Kế hoạch kỳ quặc của Ô tô TMT

16/04/2013 10:18 AM | Quản trị

Tại sao HĐQT không trình phương án nâng cao hiệu quả kinh doanh mà lại đưa mục tiêu mang tính chất “cờ bạc”?

ĐHCĐ của CTCP Ôtô TMT (TMT) vừa thông qua hàng loạt tờ trình, trong đó có một tờ trình hết sức lạ đời: Ban điều hành sẽ được thưởng 1,5 triệu CP nếu đưa giá CP TMT từ mức 6.000 đồng hiện nay lên mức 50.000 đồng sau 3 năm.

Khuyến khích làm giá CP

Theo công bố tại ĐHCĐ vừa được tổ chức ngày 8-4, doanh thu thuần năm 2012 của TMT đạt 300 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ chỉ vỏn vẹn 192 triệu đồng trên tổng vốn điều lệ 284,5 tỷ đồng. Do đó, doanh nghiệp thống nhất không chia cổ tức cho năm tài chính 2012.

Theo kế hoạch, mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2013 của TMT với tổng doanh thu thuần đạt 809 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 3,9 tỷ đồng, nhưng cổ tức vẫn bằng 0. Cả 2 tờ trình về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2012 và mục tiêu kế hoạch năm 2013 đều được cổ đông thông qua với tỷ lệ 100%.

Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là ĐHCĐ của TMT đã thông qua chủ trương trích thưởng bằng CP theo Tờ trình 218/TTr-TMT-HĐQT ngày 22-3-2013 của HĐQT.

Theo nội dung của tờ trình này ĐHCĐ sẽ ủy quyền cho HĐQT được xét trích thưởng 1,5 triệu CP để thưởng cho Ban điều hành doanh nghiệp, đặc biệt là các vị trí như: trợ lý chủ tịch HĐQT, giám đốc bán hàng, giám đốc dịch vụ sau bán hàng nếu đạt được mục tiêu đưa giá CP TMT từ mức 6.000 đồng/CP tăng lên 50.000 đồng/CP (tăng 9 lần) trong vòng 3 năm (tính từ ngày 8-4-2013).

HĐQT sẽ được ủy quyền quyết định về thời gian, mức thưởng cụ thể cho từng cá nhân về thành tích này.

Việc ĐHCĐ của TMT thông qua tờ trình lạ đời này khiến giới đầu tư, đặc biệt là những cổ đông không tham dự ĐHCĐ, hết sức ngỡ ngàng. Tại sao HĐQT không trình phương án nâng cao hiệu quả kinh doanh mà lại đưa mục tiêu mang tính chất “cờ bạc”?

Nhiệm vụ của Ban điều hành là “lèo lái” doanh nghiệp và bản thân Ban điều hành cũng nhận được thù lao dù hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp vẫn hết sức èo uột. Chẳng hạn, ngay trong năm 2012 vừa qua, dù lợi nhuận đạt chưa đầy 200 triệu đồng nhưng mức thù lao của ban điều hành lên đến 1,5 tỷ đồng.

Một lý do để dư luận đặt dấu hỏi cho mục tiêu đẩy giá CP là thanh khoản hiện nay của TMT. Bởi so với các mã đang giao dịch trên sàn HOSE, TMT được xếp vào nhóm có thanh khoản rất kém.

Cụ thể, trong phần lớn các phiên giao dịch gần đây, khối lượng CP TMT được khớp lệnh chỉ đạt vài trăm đơn vị, thậm chí có nhiều phiên không có bất cứ CP nào được giao dịch. Với thanh khoản kém như vậy khả năng hút vốn của TMT là không nhiều. Vậy nên, muốn đẩy giá CP lên mức 5.0 để về đích, Ban điều hành chỉ có thể chọn cách làm giá CP.

Ban điều hành tự sướng?

TMT là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô thứ 2 niêm yết trên TTCK sau CTCP Ô tô Giải phóng (GGG), với giá chào sàn là 46.000 đồng/CP. Thế nhưng, kể từ ngày chào sàn 22-1-2010 đến nay, do tình hình kinh doanh không hiệu quả, TMT liên tục rớt giá và hiện đang giao dịch ở mức 6.400 đồng/CP.

Theo biên bản ĐHCĐ, chỉ có 50 cổ đông đủ tư cách tham gia nhưng tỷ lệ nắm giữ đạt xấp xỉ 91% cổ phần của TMT (tương ứng 25,4 triệu cổ phần). Trong đó, số cổ phần có quyền biểu quyết trực tiếp là 16,2 triệu cổ phần, còn lại là cổ phần được ủy quyền.

Điều này chứng tỏ, số ít cổ đông tham gia ĐHCĐ nhưng lại nắm giữ cổ phần rất lớn trong cơ cấu cổ đông của TMT nên có thêm khả năng quyết định thay cho các cổ đông vắng mặt. Thực tế, cổ đông nắm giữ cổ phần lớn nhất trong TMT là thành viên trong HĐQT và người nhà như: ông Bùi Văn Hữu (5,3 triệu cổ phần), Bùi Quốc Công (3 triệu cổ phần), Lê Tiến Phan (1,5 triệu cổ phần), Phạm Văn Hồng (1 triệu cổ phần)…

Với lượng cổ phần chi phối lớn như vậy, việc Tờ trình 218 được HĐQT TMT đệ trình với tiêu chí lạ đời dễ dàng được thông qua là điều không quá bất ngờ.

Ngay tại ĐHCĐ, Tờ trình 218 đã bị các cổ đông phản ứng và chất vấn nhiều nhất nhưng cuối cùng vẫn được thông qua. Thậm chí, nếu cổ đông lớn của TMT là Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) hiện đang nắm giữ gần 2,5 triệu cổ phần (tương đương 8,9% vốn điều lệ) có phản đối, khả năng lật ngược thế cờ gần như không có.

Có lẽ vì lý do trên, phản ứng của tổ chức này khá “yếu ớt” và gần như góp ý cho có. Cụ thể, ý kiến của SSIAM với Tờ trình 218 là: “HĐQT nên có tờ trình cụ thể hơn về việc phát hành 1,5 triệu CP thưởng như: số lượng CP mua thêm, giá mua, nguồn mua và những hạn chế nếu có đối với những CP đó”.

Đặt giả định, nếu TMT hoàn thành kế hoạch với 1,5 triệu CP thưởng này Ban điều hành sẽ “bỏ túi” ít nhất là 75 tỷ đồng. Một số tiền quá lớn để HĐQT TMT “tự sướng” với việc đưa ra mục tiêu ngoài sức tưởng tượng này.

Theo Hải Hồ

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM