Những chiêu trò nổi tiếng trên chính trường Mỹ

11/02/2014 09:11 AM | Quản trị

Nhiều người Mỹ nghĩ rằng chiêu tăng nhiệt độ trong studio giúp cố tổng thống John F. Kennedy đánh bại đối thủ Richard Nixon trong cuộc bầu cử vào năm 1960.

Chiêu tăng nhiệt độ của phe John F. Kennedy

Nixon và Kennedy đã đồng ý tham gia hàng loạt các cuộc tranh luận công khai đầu tiên trực tiếp qua tivi. Trong các đợt bầu cử sơ bộ ở bang Massachusetts, Kennedy từng sử dụng truyền hình để tạo ra hiệu ứng tuyệt vời. Đội ngũ tuyên truyền của ông rất biết cách tối đa hóa những điểm mạnh ngoại hình cho ứng viên khi xuất hiện trên truyền hình. 

Ngược lại, Nixon dù từng thỉnh thoảng xuất hiện trên tivi khi giữ chức vụ Phó tổng thống, nhưng các trợ lý của ông lại chưa bao giờ tận dụng truyền hình để làm phương thức tuyên truyền khi chạy đua. Đợt tranh cử tổng thống Mỹ năm 1960 giữa Thượng nghị sỹ John F. Kennedy và Phó tổng thống Richard Nixon là một trong những cuộc chạy đua vào Nhà Trắng có kết quả sít sao nhất trong lịch sử. Nó cũng nổi tiếng bởi đây là lần bầu cử đầu tiên mà truyền hình đóng vai trò chủ chốt trong việc quyết định người chiến thắng.

Trước khi cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra vào ngày 26/9/1960, hai ứng cử viên thỏa thuận ngầm rằng không ai hóa trang. Cả Kennedy và Nixon đều không tuân thủ thỏa thuận này, nhưng theo những cách khác nhau.

Kennedy được trang điểm đầy chuyên nghiệp trước khi bước lên sân khấu. Còn đội ngũ trợ lý của Nixon lại sử dụng sản phẩm Lazy Shave mà họ mua từ hiệu thuốc để che vùng râu lởm chởm mọc rất nhanh của ông. Đội ngũ của Nixon biết rằng ông dễ toát mồ hôi, nên họ chỉnh máy điều nhiệt trong studio để không khí trở nên mát và thông thoáng. Nhưng đội trợ lý của Kennedy cũng biết bệnh đổ mồ hôi của Nixon và họ bí mật chỉnh máy điều nhiệt để nhiệt độ tăng. Khi lên hình, sự khác biệt giữa hai ứng viên nhanh chóng đập vào mắt khán giả. Kennedy tỏ ra trẻ trung và thoải mái, trong khi Nixon, dù chỉ hơn đối thủ bốn tuổi, đổ đầy mồ hôi và liên tục lau mặt bằng khăn tay.

Nixon liên tục lau mồ hôi trong cuộc tranh luận trực tiếp vào năm 1960. Ảnh:Dallasnews

Bảy mươi triệu người theo dõi cuộc tranh luận. Sau đó, kết quả thăm dò cho thấy quá nửa quyết định bầu chọn đã chịu ảnh hưởng bởi phong độ mà mỗi ứng viên thể hiện khi tranh luận. Cho tới nay, giới khoa học chính trị vẫn còn bàn cãi về hiệu ứng của lần đối đầu đó. Nhưng nếu xét trên thực tế rằng Kennedy đã chiến thắng trong cuộc đua tổng thống chỉ nhờ hơn đối thủ 100,000 phiếu, rõ ràng vài độ chênh trên chiếc máy điều nhiệt có thể đã làm nên chuyện.

John McCain thất bại bởi chiến dịch bôi nhọ

Vào đầu năm 2000, Thống đốc George W. Bush bang Texas và Thượng nghị sỹ John McCain của bang Arizona là hai cái tên tiềm năng nhất cho vị trí ứng cử viên đảng Cộng hòa để chạy đua vào Nhà Trắng. Trong khi Bush có lợi thế về tài chính và nhận được sự ủng hộ của các đảng viên Cộng hòa thì cuộc vận động táo bạo của McCain đã lật ngược thế cờ khi đánh bại ông Bush tại lần bầu cử sơ bộ đầu tiên ở New Hamsphire với 19 điểm chênh lệch. Vòng bầu cử sơ bộ thứ hai sẽ diễn ra ở South Carolina và nếu ông Bush thua, ông có thể mất cơ hội làm người đại diện chạy đua của đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, phe ông Bush đã chiêu mộ được thêm chiến lược gia Karl Rove, người nổi danh với phương thức tàn nhẫn, không khoan nhượng. “Vũ khí” mà Rove lựa chọn để hạ gục McCain là trò chơi bẩn khá kinh điển mang tên “chiến dịch thì thầm”. Rove sẽ tung ra những tin đồn hiểm ác nhắm vào đối thủ, đồng thời đảm bảo rằng đối thủ sẽ không thể tìm ra người tung tin.

Thượng nghị sĩ John McCain vận động tranh cử trong cuộc đua để trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa vào năm 2000. Ảnh: listverse

Hai tuần trước khi đợt bầu cử diễn ra, các tờ rơi bắt đầu được cài cắm vào kính chắn gió xe hơi trong các cuộc tranh luận giữa các ứng viên. Khi nhìn tờ rơi, người ta thấy McCain với cô con gái nuôi người Bangladesh của ông. Những người tung tờ rơi muốn cử tri tin rằng McCain có một đứa con ngoài giá thú gốc Phi. Đó là một lời buộc tội vô cùng nguy hiểm ở một bang mà, ở thời điểm đó, chưa hoàn toàn thoát khỏi dư âm của thời kỳ phân biệt chủng tộc tồi tệ.

Sau đó, nhiều nhân viên thăm dò ý kiến giấu danh tính gọi điện cho các đảng viên và người ủng hộ đảng Cộng hòa ở địa phương, hỏi rằng liệu họ muốn bầu cho McCain không nếu thần kinh của ông không ổn định do di chứng từ giai đoạn ông tham chiến ở Việt Nam.

Những chiêu trò tấn công thâm hiểm này khiến McCain nổi giận tới mức ông trực tiếp gặp và đề nghị Bush dừng lại. Khi Bush nói ông không liên dính líu tới chiến dịch bôi nhọ, McCain đáp lại: “Ông đừng trả lời tôi kiểu đó”. Trong ngày bầu cử sơ bộ tại bang South Carolina, McCain thua Bush 11 điểm. Nhận thấy không còn cơ hội trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa, McCain quyết định bỏ cuộc, nhưng ông chẳng bao giờ tha thứ cho Bush vì dùng mánh khóe để tấn công vào gia đình và thời gian tham chiến của ông. 

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM