Cừu – Đại bàng và công cuộc đi tìm nhân viên hoàn hảo

06/12/2014 09:00 AM | Quản trị

“Tại sao một người rời khỏi công ty? Không hẳn vì lương thưởng hay chế độ đãi ngộ, mà vì họ không tương thích hay phù hợp với văn hóa ở công ty đó”.

Đây là thông tin được chia sẻ bởi chuyên gia đào tạo phát triển cá nhân hàng đầu Châu Á – ông Leroy Frank Ratnam - tại sự kiện khởi động chuỗi hội thảo về nghề nhân sự với chủ đề “Đào tạo để giữ chân nhân tài bằng phương pháp NLP” diễn ra chiều 4/12/2014.

NLP là gì?

Phương pháp NLP (Neuro Linguistic Programming) còn được biết đến với tên gọi “Lập trình ngôn ngữ tư duy”, một khái niệm khá mới trong đào tạo và quản trị nhân sự Việt Nam.

“Thực tế triển khai đào tạo ứng dụng NLP tại Việt Nam cho thấy phương pháp này có thể tác động rất sâu đến “phần chìm của tảng băng” trong mỗi con người”, ông Leroy cho biết.

Theo giải thích của ông, phần “tảng băng chìm” ở đây chính là tiềm thức, là năng lực tiềm ẩn chưa được khám phá của nhân viên, hoặc cũng chính là những giới hạn, rào cản mà người lao động tự đặt ra cho chính mình để từ chối làm việc hết mình, từ chối hành động dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ.

Tác động được đến “tảng băng chìm” này sẽ tạo nên chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy tinh thần cống hiến và đam mê làm việc cho công ty, từ đó, tạo nên nguồn doanh thu và lợi nhuận tốt nhất cho doanh nghiệp trên thị trường.

Bà Đỗ Thanh Tâm – Giám đốc Growth Catalyst Vietnam (GCV), đơn vị tổ chức hội thảo cho hay: “Khi làm việc, lao động Việt Nam chưa thấy giá trị và niềm tin của họ gắn với giá trị và mong muốn, sứ mệnh và nhiệm vụ của tổ chức. Chính vì vậy, họ không đem hết công sức của mình vào trong công việc. Họ luôn bị phân tán bởi rất nhiều yếu tố”.

“Trong nhân sự chúng tôi rất hiểu để giữ chân nhân tài cần những yếu tố về lương thưởng, những cơ hội phát triển cá nhân cho họ… Tuy nhiên, từ góc nhìn của GCV, sự thay đổi đột biến nằm ở tầng ngầm của mỗi cá nhân. Đấy chính là hiệu suất cá nhân và cách họ nhìn bản thân họ như thế nào. Cái đó sẽ tạo ra động lực để họ thay đổi lớn nhất, sẽ tác động đến phần sâu nhất của con người, thay đổi được ý thức hệ và nâng cao năng suất làm việc của từng người lao động tại Việt Nam”.

Cừu – Đại bàng và công cuộc đi tìm nhân viên hoàn hảo

Chúng ta không tìm một ứng cử viên hoàn hảo – một đối tượng không hề tồn tại, mà phải tạo ra môi trường tốt nhất để mang đến những yếu tố tạo ra một nhân viên hiệu quả nhất” – ông Leroy nói.

Ông Leroy cho rằng chúng ta có thể làm được điều đó bằng cách sử dụng NLP để thay đổi tư duy từ tư duy của những người thiên về cảm xúc và thường có suy nghĩ tiêu cực khi có sự kiện xảy ra thành tư duy của những người biết tự chịu trách nhiệm, có tư duy lãnh đạo và đổi mới.

Có 2 cách để làm việc này: Một là sa thải họ. Với cách này, chúng ta sẽ phải thuê người mới nhưng không có gì đảm bảo chúng ta không thuê phải một người có tư duy thiên về cảm xúc và việc đó sẽ không bao giờ kết thúc. Hai là, chúng ta tạo ra một văn hóa. Khi mọi người bước vào văn hóa đó, sẽ được thúc đẩy rồi sẽ có tư duy lãnh đạo và đổi mới” – ông Leroy giải thích.

Khi đã tạo ra văn hóa đúng, khi có người mới đến, chúng ta không phải lo họ có làm được việc hay không mà văn hóa của công ty sẽ dạy họ. Trong trường hợp họ không tương thích với văn hóa công ty, họ sẽ rời đi.

Ông Leroy cho rằng, phương thức tạo ra một nhân viên hiệu quả cũng giống như cách giữ chân nhân tài – đó là văn hóa làm việc.

Tại sao một người rời khỏi công ty? Không hẳn vì lương thưởng hay chế độ đãi ngộ, mà vì họ không tương thích hay phù hợp với văn hóa ở công ty đó”, ông cho hay.

Nếu chúng ta đi vào một văn hóa cực kỳ tích cực thì chúng ta rất mong muốn đạt được một nền văn hóa tương tự. Cách suy nghĩ như vậy sẽ trở thành nguyên tắc hành xử. Trong công ty tôi, cho dù có sự kiện gì xảy ra, họ đều hỏi những câu hỏi: Có chuyện gì xảy ra? Chúng ta học được gì từ cái này? Chúng ta làm gì để xoay chuyển vấn đề này?

Hội thảo về nghề nhân sự với chủ đề “Đào tạo để giữ chân nhân tài bằng phương pháp NLP” do Growth Catalyst Vietnam (GCV) tổ chức chiều ngày 4/12. Liên quan đến hiệu suất lao động thấp của người Việt, bà Đỗ Thanh Tâm, Giám đốc GCV cho hay: “Báo cáo gần đây nhất của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) cho hay hiệu suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore. Với những người trẻ như chúng tôi, đó cũng là một sự tổn thương. Rõ ràng, người Việt Nam rất thông minh, đi thi bất cứ cuộc thi nào cũng đứng đầu, nhưng tại sao hiệu suất lao động của người Việt Nam lại thấp như vậy”.

“Chúng tôi cũng có nghiên cứu trên cơ sở đội ngũ học vụ, những chuyên gia đầu ngành đào tạo tại Singapore và nhận thấy nguyên nhân nằm ở ý thức, cái tầng ngầm của “tảng băng chìm” – đấy là ý thức và tiềm thức của người Việt Nam”.

>> Vì sao lao động Việt thi tay nghề đứng đầu ASEAN, nhưng năng suất chung vẫn thấp?

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM