10 điều cần làm để cứu các công ty khởi nghiệp Việt Nam (P1)

16/09/2013 10:05 AM | Quản trị

Nội dung nổi bật:

Người Việt Nam thường mắc phải đó là tâm lý “Thích lấy". Khi cho đi một thứ gì đó, bạn đừng nên mong đợi nhận lại một món quà hữu hình. Nhất định bạn sẽ nhận được một điều gì đó.

Lãnh đạo sẽ tạo ra lãnh đạo. Hãy học cách cố vấn và được cố vấn. Việt Nam hiện đang thiếu một nguồn nhân sự trình độ cao trong vai trò cố vấn.

Thay vì 'ném đá', hãy suy nghĩ kỹ về cách khiến điều đó tốt đẹp hơn và chia sẻ suy nghĩ đó với mọi người.

Mỗi cộng đồng khởi nghiệp trên khắp thế giới luôn có những người gác cổng. Họ liên kết tất cả các nhà lãnh đạo và giới thiệu người mới gia nhập tới đúng nơi. Cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam cũng nên có một người gác cổng như thế.


Các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam đang ở trong thời kỳ khủng hoảng. Họ phải vật lộn để đứng vững trên thị trường, cộng với việc thiếu những cố vấn dày dạn kinh nghiệm, thiếu vốn và thiếu người chịu đầu tư, thiếu cả nguồn khách hàng, đầy rẫy biến cố, trở ngại trong khi nền kinh tế vẫn đang đi xuống.

Ít ra thì đây cũng là chủ đề cho những buổi tán chuyện của nhiều startup trẻ trong thời gian gần đây. Nhưng những câu chuyện họ kể nhau nghe lại chẳng giúp được gì, mà trong thực tế, họ chỉ muốn than vãn về cái khó khi bắt đầu mở khởi nghiệp mà thôi. Hãy xem cả Apple và Microsoft, cùng với hơn một nửa số công ty nằm trong danh sách 500 công ty hàng đầu của tạp chí Fortune đều khởi nghiệp từ trong thời kỳ trì trệ, khủng hoảng nhất. Vì thế nên đừng đổ lỗi thất bại cho nền kinh tế nữa.

Bruce Lee đã từng nói: “Để vượt qua chướng ngại, tự chúng ta phải tạo cơ hội cho mình”. Quả thật chúng ta nên nghe theo lời khuyên này.

Thay vì những lời than vãn về những khó khan, nên là một cuộc thảo luận để tìm cách thúc đẩy và đem thành công đến cho thế hệ doanh nghiệp non trẻ này. Đừng chỉ mãi chăm chăm tìm vốn mà hãy tìm người muốn làm việc cho mình.

10 điều những startup Việt cần nghĩ tới và nếu bạn là một trong số đó, hãy bắt tay vào làm ngay hôm nay. Những điều này không dễ và có khi tưởng như không thể thực hiện được, nhưng bạn vẫn phải làm nếu như bạn muốn gầy dựng đế chế của mình.

1. Xây dựng tư tưởng “Cho trước khi nhận”


Cho trước khi nhận

Một trong những điều mà người Việt Nam thường mắc phải đó là tâm lý “Thích lấy". Và câu hỏi “Tôi sẽ được cái gì đây?” luôn thường trực trong đầu chúng ta. Mọi người đều có tâm lý muốn biết được lợi ích của mình ngay khi tham gia một sự kiện mới, dùng một sản phẩm mới hay gia nhập một công ty mới. Điều này hoàn toàn cần phải được thay đổi. Bạn nên nghĩ theo chiều hướng làm thế nào để công việc tốt hơn, hay tôi sẽ đóng góp như thế nào.

“Nếu tôi cho họ mà họ chỉ lấy chứ không cho lại, vậy thì tôi thà không cho còn hơn!”, đây chính là vấn đề của người Việt. Suy nghĩ này cần phải bỏ đi và thay vào bằng một lối tư duy khác. Bạn có thể thấy, những công ty mới nhưng phát triển mạnh luôn được xây dựng trên nền tảng giúp đỡ lẫn nhau.

Ví dụ như Adam D’Angelo, người đồng sáng lập Quora, đã giúp đỡ bạn mình là Kevin Systrom, người sáng lập của Instagram ngay trong đêm anh này gọi điện thoại nhờ giúp đỡ. Vậy Adam nhận lại được gì cho sự giúp đỡ của mình. Thật khó để biết được nó là cái gì. 

Khi cho đi một thứ gì đó, bạn đừng nên mong đợi nhận lại một món quà hữu hình. Nhất định bạn sẽ nhận được một điều gì đó, nhưng bạn chỉ không biết đó là gì mà thôi. Đôi khi, phần thưởng bạn nhận được chính là việc trở thành một phần của lịch sử, hoặc trở thành lịch sử khi tạo dựng nên một đế chế kinh doanh tuyệt vời. Đừng nên chỉ chăm chú vào lợi ích bản thân – cách tốt nhất để sống chính là nghĩ cho người khác.

2. Hãy học cách cố vấn và được cố vấn

Học cách cố vấn và được cố vấn

Học cách cố vấn và được cố vấn

Nếu bạn mang trong đầu triết lý “Cho” thì hiển nhiên bạn sẽ là một người thầy giỏi. Việt Nam hiện đang thiếu một nguồn nhân sự trình độ cao trong vai trò cố vấn. Tuy rằng trong thực thế, có những chương trình như chương trình huấn luyện khởi nghiệp “Founder’s Institute” với mục đích đưa những doanh nhân dày dạn kinh nghiệm trên thương trường làm cố vấn đóng góp cho những doanh nghiệp mới thành lập, thì rõ ràng chẳng thể tìm được ở đâu nữa những cố vấn sẵn sàng đóng góp và dẫn đường cho các công ty non yếu cả. 

Hầu như lúc nào chúng ta cũng được nghe câu từ chối: “Ồ, thật xin lỗi, tôi hiện tại quá bận với công ty của mình nên không có thời gian giúp bạn được!”. Xin lỗi vì nói thật nhé, chuyện này thật nhảm nhí làm sao! Tác giả của cuốn “Startup Communities”, Brad Feld đã từng đánh giá về những người này rằng họ hoàn toàn đánh mất giá trị của một nhà lãnh đạo. Những người như vậy thậm chí còn không biết cách đặt ra những tầm nhìn lâu dài cho công ty của mình nữa. Họ không nhận ra rằng, bằng cách dạy cho người khác cách khởi nghiệp, họ cũng đang tự nhìn lại chính mình ở một mức độ rộng hơn và sâu sắc hơn.

Và điều tuyệt vời nhất trong một cộng đồng có nhiều cố vấn đó chính là cố vấn cũ sẽ đào tạo ra những cố vấn mới. Nếu bạn quyết định bắt đầu hướng dẫn người khác cách kinh doanh thì bạn cũng nên nhớ rõ rằng người được bạn cố vấn đó cuối cùng có thể sẽ cố vấn ngược lại cho bạn. Chúng ta luôn có thể học nhiều thứ, ngay cả từ học trò của mình. Đó chính là là cách mà các cộng đồng khởi nhiệp phát triển. Lãnh đạo sẽ tạo ra lãnh đạo.

3. Ngừng sử dụng trò “Ném đá”

Người Việt có một thói quen xấu đó chính là “Ném đá”. Ném đá có nghĩa là thói quen chỉ thích chỉ trích một việc nào đó mà không đưa ra được những phản hồi có cơ sở, hay nói ngắn gọn là họ kêu ca chỉ để than phiền mà thôi! Thói quen này chẳng hề mang tính xây dựng và theo tôi được biết thì đây đã là văn hóa của người Việt rồi, nhưng nếu muốn phát triển thì người Việt nên ngừng việc chỉ trích người khác bằng cách “ném đá” lại.

Hãy thay đổi bằng cách đứng dậy và suy nghĩ, khi sử dụng một ứng dụng mới, hay biết về một công ty mới, hoặc bắt gặp một sự kiện mới, hãy suy nghĩ xem làm thế nào để ứng dụng đó tốt hơn, chia sẻ với những nhà sáng lập những điều bạn nghĩ sẽ mang tới lợi ích cho công ty hoặc nói với người tổ chức ý tưởng của bạn để giúp cho sự kiện diễn ra tốt đẹp chứ đừng chỉ phàn nàn và phàn nàn về nó.

Thật đáng tiếc, khi gặp cái gì mới, hai phản ứng thường thấy của người Việt lại là:không làm gì cả hoặc “ném đá”. Đã tới lúc thêm vào một lựa chọn nữa rồi đấy: suy nghĩ kỹ về cách khiến điều đó tốt đẹp hơn và chia sẻ suy nghĩ đó với mọi người.

4. Cởi mở hơn

Chẳng dễ dàng gì để một người mới, hay một người nước ngoài hoặc một doanh nhân trẻ tham gia vào cộng đồng khởi nghiệp. Vì thế mỗi cộng đồng khởi nghiệp trên khắp thế giới luôn có những người được gọi chung là người gác cổng. Họ liên kết tất cả các nhà lãnh đạo trong cộng đồng đó và giới thiệu người mới gia nhập tới đúng nơi họ cần. Cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam cũng nên có một người gác cổng như thế để người mới có thể dễ dàng gia nhập vào cộng đồng này.

Tôi đã từng nghe rất nhiều lời than thở giống nhau từ người Singapore, cho tới các nhà đầu tư phương Tây rằng thật là khó để hiểu được thị trường Việt Nam vì ngôn ngữ ở đây quá khó, và cũng vì cách mà người Việt làm việc. Vì thế để có thể vượt qua được suy nghĩ này, người Việt cần phải rộng mở hơn, tức là chúng ta nên thân thiện hơn không chỉ với người Việt, mà còn cả với người nước ngoài nữa.

5. Liên kết với đồng nghiệp của bạn ngay hôm nay

Nếu bạn đang đọc bài báo này tức là bạn quan tâm tới cộng đồng khởi nghiệp. Nếu như bạn thật sự muốn làm một điều gì đó cho những người mới khởi nghiệp, cách tốt nhất chính là phát triển cộng đồng này.

Giới thiệu người mới ngay bây giờ, tạo những mối liên kết, và phát triển những mối quan hệ dựa trên mạng lưới đã có là những cách để phát triển cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Một nhóm những người khởi nghiệp không giống như Napster, nơi mà mọi người chỉ cho hay chỉ nhận, mà khởi nghiệp là nơi mà mọi người vừa cho vừa nhận lẫn nhau.


Ngay bây giờ, gửi thư ngay cho 2 người bạn mà bạn nghĩ rằng họ nên gặp gỡ nhau và giới thiệu họ với nhau nào! Hãy làm thử nào!

Trong trường hợp bạn không nghĩ tới ai được, hãy nhìn lướt qua danh sách những công ty mới thành lập, gửi ngay một email tới công ty mà bạn thích rồi ngồi đợi. Thật đấy, tốt nhất là nên mời họ một ly cà phê và ngồi hàn huyên ngay. Đây chính là cách mà chúng ta có thể xây dựng một cộng đồng tuyệt vời và vững mạnh để có thể đứng vững và trở thành nền tảng khởi nghiệp cho những công ty sau này.

(Còn nữa)

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM