Điều gì khiến cho các doanh nhân phải đau đầu nhất?

13/10/2015 10:51 AM | Quản trị

Ra quyết định, thu hút nguồn vốn hay giữ chân người tài,...tưởng chừng như những công việc rất đỗi bình thường với mọi doanh nhân, nhưng thực chất lại là những điều khiến họ cảm thấy áp lực và căng thẳng nhất.

Kinh doanh, đặc biệt với vị trí chủ doanh nghiệp luôn là công việc căng thẳng nhất. Bạn phải lãnh đạo công ty làm ăn có lãi, chịu trách nhiệm với nhân viên của mình hay bất cứ điều tồi tệ nào xảy ra.

Trở thành một doanh nhân nghĩa là phải dồn hết mọi nguồn lực từ tài chính, trí tuệ và sức khỏe để đồng cam cộng khổ với công ty. Mỗi chiến lược, kế hoạch đều phải được tính toán không chỉ vì lợi ích bản thân mà còn vì các cộng sự của bạn.

Sau đây là 10 điều luôn khiến các doanh nhân phải đau đầu để tìm cách giải quyết ổn thỏa:

1. Tiếp cận nguồn vốn

Nguồn vốn là điều quan trọng nhất để duy trì hoạt động của công ty. Thậm chí khi doanh nghiệp mới thu lợi nhuận trên giấy tờ, công ty vẫn cần có đủ lượng tiền để trả lương công nhân và thanh toán các hóa đơn.

Nguồn ưu tiên hàng đầu của dòng tiền này là vốn từ các khoản cho vay, dòng tín dụng hoặc các nhà đầu tư. Đây là là một trong những mối quan tâm hàng đầu, và căng thẳng nhất khi là một doanh nhân.

2. Những lời hứa hẹn

Doanh nhân là bộ mặt, đại diện của công ty. Nếu họ nói dối, gian lận hoặc trộm cắp, uy tín của toàn bộ công ty có thể bị tổn hại. Thậm chí chỉ một chi tiết nhỏ nhặt như thất hứa một cách vô tình sẽ có thể gây ra thiệt hại cho thương hiệu.

Bất cứ khi nào một doanh nhân hứa hẹn thực hiện điều gì đó - cho dù đó là để đáp ứng đúng thời hạn hoặc cam kết đạt được thành công nhất định cho một khách hàng, họ cũng phải cố gắng giữ đúng lời. Đặc biệt, bất cứ lời hứa nào cũng sẽ trở thành nguồn cơn của sự áp lực (ngay cả khi hứa với chính nhân viên của mình), cho đến khi nó được hoàn thành mới thôi.

3. Vai trò chủ chốt

Là một doanh nhân chủ doanh nghiệp, nghĩa là các cộng sự, đội ngũ nhân viên luôn chờ đợi bạn đưa ra quyết định, phê duyệt tất cả các tiến độ trong kế hoạch hay một chiến lược cần được thông qua. Điều này luôn khiến áp lực tăng lên nhanh chóng cho đến khi những nhiệm vụ được hoàn thành. Với rất nhiều trách nhiệm tích tụ, các doanh nhân bắt đầu cảm thấy bế tắc và ngột ngạt.

4. Ra quyết định

Theo thời gian, các doanh nhân sẽ quen và tự tin hơn trong việc ra quyết định. Tuy nhiên, ít nhiều họ vẫn cảm thất mệt mỏi. Nghiên cứu cho thấy, ra quyết định là một việc có thể có những ảnh hưởng tiêu cực với sức khỏe hay thần kinh của bạn. Thậm chí ngay cả những quyết định nhỏ nhất cũng khiến một doanh nhân bị stress – dù họ đã quá quen và luôn thực hiện một cách nhanh chóng và hợp lý.

5. Luôn phải tỏ ra mạnh mẽ

Lãnh đạo của cả một tổ chức nghĩa là luôn phải giữ bình tĩnh, thể hiện thái độ tích cực, mạnh mẽ và kín đáo, ngay cả khi công ty của bạn đang gặp khủng hoảng. Nếu không, đối thủ sẽ nhận ra và tận dụng điểm yếu của bạn ngay lập tức. Duy trì thái độ và vị thế lãnh đạo là công việc khó khăn và căng thẳng, nhưng buộc phải được thực hiện để bảo vệ lợi ích của cả công ty.

6. Những ràng buộc vô hình

Một doanh nhân luôn cảm thấy thời gian trong một ngày là không đủ: Những người bạn cần gặp, những nghiên cứu hay kế hoạch cần bàn bạc, những sự kiện mà bạn cần phải tham dự và công việc mà bạn cần phải hoàn thành để tránh việc chúng ngày càng bị chồng chất và tích tụ.

Thậm chí kể cả bạn rất yêu thích công việc đang làm, thì với lịch trình dày đặc như vậy, bạn hầu như không còn thời gian để suy nghĩ và tận hưởng niềm yêu thích đó. Điều này chỉ khiến mức độ căng thẳng ngày càng tăng lên theo thời gian.

7. Khách hàng

Cách tốt nhất để duy trì một doanh nghiệp là phải có sự đa dạng từ nhiều nguồn doanh thu đáng tin cậy, cụ thể là nhiều phân khúc khách hàng. Đáng tiếc là trong những ngày đầu của một doanh nghiệp, hầu hết nguồn thu của bạn chỉ đến từ một công ty hay đối tác cụ thể.

Trong trường hợp này, việc duy trì các mối quan hệ với một khách hàng trở thành ưu tiên hàng đầu của bất kỳ doanh nhân nào, dẫn đến sự căng thẳng và áp lực chưa bao giờ chấm dứt

Mặt khác, nếu bạn có nhiều khách hàng, cũng không có nghĩa là sẽ không tồn tại những vấn đề gây nhức đầu khác. Cụ thể, khi bạn đang cố gắng để thưởng thức một bữa ăn tối gia đình một cách thư giãn thì một email khó chịu xuất hiện, hoặc khi chuẩn bị rời văn phòng thì nhận ngay được một hộp thư thoại phàn nàn. Tất cả các doanh nhân đều từng trải qua và thấu hiểu rất rõ điều này.

8. Thuyết trình một cách thành công

Một bài thuyết trình tuyệt vời sẽ mở ra rẩ nhiều cơ hội. Khi phát biểu tại một sự kiện, bạn sẽ có cơ hội tiếp cận những thương hiệu hàng đầu để có thể xúc tiến việc hợp tác. Do đó, bài trình bày của bạn phải gây ấn tượng được với những người quan trọng, có khả năng mang lại những thương vụ kinh doanh mới béo bở cho công ty.

Mặc khác, do phải đối mặt với nguy cơ thất bại về danh tiếng nếu không phát ngôn thật hoàn hảo, công việc thuyết trình dường như luôn là vấn đề gây căng thẳng lớn cho các doanh nhân.

9. Giữ chân người tài

Hầu hết các doanh nhân đều nhận ra những nhân tố tài giỏi xuất chúng có thể phát triển hay phá hủy công ty của họ. Nếu bạn đã nắm trong tay những nhân tài đáng tin cậy thì một trong những áp lực hàng đầu là làm những gì cần thiết để giữ chân họ càng lâu càng tốt.

Đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ nếu không có được sự khởi đầu trót lọt, thì sẽ sớm bị sụp đổ. Chính vì vậy, thu hút và giữ được những tài năng luôn là ưu tiên số 1 của các doanh nhân thành công.

10. Những rủi ro không thể đoán trước

Nhiều doanh nhân có rất nhiều năm kinh nghiệm, những bài học hay tình huống đã trải qua, nhưng chính họ cũng phải thừa nhận rằng vẫn còn vô số những rủi ro không thể lường trước được và sẽ gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp trong tương lai.

Đối mặt với những thứ không thể biết trước này có lẽ là nỗi sợ hãi lớn nhất. Bạn không bao giờ biết khi nào thị trường sẽ xuất hiện một đối thủ cạnh tranh mới, hay một công nghệ hiện đại hoặc một số sự kiện ngẫu nhiên có thể thay đổi tất cả mọi thứ.

Nếu đây là lần đầu tiên bạn bước chân vào thế giới kinh doanh, hãy luôn thận trọng những tình huống gây căng thẳng và cố gắng không để cho chúng kiểm soát được bạn. Luôn tìm hiểu và nắm rõ tình hình các vấn đề cần giải quyết sẽ giúp bạn có cái nhìn sáng suốt hơn trong mọi trường hợp.

Ngoài ra, các bài tập thể dục thường xuyên, thiền định và thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi có thể giúp bạn kiểm soát tốt hơn những căng thẳng của cuộc sống kinh doanh hàng ngày.

Thư Anh

Cùng chuyên mục
XEM