Năm 2014, Start-up Việt cần lắm những cú hích

07/01/2014 17:08 PM | Quản trị

Môi trường khởi nghiệp Việt Nam còn rất non trẻ, không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà còn trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, trong sự non trẻ ấy, các start-up Việt cũng có những điểm mạnh riêng mà nếu biết phát huy thì trong một tương lai không xa, họ sẽ vươn lên những tầm cao mới. Nhưng để phát huy được các thế mạnh tiềm ẩn đó, họ cần lắm những cú hích…

Start-up Việt ở đâu trên bản đồ Đông Nam Á?

Cách đây một thập kỷ, ở Việt Nam đã xuất hiện khái niệm start-up hay công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, ấn tượng mà các công ty này để lại không nhiều. Trong vòng khoảng 3-4 năm trở lại đây, một “dòng chảy” khởi nghiệp mới đã thực sự xuất hiện và ghi dấu ấn đậm nét trên lĩnh vực thương mại điện tử. 

Theo ông Trần Công Thành – Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư PVNi – thì chỉ trong năm 2013, số lượng các công ty khởi nghiệp được thành lập chắc chắn cao hơn năm 2012. Điều này chứng tỏ thị trường khởi nghiệp Việt Nam đang có sức sống và tiềm năng phát triển riêng. 

Nhưng cũng theo ông Thành thì chúng ta cũng đừng vội lạc quan bởi ước tính đến hết quý 3 năm 2013, đã có khoảng 61.000 công ty khởi nghiệp Việt đã rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Dũng – Trưởng đại diện quỹ đầu tư CyberAgent tại Việt Nam và Thái Lan – thì bất chấp những khó khăn, thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn đứng trong top 3 thị trường khởi nghiệp phát triển mạnh tại khu vực Đông Nam Á, cùng với Thái Lan và Indonexia. 

Vậy thì các công ty khởi nghiệp Việt Nam có những tiềm năng và thế mạnh gì để sánh vai với các quốc gia trong khu vực?

Start-up Việt: Ưu và khuyết

Hầu hết các chuyên gia đều khẳng định ý tưởng đóng vai trò tiên quyết trong việc tạo ra sự khác biệt. Mà chính sự khác biệt tạo nên sức sống, vị thế cho các start-up Việt. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, các start-up Việt còn có một thế mạnh khác là tinh thần muốn tự lập, muốn tự mình làm chủ. Chính tinh thần này đã tạo cho họ một quyết tâm vươn cao. Ngoài ra, nền tàng kiến thức của các start-up Việt trong thời gian gần đây cũng được nâng cao đáng kể bởi nhiều người đã có thời gian học tập và trải nghiệm ở nước ngoài trước khi về Việt Nam khởi nghiệp. Thành công của các website thương mại điện tử như www.vatgia.com hay www.tiki.vn chính là ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh đó, các start-up Việt còn bộc lộ nhiều điểm yếu “chí mạng” mà hầu hết những điểm yếu đó đều xuất phát từ nhân tố con người. 

Cũng theo phân tích của ông Nguyễn Mạnh Dũng, chính tâm lý muốn tự mình làm chủ đã khiến các start-up có xu hướng gia đình hóa các công ty của mình và điều đó vô tình làm hạn chế cả tầm nhìn lẫn tầm nhìn về sản phẩm khiến cho các công ty thực sự gặp khó khăn trong giai đoạn phát triển thứ hai. 

Bên cạnh đó, cả ông Nguyễn Mạnh Dũng và ông Trần Công Thành đều nhất chí rằng các start-up chưa đầu tư nghiên cứu thị trường đúng mức, nếu có thì các nghiên cứu này còn rất cảm tính, chủ quan. 

Ông Nguyễn Xuân Đông – Phó Tổng giám đốc công ty quảng cáo trực tuyến Moore còn chỉ ra một điểm yếu khác nữa là các start-up là vấn đề thuyết trình sản phẩm - công việc quan trọng bậc nhất mà các start-up phải làm nếu muốn nhận được vốn đầu tư. 

Ông Trần Công Thành phân tích rằng đa số các leader khởi nghiệp tại Việt Nam đều xuất thân từ “dân kỹ thuật”, chính vì vậy, khi trình bày ý tưởng của mình, họ quá tập trung giới thiệu các yếu tố kỹ thuật mà quên đi những giá trị khác. Chính vì vậy, đã có rất nhiều sản phẩm tốt nhưng không nhận được sự đầu tư đúng mức. 

Đây chỉ là những điểm yếu “nổi bật” nhất mà người ta dễ dàng nhận thấy ở các start-up Việt. Vậy các start-up Việt sẽ khắc phục chúng như thế nào?

Start-up Việt và những cú hích

Tại Việt Nam, chưa bao giờ thị trường start-up lại sôi động và được chú ý như ngày nay. Có hàng chục quỹ đầu tư lớn nhỏ tham gia thị trường start-up Việt, từ các quỹ đầu tư có vốn nước ngoài như IDG Ventures, Cyber Agent Ventures… đến các quỹ đầu tư trong nước như Vina Capital, PVNi… Mỗi năm có hàng chục hội thảo, chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cho các công ty khởi nghiệp và các bạn trẻ muốn tham gia thị trường khởi nghiệp. Ngoài ra còn có cả những “hội chợ” dành riêng cho các công ty khởi nghiệp như HATCH và đặc biệt là DEMO ASEAN do tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG

“Làm thế nào để nhà đầu tư lắng nghe bạn?” là chương trình đào tạo đầu tiên nằm trong chuỗi workshop DEMO ASEAN do tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG ASEAN tổ chức. Chương trình được tổ chức vào ngày 17 tháng 1 năm 2014 tại TpHCM. Để biết thông tin chi tiết, truy cập website www.demo.org.vn

Tiếp đó, từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2014, mỗi tháng, tập đoàn này còn tổ chức một chương trình đào tạo khác nhằm giúp các start-up Việt cải thiện những điểm yếu của mình như kỹ năng thuyết trình sản phẩm, kỹ năng nghiên cứu thị trường, kỹ năng xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm… 

Bên cạnh đó, các chương trình giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm của các công ty thành công trên khắp thế giới cũng liên tục được tổ chức, như chương trình giao lưu với Joe Lonsdale - một doanh nhân thành đạt tại Silicon Valley, người sáng lập ra công ty phần mềm Palantir Technologies - một “đại gia” được định giá 9 tỉ USD chỉ sau gần 10 năm thành lập. 

Tất cả đều nhắm đến một mục tiêu chung là góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường start-up Việt. Hy vọng rằng, sự quan tâm của cộng đồng, sự giúp sức của các tập đoàn, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước sẽ là những cú hích để các start-up Việt có thể bùng nổ trong năm 2014, vươn lên tầm cao khu vực và quốc tế.

>> Thưa các Startup Việt: Hãy dừng xin tiền và học cách giải quyết vấn đề

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM