5 điều giúp tạo dựng lòng tin

29/12/2014 08:18 AM | Quản trị

Có những điều mà người quản lý phải tự đào tạo mình qua học hỏi từ các kênh khác trường học. Việc tạo dựng lòng tin ở nhân viên mình là một dịp tự đào tạo như vậy.

Chia sẻ của Leslie Grossman, Chủ tịch Công ty Vistage International tại Mỹ, và là tác giả một quyển sách về xây dựng lòng tin qua kết nối, đã tóm tắt thành năm điểm để tạo dựng lòng tin như sau:

1. Là người lên tiếng sau

Những lần sếp gặp nhân viên do yêu cầu công việc, đặc biệt là để hiểu rõ những khó khăn của họ, sẽ dễ bị biến thành dịp để sếp nói và nói. Để không làm hỏng buổi nói chuyện, người quản lý cần hỏi han nhân viên về công việc và cuộc sống của họ trước.

Cần phải hiểu người đối diện và cho họ thấy là họ thực sự được xem trọng thì lòng tin mới nảy nở được. Một khi biết được câu chuyện mà nhân viên muốn chia sẻ, người quản lý có thể chia sẻ trở lại câu chuyện của mình.

Lên tiếng sau không phải làm cho người quản lý yếu đi mà là mạnh lên nhiều trong mắt người đối diện.

2. Là người lắng nghe tuyệt vời

Lời nói đúng là công cụ tốt trong giao tiếp, nhưng với việc tạo dựng lòng tin thì chưa hẳn. Theo Leslie, chính lắng nghe mới là công cụ số một cho mục đích này. Vì sao vậy?

Khi nhận thấy sếp lắng nghe hết sức tập trung vào từng lời nói của mình, không ngắt lời, không chen ngang quan điểm riêng hoặc trải nghiệm cá nhân, nhân viên sẽ dễ dàng chia sẻ câu chuyện hơn. Điều đó động viên người nói rất nhiều.

Những câu hỏi được đặt thêm càng cho thấy người quản lý thực sự nghe và lĩnh hội hết câu chuyện được chia sẻ. Tôn trọng người nói bằng cách lắng nghe như vậy là cách tạo dựng lòng tin nhanh và trực tiếp nhất.

3. Chỉ tập trung vào câu chuyện

Leslie còn nhắc là sự can thiệp của công nghệ vào cuộc trò chuyện làm câu chuyện đang đầy cảm xúc bỗng trở nên vô duyên. Việc vừa trò chuyện vừa liếc đồng hồ chẳng hạn, hoặc tệ hơn nữa là vừa nghe chuyện vừa trả lời cuộc gọi của ai đó chợt đến giữa chừng, hay tệ nhất là tranh thủ nhắn tin cho ai đó lúc đang tỏ ra lắng nghe.

Những can thiệp nho nhỏ như vậy, tưởng là chẳng hại gì, hóa ra lại làm mọi chuyện đang tốt đẹp thành đổ sông đổ biển. Điều chính ở đây là người quản lý vô tình làm cho người đối diện thấy rằng họ kém quan trọng hơn.

Câu chuyện sẽ sượng đi rất nhiều khi tiếp tục sau những lần ngắt quãng như vậy.

4. Lời đề nghị giúp sức

Không nhất thiết nghe xong câu chuyện là nhà quản lý sẽ tự mình giải quyết rốt ráo được mọi kỳ vọng của nhân viên. Chính khi lắng nghe, dòng suy nghĩ sẽ dẫn đến hình ảnh một ai đó mình từng quen biết có thể giúp một cách cụ thể những gì mà nhân viên đang cần giải quyết.

Người quản lý sẽ là người kết nối để hai bên gặp nhau tự nhiên nhất và giúp cho những vấn đề cần giải quyết có được lời giải nhanh nhất. Leslie nhận xét là chính những mối quan hệ kiểu như vậy sẽ làm cho trái đất này… tròn hơn.

Và đó là con đường tạo dựng lòng tin nhanh nhất cho nhân viên khi mà câu chuyện của họ không những chỉ được lắng nghe, mà người quản lý còn có thiện chí cùng giúp họ giải quyết nữa.

5. Đã hứa là làm

Hứa là sẽ giới thiệu với ai đó thì vẫn chỉ là lời hứa. Giữ lời và thực hiện sớm mới là cần thiết. Luôn cho nhân viên biết là bạn đang thực hiện lời hứa, và thực hiện đến đâu rồi. Muốn tạo dựng lòng tin, đã hứa thì phải làm.

>> Nỗi khổ của một 'sếp phó'

Theo TRƯƠNG CHÍ DŨNG

Cùng chuyên mục
XEM