sự CTCP FPT – chia sẻ tại HR Network No.02. Hội thảo với chủ đề “Chiến lược quản trị nhân tài- Talent management strategy” do Mạng xã hội nghề nghiệp MyLink.vn và Hội đồng Anh phối hợp tổ chức cuối tuần trước.

Trong xã hội hiện nay, việc chảy máu nhân sự là điều khó tránh khỏi. Cho nên, bà Hồng cho rằng ngoài việc đầu tư cho lớp trên, phải đầu tư theo chiều sâu mới giữ được bộ máy xương sống.

“Nhân tài phải đan xen như mạng nhện thì mới giữ được, còn chỉ đầu tư ở lớp trên thì rất khó giữ”, bà Hồng nói.

Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải chọn giải pháp “mua cầu thủ” – tuyển sếp từ bên ngoài với xu hướng hiện nay là “mua” sếp ngoại. Nhưng với một tập thể đông với số lượng 26.000 người, FPT đã chọn giải pháp đầu tư theo chiều sâu hơn, “đào tạo cầu thủ” bằng việc xây dựng một trường đào tạo, trong đó, các nhà lãnh đạo, quản lý của FPT đều phải là giảng viên.

“Cán bộ quản lý – lãnh đạo phải đào sâu suy nghĩ xem làm sao để đứng lớp truyền thụ được kinh nghiệm. Đó là động lực và cũng là thách thức rất nặng”, bà Hồng kể.

Môi trường dân chủ đến mức sếp đang nói cũng bị cướp mic

Trong khi một môi trường làm việc toàn con ông cháu cha thì việc cãi sếp là không thể, thì ở FPT lại khác: sư phụ/sếp đang nói cũng bị cấp dưới/học trò cướp Micro cãi lại là chuyện bình thường.

“Ở FPT việc chúng tôi 'cãi lại' cấp trên là bình thường, thậm chí sếp đang nói cũng bị cấp dưới cướp Micro cãi lại. Nhưng cãi mà có lý thì cấp trên cũng phải nghe”, bà Hồng chia sẻ.

Ngay từ thời kỳ đầu, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT - đã xây dựng một môi trường làm việc thực sự dân chủ ở FPT. Trong lĩnh vực của mình, ai thấy bản thân có năng lực chuyên môn và nói giỏi, có thể lên nói thoải mái ở các diễn đàn mở trong công ty.

“Cán bộ nhân viên nào có đề tài rất hay có thể đăng ký với anh Bình (ông Trương Gia Bình – PV), anh Bình phê duyệt thì được mở ngay diễn đàn để trao đổi với người trong giới”, bà Hồng nói.

Tìm Trạng nguyên để bổ nhiệm làm “quan”

Một giải pháp tìm kiếm và quản trị nhân tài ở FPT là cuộc thi Trạng nguyên FPT, được tổ chức thường niên từ năm 1998. Trạng nguyên đầu tiên của FPT là ông Hoàng Việt Anh – Tổng Giám đốc FPT Software.

FPT có một lộ trình cụ thể để bổ nhiệm Trạng nguyên làm “quan”. Sau 6 năm, Trạng nguyên sẽ được bổ làm quan, tùy năng lực để bổ làm quan cấp tỉnh, huyện, thành phố hay làm “quan” ở nước ngoài.

“Có Trạng nguyên được bổ nhiệm ngay lập tức, có Trạng nguyên được cử ngay ra nước ngoài. Năm tới, FPT sẽ mở ra các miền đất mới như Myanmar, Bangladesh, Philippines. Những Trạng nguyên sẽ được cử sang vùng đất mới để thể hiện tài năng của mình”, bà Hồng nói.

“Tôi luôn đau đầu với việc người này, người kia ra đi ở các cấp thì làm thế nào? Không phải lúc nào nhân tài cũng mua được bằng tiền, không phải lúc nào trả lương cao người ta cũng ở lại với mình.

Tỷ lệ nghỉ việc của FPT không nhỏ. Chúng tôi không hy vọng giữ tất cả người tài. Nhưng những người còn lại, cần phải làm thế nào để có những quan hệ tương hỗ trên con đường phát triển đi xa của mình”, bà Trịnh Thu Hồng – Trưởng ban Nhân sự FPT.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM