Khi sếp nam có con, lương nhân viên bị giảm

16/01/2013 18:02 PM | Quản trị

Đó là kết luận rút ra từ một nghiên cứu vừa được đăng trên Administrative Science Quarterly. Nghiên cứu này khảo sát về việc lương nhân viên thay đổi như thế nào ngay sau khi CEO (Tổng Giám đốc) nam có con.

Cụ thể, các giáo sư kinh tế và kinh doanh của Trường Đại học Aalborg (Đan Mạch), Trường Kinh doanh Columbia và Trường Kinh doanh Smith thuộc Đại học Maryland đã nghiên cứu mức lương của 1,2 triệu người tại 10.600 công ty ở Đan Mạch. Và họ nhận thấy rằng khi CEO nam có con, lương nhân viên của ông ta liền giảm xuống. Mức giảm này không nhiều – chỉ 0,2% (đã điều chỉnh theo lạm phát) – nhưng khi tính trên toàn công ty, mức giảm không đáng kể ấy (khoảng 100 USD mỗi nhân viên) lại là một số tiền rất lớn. Trong khi đó, vị CEO này lại nhét thêm vào túi của mình một khoản tiền khá đáng kể, nhờ lương của ông ta được tăng thêm 4,9%.

“Ông ấy có con, vậy là ông nghĩ ngay “Mình cần nhiều tiền hơn cho gia đình mình”. Nhưng nhân viên lại bị thiệt thòi vì tiền lương bị vơi đi một ít”, Cristian Dezsö, Giáo sư Trường Kinh doanh Smith, đồng tác giả của nghiên cứu trên, giải thích.

Ý tưởng thực hiện nghiên cứu này đến từ một khảo sát năm 1991 của nhà xã hội học Rebecca Warner về mối liên hệ giữa lập trường của các chính trị gia về các vấn đề phụ nữ với việc họ có con gái hay không. Bà Warner khám phá ra rằng những chính trị gia có con gái có xu hướng cảm thông hơn trong các vấn đề liên quan đến phụ nữ.

“Khị đọc bài viết này, tôi lập tức nghĩ rằng tại sao không tìm hiểu xem liệu việc có con gái có ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và lập trường của các CEO trong những mối quan hệ về giới tính tại nơi làm việc”, Dezsö nói. Câu trả lời dường như là có.

Dezsö và các đồng nghiệp của ông chỉ thực hiện khảo sát về các công ty Đan Mạch bởi vì họ dễ dàng tiếp cận được các dữ liệu về lương nhân viên tại các công ty này. “Tại Đan Mạch, người dân được cấp số chứng minh thư giống như số an sinh xã hội tại Mỹ và họ liên kết số chứng minh thư đó với tất cả mọi thứ. Nếu tôi biết được số chứng minh thư của bạn, tôi có thể biết được công ty mà bạn làm việc, bạn kiếm được bao nhiêu tiền, chồng/vợ, con cái bạn tên gì và tất tần tật những thứ khác”, ông nói.

Dezsö khám phá ra rằng lương nhân viên giảm nhiều hơn nếu vị CEO đó có con trai hơn là nếu ông ta có con gái. Nhân viên nữ và nhân viên nam lại có mức giảm lương khác nhau. Nếu con đầu lòng của vị CEO kia là con trai thì lương nhân viên nữ bị giảm 0,2%, còn nhân viên nam giảm tới 0,5%. Nguyên nhân có thể là do sau khi có con, vị CEO chợt bỗng cảm thấy tôn trọng và cảm thông hơn với người phụ nữ do phải gánh vai trò làm mẹ. “Khi có con, ông ấy nhận thấy làm mẹ rất khó và từ đó cảm thông hơn với người phụ nữ. Vì thế, lương nhân viên nữ không bị giảm nhiều như nhân viên nam”, Dezsö nói.

Còn khi có con gái, các sếp nam lại tỏ ra cảm thông hơn và lương nhân viên nữ thậm chí lại tăng lên. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi sếp có đứa con đầu lòng. Nếu ông ta có thêm đứa thứ hai hoặc đứa thứ ba, lương của nhân viên chỉ có giảm bất kể nhân viên đó là nữ hay nam.

Các nhà nghiên cứu cũng rất tò mò muốn biết liệu các khám phá này có đúng với trường hợp các CEO tại Mỹ hay không. Nhưng theo Dezsö, không thể thực hiện được nghiên cứu tương tự tại Mỹ vì các quy định về tính riêng tư của nước này khiến cho các nhà nghiên cứu rất khó lấy được các thông tin liên quan.

Vì không thể biết chắc có đúng đối với các CEO ở Mỹ, Dezsö chỉ có thể suy luận dựa vào một số thông tin sẵn có. Theo ông, Đan Mạch xếp thứ 7 trên thế giới về công bằng giới tính (theo Báo cáo Global Gender Gap 2012), có nghĩa là “hầu hết người dân nước này có quan điểm rất thoáng về quyền của người phụ nữ”. Trong khi đó, Mỹ được xếp tới thứ 22, chỉ trên Mozambique. Trong một xã hội còn có cách nghĩ thiên lệch về giới tính như vậy, tác động về mặt kinh tế có thể là nhiều hơn.

Tuy nhiên, Dezsö cho rằng, tất cả cũng chỉ là phỏng đoán. “Chỉ khi nào chúng tôi thu thập đầy đủ dữ liệu về Mỹ thì mới biết rằng phỏng đoán đó có đúng hay không”, ông nói.

Theo Nhịp cầu đầu tư/BW

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM