Học cách tạo động lực cho nhân viên từ Steve Jobs và Warren Buffett

24/12/2014 14:44 PM | Quản trị

Sức mạnh của con người là điều mà chúng ta không thể đo đếm được. Bởi thế, những doanh nhân vĩ đại thấu hiểu bản chất con người luôn đạt được phần thưởng lớn, bằng cách ước lượng giá trị của nhân viên cấp dưới.

Triết gia William James, trong một lần phát biểu tại Harvard, đã công bố công trình nghiên cứu của ông cùng với đồng sự Boris Sidis về sức mạnh tinh thần rằng: “Chúng ta mới chỉ sử dụng một phần nhỏ của sức mạnh tinh thần, có thể đó chỉ là 10% so với khả năng tinh thần tiềm ẩn mà chúng ta có thể sử dụng".

Tạo động lực cho nhân viên chỉ duy nhất trao thưởng bằng vật chất để thúc đẩy họ thì bạn sẽ  nhận được năng suất hạng B. Điều khiến một người phát huy khả năng tiềm ẩn, làm việc đến quên mình, có được chất lượng công việc xuất sắc sẽ phụ thuộc khá nhiều vào mức độ hiểu biết về bản chất con người của nhà quản trị. Những kỹ năng cơ bản bao gồm lời nói, việc làm và hành động được thể hiện bằng lời khen, sự công nhận tài năng hay một cái ôm chia sẽ từ người lãnh đạo lại mang đến hiệu quả bất ngờ trong việc tạo ra năng suất hạng A.

Đó là căn nguyên cơ bản để những lãnh đạo thúc đẩy nhân viên của mình làm những việc tưởng như bất khả thi, vượt giới hạn mà chính họ dựng nên, và tạo ra những thành quả phi thường. Cách học thông minh nhất là học từ quá khứ.

Sau đây chúng tôi xin đưa ra ví dụ hai hai thiên tài đã áp dụng thành công quy tắc này với chính nhân viên cấp dưới của họ, qua đó đạt được gấp đôi cái mà họ bỏ ra là Steve Jobs và Warren Buffett.

1. Steve Jobs

Khi Steve Jobs quay trở lại lãnh đạo Apple lần hai vào năm 1997, công ty này đang đứng trên bờ vực phá sản. Apple đã bị Microsoft loại khỏi mảng hệ điều hành máy tính cá nhân, và ngay cả bản thân công ty không còn sáng tạo được một sản phẩm nào khác ngoài chiếc Macintosh năm 1985.

Tất cả nhân viên trong công ty, bao gồm cả những nhân viên xuất sắc đều cảm thấy như bị đánh bại, mất sinh lực và cạn kiệt ý tưởng. Jobs nhận biết được tình hình và cách thức để vực dậy tinh thần mọi người của ông là điểm khởi nguồn cho chiến dịch “Think Different" (Suy nghĩ khác).

Không tăng lương, không thưởng, không tuyển nhân sự mới, không gì cả ngoài trừ những con người cũ. Jobs cùng người bạn thân là Lee Clow (giám đốc sáng tạo ở Chiat/Day) cảm nhận được Apple là một trong những thương hiệu tuyệt vời nhất trên thế giới và chắc chắn là một trong năm thương hiệu hàng đầu dựa trên sự kết hợp của cảm xúc.

Chính vì vậy, họ có ý định tạo ra một chiến dịch quảng bá thương hiệu. Chiến dịch sẽ nói về sáng tạo. Nó không chỉ hướng trực tiếp vào những khách hàng tiềm năng mà còn hướng tới chính những nhân viên của công ty. Ở Apple, mọi người đã quên mình là ai. Có một cách để nhớ bạn là ai, đó là nhớ ai là người hùng của bạn. Đây là cốt lõi của chiến dịch "Think Different" và là cách thức thúc đẩy nhân viên tuyệt vời bằng sức mạnh tinh thần của Steve Jobs.

2. Warren Buffett

Kế đến, về bản chất, Warren Buffett khác xa so với Steve Jobs. Trong công việc, Jobs sử dụng trực giác, còn Warren nghiêng về lý trí. Buffett là thiên tài trong việc áp dụng lý thuyết vào thực tế. Ông thừa hưởng phương pháp đầu tư giá trị khi mua tài sản 1 USD với giá chỉ 50 cent của người thầy thông thái Graham, và vận dụng kiến thức từ lớp học của Dale Carnegie (tác giả sách Đắc nhân tâm) vào cuộc sống cũng như với các nhà quản lý của mình.

Khi Buffett mua một doanh nghiệp, tiêu chí của ông là xem xét hoạt động kinh doanh của công ty, mức giá mua hợp lý và cuối cùng là đánh giá các nhà quản lý. Buffett tìm kiếm những mẫu người tự gây dựng sự nghiệp với những thành tích được công nhận.

Hầu hết, các chủ sở hữu khi bán công ty của mình cho Buffett đều đã già, muốn về hưu như bản chất cố hữu trong con người, vui chơi, nghỉ ngơi, hưởng thụ tuổi già là lý do chính đáng. Nhưng điều kỳ lạ là hầu hết các nhà quản lý lớn tuổi tại các công ty con của tập đoàn Berkshire Hathaway do Warren Buffett là chủ tịch vẫn tiếp tục điều hành công trình cả cuộc đời mình như thể tuổi tác hay bất kỳ lý do nào khác đều là chuyện hết sức tầm thường. Vậy đâu là nguyên nhân tạo ra được động lực hiếm có này?

Quy tắc khi sở hữu công ty con của Berkshire Hathaway bao gồm ba không: Không họp hành, không can thiệp, không rắc rối nào khác, trừ việc công ty con sẽ được tiếp cận nguồn vốn không giới hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh. Warren trao toàn quyền quản lý công ty cho nhà quản lý và luôn khuyến khích, khen ngợi công việc họ đang làm mặc dù ông không hề nới hầu bao trả thêm lương. Điều này xuất phát từ sự tôn trọng, tin tưởng và ngưỡng mộ của Buffett tới các nhà quản lý để rồi họ cũng dành cho ông tình cảm tương tự. Trên hết, Buffett luôn là một hình mẫu làm việc hăng say tràn đầy năng lượng vá đó là động lực cho các nhà quản lý của ông chỉ nghỉ hưu vào độ tuổi 100.

Tóm lại, việc có được năng suất cao hơn từ nhân viên đòi hỏi sự hiểu biết về bản tính con người và chuyển năng lượng một cách hiệu quả vào lực lượng lao động nên là thước đo cho khả năng của nhà quản trị. Qua đó, mỗi đồng tiền đầu tư vào giá trị con người sẽ là nơi mang lại lợi nhuận cao nhất cho nhà lãnh đạo.

Quan điểm này được thể hiện cô đọng qua câu nói của Andrew Carnegie - ông vua nghành đường sắt: “Tôi không hiểu máy chạy bằng hơi nước, nhưng tôi cố hiểu một cơ chế phức tạp hơn nhiều, đó chính là con người".

>> Người lười là những nhân viên tốt nhất để thuê!?

Đinh Lộc

đinh lộc

Cùng chuyên mục
XEM