Luôn có đủ thời gian cho những điều quan trọng

07/05/2015 14:33 PM | Quản trị

Nếu có thể quay ngược thời gian, tôi sẽ giới thiệu cho tuổi 22 của mình một câu nói của tác giả Brian Andreas: “Mọi thứ đã thay đổi kể từ ngày cô ấy nhận ra mình có vừa đủ thời gian cho những điều quan trọng trong đời”.

LinkedIn, mạng xã hội nghề nghiệp ra đời từ năm 2003, đã hỏi những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn về những điều họ muốn được biết khi vừa tốt nghiệp đại học – 22 tuổi. Chiến dịch đã thu hút hơn 80 bài viết . Dưới đây là bài chia sẻ thuộc chiến dịch #IfIwere22 do Arianna Huffington, Chủ tịch kiêm Tổng biên tập Tập đoàn truyền thông The Huffington Post gửi đến các bạn trẻ.


Giá như tôi biết được bài học này sớm hơn! Nhưng tôi hy vọng rằng khi chia sẻ tại đây, tôi có thể tạo nên sự khác biệt trong cuộc đời một ai đó khác, và giúp họ thoát khỏi cảnh tồn tại trong sự vội vã, căng thẳng vô tận mà tôi đã từng trải qua trong một thời gian dài.

Xã hội ngày nay đang bị ám ảnh bởi thời gian. Đây là cuộc khủng hoảng thiếu. Chúng ta luôn nghĩ rằng mình đang tiết kiệm thời gian, và cảm giác như thời gian không bao giờ là đủ. Để quản lý thời gian – hay việc gì đó mà ta đang tự huyễn hoặc mình là quản lý thời gian – chúng ta lập trình bản thân một cách cứng nhắc, chạy từ cuộc họp này sang cuộc họp khác, từ sự kiện này sang sự kiện khác, cố tiết kiệm chút thời gian ở đây, chút thời gian ở kia. Ta tải các ứng dụng tăng năng suất làm việc và hồ hởi click vào những bài báo viết về mẹo tiết kiệm thời gian.

Ta cố gắng bỏ vài giây ra khỏi thói quen hàng ngày chỉ để xếp lịch cho một cuộc họp hay lịch hẹn khác, để leo cao hơn trên nấc thang đến thành công. Giống các hãng hàng không, chúng ta đang đặt chỗ quá mức cho bản thân, sợ hãi từng công suất lãng phí và tự hào rằng mình có thể dàn xếp mọi thứ. Chúng ta sợ rằng nếu không nhồi nhét thật nhiều việc vào 24 giờ trong ngày, chúng ta có thể bỏ lỡ những điều tuyệt vời, những điều quan trọng, đặc biệt, hay thăng tiến trong sự nghiệp. Nhưng thời gian không thể tái sử dụng. Chúng ta không thể sử dụng quãng thời gian đã “tiết kiệm”. Đó là một cách sống rất đắt đỏ.

Chúng ta đang chịu đựng một bệnh dịch mà cuốn sách "Faster: The Acceleration of Just About Everything " (Tạm dịch: Nhanh hơn: Tăng Tốc Mọi Thứ) của James Gleick gọi là “bệnh vội vã” (hurry sickness):

“Máy tính, phim ảnh, tình dục, lời cầu nguyện – tất cả đều trở nên nhanh hơn bao giờ hết. Càng có thêm nhiều thiết bị tiết-kiệm-thời-gian và chiến lược tiết-kiệm-thời-gian, chúng ta càng vội vã hơn”.

Giáo sư Harvard Leslie Perlow đã đưa ra một cái tên cho cảm giác này: “nạn đói thời gian” (time famine). Nạn đói thời gian mang đến những hậu quả thấy được: từ stress gia tăng đến mất đi hài lòng với cuộc sống. Ngược lại, cảm giác đủ thời gian, hay thậm chí thừa thời gian, được gọi là sự “sung túc thời gian”. Và mặc dù rất khó tin, hoàn toàn có thể đạt được nó.

Có những người tự nhiên luôn sung túc thời gian. Mẹ tôi là một ví dụ. Thực tế là, nếu tính về thời gian, mẹ tôi cực kỳ giàu có. Bà đi qua một ngày như một đứa trẻ, sống trọn từng khoảnh khắc, dừng lại, chỉ để ngửi hương hoa hồng. Một chuyến đi qua chợ của nông dân có thể là công việc cho cả ngày mà không cần nghĩ ngợi đến Những Việc Phải Làm Xong. Tôi vẫn thường nghĩ về lời khuyên của bà mỗi khi chị em tôi phải đưa ra quyết định khó khăn: “Con yêu, hãy cứ để nó ở đấy” (Darling, let it marinate). Nói cách khác, cho bản thân thời gian để nghĩ và sống với những kết quả của quyết định.

Mẹ tôi là một ví dụ tiêu biểu của sự yêu thích cách sống chậm. Trước khi bà qua đời vào năm 2000, chúng tôi có một thỏa thuận bất thành văn: Bà là nhịp điệu của một thế giới vô tận, nhịp điệu của một đứa trẻ; Tôi là nhịp điệu của thế giới hiện đại.

Trong khi tôi có cảm giác mỗi khi nhìn vào đồng hồ và nghĩ rằng đã muộn hơn tôi nghĩ, bà sống trong một thế giới mà ở đó không có những cuộc gặp gỡ vô cảm, và không bao giờ phải vội vã. Bà tin rằng vội vã trong cuộc đời chắc chắn sẽ khiến ngươi ta lỡ mất món quà chỉ có được khi dành 100% tâm trí vào một việc, một cuộc trò chuyện, một bữa tối, một mối quan hệ, hay một khoảnh khắc. Đó là lý do vì sao bà khinh rẻ làm nhiều việc một lúc.

Không hề ngạc nhiên khi trong cuộc chiến chống lại nạn đói thời gian, chúng ta là kẻ thù số một của chính mình. Để thắng trong cuộc chiến này, trước hết cần tuyên bố rằng chúng ta muốn thay đổi. Ước gì tôi biết điều này khi tôi 22 – và tôi hy vọng đó là điều mà các bạn trẻ đang bước vào đời sẽ rút ra được từ bài viết này. Theo một báo cáo vào năm 2008 của Pew, khi được hỏi điều gì là quan trọng với họ, 68% người Mỹ trả lời “có thời gian rảnh”.

Điều này xếp hạng cao hơn cả việc có con với 62%, và một sự nghiệp thành công với 59%. Nhưng cách mà rất nhiều trong số chúng ta chọn để sống không phản ánh những ưu tiên đó. Chừng nào thành công còn được định nghĩa bằng việc ai làm việc nhiều giờ nhất, ai cố gắng lâu nhất mà không có lấy một kỳ nghỉ, ai ngủ ít nhất, ai hồi đáp email vào nửa đêm hay 5 giờ sáng – về cơ bản, ai phải chịu cơn đói thời gian khủng khiếp nhất – chúng ta sẽ không bao giờ được tận hưởng những lợi ích mà sự sung túc về thời gian mang lại.

>> [Khi tôi 22] Đừng quá lo nếu bạn chưa đủ kinh nghiệm

Ngọc Diệp

Thị hiệp

Cùng chuyên mục
XEM