‘Để hội nhập, doanh nghiệp Việt cần một công ty BẠN’

25/11/2014 08:00 AM | Quản trị

“Chúng ta cần 1 công ty bạn, 1 công ty nước ngoài làm việc với chúng ta để giúp phân tích tình huống, các thủ tục, chính sách trong nội bộ”.

Đây là nhận định của bà Virginia Foote – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bay Global Strategies, Quản trị Phòng Thương mại Mỹ - Việt (AmCham), kiêm Đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tại Diễn đàn Nữ Doanh nhân Việt Nam – Lãnh đạo doanh nghiệp nhằm tăng trưởng bền vững tổ chức hồi cuối tuần trước.

Doanh nghiệp Việt Nam nên kết bạn với doanh nghiệp nước ngoài

Về mối quan hệ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, bà Foote cho rằng: Sự thành công của các doanh nghiệp trong nước chính là sự thành công của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam.

“Những công ty đa quốc gia làm việc tại Việt Nam nếu không có sự phối hợp của các công ty Việt Nam thì sẽ không thể thành công được, bởi doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cần tuân thủ các nguyên tắc kiểm toán, thuế quan của Việt Nam. Chúng ta biết rằng thị trường của chúng ta rất lớn. Chúng ta không thể sống sót trong thị trường toàn cầu mà không có nguồn lực về con người trụ vững ở trong nước”, bà Foote lý giải.

“Là 1 công ty, chúng ta cần 1 công ty bạn, 1 công ty nước ngoài làm việc với chúng ta để giúp phân tích tình huống, các thủ tục, chính sách trong nội bộ doanh nghiệp của mình. Về mặt nhân sự, chúng ta có thể dẫn dắt lẫn nhau để có thể vượt qua khó khăn, thách thức, để có thể đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn quốc tế”.

“Các tiêu chuẩn của TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương – PV) rất quan trọng, nhưng chúng ta chưa cần đọc mà cần người giúp chúng ta hiểu về những nguyên tắc cơ bản của TPP và xem rằng hiệp định này ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của chúng ta như thế nào”, Quản trị AmCham diễn giải.

Sự phát triển bền vững không phải ở thị trường mà ở tư duy lãnh đạo

“Bước vào sân chơi lớn toàn cầu cũng đồng nghĩa với việc cộng đồng doanh nhân Việt nói chung và cộng đồng nữ doanh nhân Việt Nam nói riêng đang ở trong giai đoạn mới, cần một bước phát triển mới và với một tư duy mới. Nếu không thay đổi tư duy, đặc biệt là tư duy lãnh đạo để dấn thân một cách mạnh mẽ và bản lĩnh, với chiến lược và tầm nhìn tốt, hiểu biết và tuân thủ các quy định của luật pháp trong nước và quốc tế, việc bị tụt hậu và bị loại khỏi cuộc chơi là điều khó tránh khỏi”- bà Hà Thị Thu Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Hà Nội (HNEW), Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết.

Bà Thanh, còn là Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam, cũng cho rằng: Sự phát triển bền vững xuất phát từ tư duy người lãnh đạo, chứ không phải là vấn đề thị trường.

“Hôm nay chúng ta có thể có thị trường tốt, ví như ngày mai thị trường xuất khẩu của chúng ta khủng hoảng, lúc ấy mới giật mình rằng mình phải quay lại thị trường nội địa. Điều này xảy ra bởi tư duy lãnh đạo không nhìn xa trông rộng, mà lúc đó lại đổ lỗi cơ quan dự báo thị trường, đổ lỗi cho kinh tế đi xuống...”, bà Thanh diễn giải.

Để doanh nghiệp phát triển theo quy luật tự nhiên của nó đã là một vấn đề khó, để doanh nghiệp phát triển một cách bền vững còn khó hơn. Để trợ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, bà Thanh cho rằng có 3 yếu tố cấu thành: Đó là Con người, Môi trường kinh doanh, và Tư duy người lãnh đạo.

“Tư duy của người lãnh đạo là một trong những yếu tố không chỉ phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn của người lãnh đạo đó mà còn tạo ra nhân tố phát triển bền vững trong yếu tố đồng nhất về tư duy. Tư duy lãnh đạo sáng tạo sẽ nâng lên thành kỹ năng, và nâng lên thành mức nghệ thuật lãnh đạo”.

“Các nhà lãnh đạo hiện nay không thiếu ý tưởng, lý thuyết hay thông tin. Họ có kiến thức và chuyên môn vượt trội, nhưng đa phần họ lại hay chỉ trích và gây áp lực, đòi hỏi nhân viên hành động nhanh và quyết đoán. Đồng thời, bản chất của họ cũng phức tạp đến mức chúng ta khó có thể tìm hiểu sâu được. Vì tổ chức, nhóm hay cá nhân không biết hành động như thế nào, chúng ta cần chậm lại, tự suy ngẫm và tiếp cận tình huống theo phương thức khác với thông thường – sử dụng tư duy sáng tạo” – bà Thanh nhận định.

>> Bài học lãnh đạo từ Jeff Weiner - CEO LinkedIn

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM