12 bài học một thiên tài học được từ Steve Jobs

01/12/2014 14:04 PM | Quản trị

Kawasaki thừa nhận rằng làm việc cho Steve Jobs không dễ dàng, nhưng đó là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời.

Guy Kawasaki, Giám đốc tiếp thị cho Canva và cố vấn cho mảng kinh doanh của Motorola (Google) nổi tiếng về thái độ sẵn sàng đổi mới và tinh thần kinh doanh. Trước khi thành danh, ông là một trong những nhân viên đầu tiên của Apple, và vì vậy, ông có cơ hội gặp gỡ và làm việc với Steve Jobs.

Kawasaki thừa nhận rằng làm việc cho Steve Jobs không dễ dàng, nhưng đó là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời.

Dưới đây là 12 bài học dành cho các doanh nhân mà Guy Kawasaki học được từ Steve Jobs:

1.Chuyên gia cũng vô dụng

Những người trong danh sách hàng đầu, các nhà phân tích, các chuyên gia - họ không thể giúp bạn như các doanh nhân. Cho dù đó là ý kiến của một người hay nhiều người, thì chung quy lại cũng chỉ là ý kiến. Như Guy nói: "Steve Jobs không bao giờ lắng nghe các chuyên gia mà ngược lại, các chuyên gia phải lắng nghe ông".

"Là một doanh nhân, bạn sẽ phải tìm những điều phù hợp cho chính mình. Đừng dựa vào người khác".

2. Khách hàng không thể nói cho bạn biết họ cần gì

Câu nói nổi tiếng của Steve Jobs: "Nhiều khi, mọi người không biết những gì họ muốn cho đến khi bạn chỉ cho họ thấy".

Chắc chắn, Jobs đã có nguồn lực to lớn để theo đuổi triết lý đó, điều bạn và tôi có thể không có. Nhưng những ý tưởng tốt nhất thường đến từ những người xác định được vấn đề cần giải quyết trước bất cứ ai .

3. Thử thách lớn nhất mang đến hiệu quả tốt nhất

Hãy nghĩ tới những khách hàng khó tính nhất của bạn, rõ ràng là không vui vẻ gì khi phải đối phó với họ. Nhưng bạn không thể phủ nhận thực tế khi bạn bắt tay vào việc giải quyết vấn đề của họ, bạn cũng đồng thời làm việc tốt hơn. Jobs nổi tiếng với việc để ý đến từng chi tiết và sự tinh xảo. Đây là một thử thách rất lớn cho những người làm việc với ông, nhưng nó cũng giúp họ rèn luyện và tăng cường khả năng.

Bài học rút ra ở đây là hãy chấp nhận thử thách, đừng sợ hãi hay bỏ qua chúng, chắc chắn bạn sẽ thấy bất ngờ về những khả năng của mình.

4. Thiết kế có giá trị

Trong một thế giới mà mọi người nói nhiều tới giá cả, thiết kế vẫn có giá trị. Đối với nhiều người, thiết kế chính là sản phẩm.

Điều này đã được chứng minh trong một nghiên cứu nhằm xác định hình ảnh thương hiệu được thực hiện ở Đức. Họ đã đưa ra một danh sách các công ty, và yêu cầu viết ra ba từ hoặc cụm từ đầu tiên nghĩ họ đến khi nhìn thấy tên công ty. Khi nói đến Apple, một số người tham gia ghi lại từ “thiết kế”.

Có lẽ không phải sự ngẫu nhiên khi Apple luôn nằm trong danh sách những thương hiệu hàng đầu được khảo sát.

5. Đồ họa và phông chữ khủng

"Đây là chìa khóa để tạo ấn tượng. Chỉ cần làm điều này, và bạn sẽ làm tốt hơn so với 90% những người sử dụng PowerPoint".

Steve Jobs đã nổi tiếng với việc sử dụng đồ họa và phông chữ khủng.

Áp dụng quy tắc này buộc bạn hết sức cẩn trọng với các thông điệp, giải thích mọi thứ một cách đơn giản, rõ nét và kết nối với khán giả của bạn - tất cả các yếu tố tạo nên một bài thuyết trình tuyệt vời.

6. Nhảy vọt, sự giống nhau không tốt

Nếu bạn thực sự muốn trở thành một doanh nhân và sáng tạo, bạn phải thực hiện bước tiến nhảy vọt. "Đừng làm những thứ tốt hơn 10%, hãy làm những thứ tốt hơn 10 lần", theo Guy (và Jobs).

Hãy suy nghĩ về cách ipod thay thế Walkman, cách iPhone thay thế Blackberry. Và Ipad, chúng ta sử dụng thứ gì trước iPad?

Sự cách tân vĩ đại xảy ra khi những doanh nhân có bước nhảy vọt.

7. Vấn đề nằm ở chỗ "Làm" hay "Không làm"

Khi iPhone lần đầu tiên ra mắt, Apple không cho phép người dùng tải các ứng dụng của bên thứ ba. Bảo mật là một vấn đề lớn, và chất lượng sản phẩm cũng vậy. Apple cho biết: "Chúng tôi đang làm điều này để tốt cho chính bạn".

Sáu tháng sau, Apple đảo ngược hoàn toàn chiến lược và mở cửa cho các nhà phát triển iPhone. Bạn chắc chắn không thể tưởng tượng nổi sự “thay đổi chóng mặt” của họ?

Bài học rút ra là: Hãy linh hoạt khi cần thiết.

8. "Giá trị" khác với "Giá thành”

Mọi đồ vật đều có giá thành, nhưng giá trị của nó là gì? Các yếu tố như tính dễ sử dụng, tăng năng suất và chi phí hỗ trợ thấp hơn gọi là gì? Những yếu tố này đáng giá như thế nào đối với khách hàng?

Các công ty như Apple, McKinsey, và Mercedes đều được xây dựng trên tiền đề rằng các khách hàng sẽ phải trả giá thành cao cho sản phẩm có chất lượng cao.

Vì vậy, hãy tự hỏi: Sự nhận thức về giá trị cho sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty của tôi là gì?

9. Chuyên gia tuyển dụng chuyên gia

Thông thường, khi một công ty còn non trẻ, ban giám đốc xác định chỉ tuyển dụng một chuyên gia. Nhưng khi công ty phát triển, một số nhà lãnh đạo lo sợ rằng nhân viên sẽ giỏi hơn họ. Họ thậm chí thể hiện điều này ra mặt hoặc sa thải nhân viên. Nỗi sợ hãi này dẫn đến cái Guy gọi là là thuyết “Bùng nổ Bozo”. Thời điểm bạn thuê một người hạng B là thời điểm thuyết “Bùng nồ Bozo” bắt đầu; người hạng B lại thuê một người hạng C, người hạng C tiếp tục thuê người hạng D, đến khi bạn nhận ra thì đã quá muộn, xung quanh bạn chỉ toàn nhân viên hạng xoàng.

Bài học: Tuyển dụng người tốt nhất. Nếu có thể, hãy tuyển dụng người giỏi hơn bạn.

10. Luôn là CEO đích thực – chịu trách nhiệm trong mọi việc

Đã bao giờ bạn tham gia một buổi thuyết trình, trong đó lãnh đạo công ty hoặc dự án cho biết: Được rồi, bây giờ tôi muốn giới thiệu phó giám đốc, giám đốc thiết kế,… giải thích về sản phẩm.

Lúc đó nhiều người bắt đầu suy nghĩ: Tại sao? Ông không làm được việc đó à? Nó quá khó hay sao?

Jobs nổi tiếng vì luôn tự mình thực hiện mọi việc. Việc này không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng ông muốn gánh trách nhiệm đó.

Bạn cũng nên như vậy.

11. Sản phẩm chưa hoàn hảo

Khi bạn đã dám thực hiện bước nhảy vọt, phiên bản đầu tiên của sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn có thể không hoàn hảo. Bạn đã thực hiện bước đột phá, nhưng sản phẩm vẫn sẽ tồn tại điểm yếu (xem xét iPhone 1 vs những mô hình trong tương lai ... hoặc iPad vs iPad Air).

Đừng để điều đó kéo bạn tụt hậu. Bởi vì nếu làm thế, bạn sẽ không thể gia nhập thị trường và tuột mất các cơ hội.

Như Guy nói: "Tôi không nói rằng chúng tôi cung cấp một sản phẩm với những thứ vớ vẩn, mà tôi đang nói tới sản phẩm có bước nhảy vọt, nhưng cũng đi kèm với một số điểm yếu. Đây rõ ràng là sư khác biệt lớn".

12. Vài thứ phải có lòng tin mới thấy được

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng muốn tin vào cái gì thì phải nhìn thấy thứ đó, nhưng đó không phải doanh nhân thực sự. Bạn phải có lòng tin đối với sản phẩm hoặc dịch vụ của mình; sau đó, truyền niềm tin này tới mọi người. Chỉ khi làm vậy bạn mới có thể nhìn thấy thành quả mình mong đợi.

Guy nói: "Nếu bạn không tin, nó sẽ không bao giờ xảy ra. Nếu bạn chờ đợi chứng minh, nó sẽ không bao giờ xảy ra. Nếu bạn chờ đợi khách hàng xác nhận, nó sẽ không bao giờ xảy ra. Lý do tại sao Macintosh thành công là 100 người bắt đầu cùng với Steve Jobs tin vào Macintosh. Và bởi vì chúng tôi tin tưởng vào Macintosh nên đã biến nó thành sự thật".

Kawasaki: "Đừng kết hôn khi còn quá trẻ"

Phương Vy

Phương Vy

Cùng chuyên mục
XEM