5 điều doanh nghiệp Đài Loan muốn Chính phủ Việt Nam làm sau sự kiện ở Vũng Áng

19/05/2014 18:36 PM | Quản trị

Hành động tiếp theo của Chính phủ là hết sức quan trọng, đòi hỏi sự nhanh chóng và chính xác, đặc biệt là trong vấn đề bồi thường cho DN.

Trong buổi trao đổi giữa Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI cho biết, hiện tại 80 – 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong vụ biểu tình tại khu công nghiệp Vũng Áng đã hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, trao đổi với VCCI, Đại diện của Tổng hiệp hội thương gia Đài Loan, bà Lương Mỹ Đức cho biết, 1/10 số nhà đầu tư Đài Loan đã bỏ về nước. 

“Chúng tôi là một trong những nhà đầu tư sớm nhất tại Việt Nam, tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Thế nhưng trong vụ việc vừa qua, nhiều nhà xưởng của DN đã bị thiệt hại nặng, thậm chí bị phá hủy. Tổn thất này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nhân Đài Loan đang đầu tư tại đây, mà còn tới những người con, người vợ của người Đài Loan đang làm việc tại Việt Nam”, bà Đức cho biết.

Đài Loan hiện là quốc gia xếp thứ 5 về vốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng theo bà Đức, niềm tin của các nhà đầu tư sau sự việc vừa qua đã bị ảnh hưởng nặng nề. Bà Đức cũng đưa ra những vấn đề mà các DN đang vướng phải và yêu cầu Chính phủ Việt Nam hành động ngay:

Thứ nhất, đó là vấn đề tiền lương cho người lao động. Đây là vấn đề cấp bách cần xử lý ngay đã sắp tới thời điểm phát lương. Một số DN bị phá hủy vừa phải lo nguồn vốn xây dựng lại, vừa phải lo phát lương cho công nhân. Vấn đề nghiêm trọng này cần phải nhanh chóng đưa ra quyết định, bởi nếu không sẽ dẫn tới xung đột giữa người sử dụng lao động và người lao động, thậm chí có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn cả vụ biểu tình vừa qua.

Phía Hiệp hội DN Đài Loan đã đưa ra đề xuất sử dụng bảo hiểm xã hội cho người lao động để hỗ trợ, giảm thiểu gánh nặng tổn thất cho DN. 

Thứ hai, xác thực tình trạng tổn thất DN. Phía Đài Loan đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng đưa ra bộ quy định với trình tự đầy đủ để đánh giá tình trạng tổn thất của DN, đề DN có nhu cầu tiếp tục đầu tư tại VN có thể yên tâm đầu tư kinh doanh.

Thứ ba, cần thành lập những ban chuyên trách xử lý sự kiện ngày 13/5 tại các khu công nghiệp. Ban chuyên trách này sẽ là đầu mối duy nhất, để DN giảm thiểu thời gian làm lại các thủ tục hành chính.

“Trên thực tế, trong vụ biểu tình vừa qua, nhiều máy tính đã bị mất, hóa đơn chứng từ không còn, dữ liệu thiếu thông tin. Nếu không có một đầu mối kiểm soát, các DN sẽ phải chạy tới từng cơ quan để lấy lại dữ liệu đó”, bà Đức cho biết

Vấn đề thứ tư, là giấy phép lao động. Trong rất nhiều DN Đài Loan, có nhiều cán bộ Trung Quốc đã về nước. “Những cán bộ Trung Quốc về nước buộc chúng tôi phải điều động cán bộ Đài Loan và các quốc gia khác sang làm việc. Tuy nhiên nếu tuân theo thông tư mới cấp phép cho lao động nước ngoài tại Việt Nam mới có hiệu lực trong năm nay, chúng tôi sẽ rất khó tìm được người lao động nước ngoài có năng lực. Vì vậy mong Chính phủ sẽ sớm có biện pháp hỗ trợ.”

Vấn đề cuối cùng, đó là bồi thường thiệt hại. “Việc bồi thường như thế nào sẽ thể hiện thiện chí của chính phủ Việt Nam là điều tôi rất mong muốn được nhìn thấy. Việc làm đó sẽ củng cố niềm tin của DN Đài Loan vào Việt Nam”, bà Hoa nhận định.

Ngoài Hiệp hội các DN Đài Loan, Hiệp hội các DN các quốc gia, khu vực khác như Hiệp hội DN Hàn Quốc, Amcharm, Eurocharm cũng có cùng một nhận định. Ông Kim, chủ tịch hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 3.700 DN làm việc, trong đó có 1.500 hoạt động tại miền nam, và khoảng 500 DN hoạt động tại Bình Dương.

“Hiện giờ chúng tôi đã nhận 75 báo cáo của các DN tại Bình Dương bị phá hoại một phần và không thể sản xuất. Thêm vào đó, rất nhiều nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, nếu tương lai tiếp tục có tình trạng này thì các DN có thể không hoàn thành kịp đơn giao hàng với đối tác”, ông Kim cho biết. 

Hiệp hội DN Hàn Quốc chia sẻ với những gì đã xảy ra tại Việt Nam, đồng thời mong muốn sẽ không có những vụ việc đáng tiếc xảy ra trong tương lai. Phía Hàn Quốc mong muốn Việt Nam có những biện pháp giảm thuế, hỗ trợ tuyển dụng lao động và chuỗi cung ứng.

Eurocharm và Amcharm, đại diện cho khối DN ít bị ảnh hưởng trực tiếp từ vụ việc trên thì cho rằng, những DN của họ cũng bị ảnh hưởng khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng. Theo đại diện các hiệp hội, hành động tiếp theo của Chính phủ hết sức quan trọng, đòi hỏi sự nhanh chóng và chính xác, đặc biệt là trong vấn đề bồi thường cho DN. Có như vậy, Việt Nam mới có thể lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài, và lấy lại hình ảnh một quốc gia đầu tư an toàn, thân thiện, ổn định trước kia.


Trang Lam

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM