Giải quyết "chứng đau đầu" vì giữ chân người tài

19/10/2011 19:12 PM |

Giữ chân nhân lực là vấn đề đau đầu của nhiều DN. Nếu DN đã đãi ngộ, đào tạo, chia cổ tức... mà tỷ lệ nhân viên ra đi vẫn cao thì cần xem xét thêm một giải pháp: chương trình giải tỏa stress.


Mối quan hệ giữa giải tỏa stress và chất keo kết dính nhân tài

Chất keo kết dính được cấu thành từ nhiều yếu tố, ở đây tôi đề cập đến một yếu tố mang tính quyết định cho sự thành công của chất keo này: sự tôn trọng tự nhiên giữa các thành viên với nhau.

Vốn dĩ, sự tôn trọng quyết định độ bền của mọi mối tương giao, không ai chịu ở lâu trong một chỗ mà người khác thiếu tôn trọng mình.

Và dĩ nhiên, với những nhân tài, nhu cầu cần được tôn trọng càng cao. Sự tôn trọng này không chỉ từ lãnh đạo, mà còn từ các thành viên ở bên trong hoặc có mối liên hệ với tổ chức (khách hàng, đối tác...).

Và để xây dựng được môi trường làm việc mà mọi người tôn trọng nhau, trước hết chúng ta cần làm rõ “thế nào là sự tôn trọng đích thực”.

Đầu tiên, những hành vi chào hỏi, lễ phép, đi đứng nhẹ nhàng, không phỉ báng... không phải là sự tôn trọng, đó chỉ là những hành vi ứng xử mang tính biểu hiện bề ngoài của sự tôn trọng.

Sự tôn trọng đích thực phải xuất phát từ thái độ bên trong của mỗi người. Đôi khi ta to tiếng trách phạt một người nhưng thật ra vẫn tôn trọng họ, vì ta biết họ sẽ thay đổi tốt hơn.

Tôi nghĩ câu hỏi chúng ta cần trả lời là: “Xây dựng thái độ tôn trọng người khác bắt đầu từ đâu?”. Và câu trả lời của tôi là: “Hãy bắt đầu từ việc tôn trọng mình trước. Nếu mình không tôn trọng mình thì đừng nói đến việc tôn trọng người khác một cách thực tâm”.

Nếu bạn cho một đứa bé chiếc nhẫn kim cương và một cái bánh, thường thì bé sẽ chọn bánh và vứt lăn lóc chiếc nhẫn sang một bên vì bé không thấy được giá trị của chiếc nhẫn. Tương tự như vậy, mình chỉ có thể tôn trọng chính mình khi thấy rõ được giá trị đích thực của mình.

Giá trị đó chính là “Tôi chính là người làm chủ cuộc đời mình, những gì tôi có được là do tôi tạo ra”. Nên đừng định giá trị của một người trên hiện tại người đó đang có, mà hãy định giá trên cái vô hạn họ sẽ tạo ra.

Khi thấy được giá trị của mình thì tự nhiên sẽ thấy được giá trị của những người khác, ai cũng có giá trị riêng giống như cái bánh có giá trị khi mình đói và chiếc nhẫn có giá trị khi mình đính hôn. Đây chính là cơ sở cho việc có được sự tôn trọng lẫn nhau trong các mối quan hệ.

Còn về stress, muốn giải tỏa triệt để chúng ta phải tìm ra nguyên nhân gốc và xử lý ngay chính nó thì mới đem lại hiệu quả lâu bền. Hiện nay, những giải pháp như: đi xem phim, du lịch, tập thể dục, đi spa, buôn chuyện... chỉ giải quyết được phần ngọn, bằng chứng là sau khi giải trí xong, stress lại quay về một cách tự nhiên.

Có nhiều định nghĩa về stress, theo chuyên gia của ProSales, nói một cách nôm na, dễ hiểu thì stress là một trạng thái căng thẳng, khó chịu mà chúng ta rất khó thoát ra. Nguyên nhân dẫn đến stress cũng có nhiều, nhưng nguyên nhân sâu xa trước hết là “chúng ta không chấp nhận một chuyện xảy ra không như ý muốn”.

Sự không chấp nhận này bắt nguồn từ việc mâu thuẫn trong nhận thức là “mọi việc phải như ý tôi” và “tôi là sản phẩm của hoàn cảnh”, “tôi muốn có sự thay đổi nhưng người thay đổi không phải là tôi, cái phải thay đổi là mọi người, là hoàn cảnh”.

Một nguyên nhân sâu xa của stress nữa là chúng ta không nhìn thấy được giá trị đích thực của bản thân, dẫn đến việc đi so sánh hơn thua với người khác, thậm chí xem thường bản thân mình.

Mình không yêu mình nên nảy sinh nhu cầu được người khác yêu thương, tôn trọng và lại rơi vào vòng lẩn quẩn của “muốn mà không được nên bức xúc”. Cho nên chúng ta cứ chìm đắm trong những rối rắm “giá như...”, “tại vì...”, “tại sao...”.

Vậy ở đây chúng ta thấy có sự tương đồng giữa điều kiện để có được chất keo kết dính nhân tài và giải pháp giải tỏa tận gốc stress. Đó chính là giải quyết hai vấn đề: nhận ra quyền làm chủ cuộc đời và giá trị đích thực của chính mình, rồi sống với nhận thức đó.

Khi mình tôn trọng mình đủ rồi thì sẽ không bị ảnh hưởng bởi những hành vi khó chịu của người khác.

Làm thế nào để nhận ra?

Hiện nay có khá nhiều sách và hội thảo bàn về giá trị sống, ví dụ như cuốn “Bảy thói quen của người thành đạt” có nói về “bản chất con người là chủ động hành động chứ không phải bị động đối phó”.

Tuy nhiên, việc đọc sách, nghe diễn thuyết chỉ phù hợp với những người đã có những trải nghiệm sẵn và nhận thức đã chín muồi, chỉ đọc sách để hệ thống lại những nhận thức sẵn có của mình mà thôi.

Còn nếu như bản thân mình chưa nhận ra thì chỉ có thể được truyền lửa hoặc hưng phấn nhất thời, sau đó đụng chuyện lại vẫn y như cũ, cố gắng dùng ý chí quá nhiều để làm theo sách thì lại rơi vào một dạng stress khác: “Tôi đang không là chính mình..., tôi hoang mang...”. Do đó cốt lõi là chính chúng ta phải tự nhận ra chứ không thể nghe máy móc theo sách và người khác.

Bản thân mỗi người đều có khả năng tự nhận ra những điều này, nhưng thời gian khác nhau, tùy theo duyên và năng lực nội tâm. Nếu chúng ta muốn đi nhanh hơn, có thể tìm tới các trung tâm giảng dạy về giải tỏa stress, giá trị sống để có thầy hướng dẫn. Tuy nhiên, cần tìm hiểu kỹ về triết lý đào tạo và phương pháp giảng dạy.

Nếu gặp đúng thầy thì thời gian sẽ rút ngắn rất nhanh và hiệu quả sẽ lâu bền. Theo chuyên gia của ProSales, với những nội dung chuyên biệt như trên thì cần dùng phương pháp học qua trải nghiệm và khám phá để người học tự nhận ra vấn đề.

Còn nếu giảng viên chỉ biết giảng theo sách hoặc chia sẻ trải nghiệm của chính giảng viên, học viên ngồi nghe thì hiệu quả sẽ không cao. Và điều quan trọng nhất vẫn là chính bạn phải muốn và kiên trì với việc học của mình.


Theo NGUYÊN THÙY LIÊN, Công ty Tham vấn thương hiệu MaxB
Doanh nhân Sài Gòn

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM