Quản lý thương mại xuyên biên giới: Phải đi tìm một định nghĩa mới

08/05/2019 20:00 PM | Xã hội

Các khoản thu nhập này đều được chuyển về Việt Nam cho người thụ hưởng thông qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Nhiều giải pháp đã được nêu lên để quản lý thuế với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới như yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải có văn phòng, chi nhánh hay đặt máy chủ tại Việt Nam. Thế nhưng, tới hiện tại, khả năng thực hiện của những ý kiến trên vẫn... để mở.

Đó chỉ là một trong những khó khăn đã được nêu lên trong hội thảo "Quản lý thuế trong nền tảng kỹ thuật số" vừa tổ chức ngày 8/5.

Khái niệm đã lạc hậu

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế nêu lên thực tế, quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn còn bất cập, nhất là đối với các thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube,...

Theo ông, các doanh nghiệp và cá nhân có giao dịch có tốc độ tăng trưởng nhanh. Một số doanh nghiệp có doanh thu hàng năm cả trăm tỷ đồng, các cá nhân cũng có phát sinh thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Các khoản thu nhập này đều được chuyển về Việt Nam cho người thụ hưởng thông qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, chỉ có một số doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp thuế, còn lại chưa kê khai nộp thuế.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng nêu lên vấn đề, thách thức lớn nhất hiện tại là quản lý với người cung cấp dịch vụ, hàng hóa xuyên biên giới.

Theo quy định, một doanh nghiệp nước ngoài phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khi đơn vị đó có cơ sở kinh doanh cố định. Thông qua cơ sở này, doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy vậy, lãnh đạo ngành thuế chỉ ra, hiện tại, doanh nghiệp có thể không cần hiện diện tại từng quốc gia vẫn cung cấp được dịch vụ. Bởi thế, khái niệm cũ với cơ sở kinh doanh mang tính vật chất không còn phù hợp trong thời kỳ kỹ thuật số.

"Bây giờ xác định thế nào là cơ sở thường trú với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực kỹ thuật số. Ta phải định nghĩa lại, không thể dựa vào nguyên tắc cũ," ông Minh nói.

Ông Jonathan Leigh Pemberton, chuyên gia thuế cao cấp của Ngân hàng thế giới cũng tỏ ra đồng tình với cách nhìn này. Theo vị này, quy định về cơ sở thường trú ra đời trên thế giới cả trăm năm trước và đã trở nên lạc hậu.

"Hệ thống cũ đã tạo ra khoảng trống, quy định chưa theo được thực tế nên doanh nghiệp có thể tách biệt nơi tạo ra giá trị và nơi ghi nhận giá trị," đại diện WB lên tiếng.

Vấn đề nữa đặt ra theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh là việc cung cấp dịch vụ qua mạng khiến doanh nghiệp không phải nộp thuế giá trị gia tăng. Điều này tạo ra sự phân biệt giữa doanh nghiệp kinh doanh truyền thống và các đơn vị kinh doanh trên mạng.

Lập website để doanh nghiệp ngoại kê khai, nộp thuế

Bàn về giải pháp, ông Jonathan Leigh Pemberton có nhắc tới một trong những ý kiến được nêu lên là sử dụng hệ thống ngân hàng thu thay cơ quan thuế. Tuy vậy, vấn đề này theo ông lại gặp khó ở chỗ, các ngân hàng thương mại khó nhận diện đâu là thanh toán liên quan đến dịch vụ số và đâu mà khoản thanh toán khác.

Vị đại diện Ngân hàng Thế giới có nhắc tới một giải pháp khác là lập cổng thanh toán điện tử trực tuyến để các nhà cung ứng nước ngoài dễ kê khai nộp thuế.

"Theo nguyên tắc, người dùng cuối cùng trả thuế giá trị gia tăng nhưng ta phải tạo cơ chế cho nhà cung ứng kê khai, nộp thuế cho người dùng," vị này nói.

Về phía ngành thuế, ông Đặng Ngọc Minh nhắc lại một số đề xuất trước đó cho rằng cần quy định để một số đơn vị như Facebook, Goolge có văn phòng, chi nhánh và đặt cơ sở dữ liệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng thực hiện với những giải pháp này theo ông là vẫn để mở. Ông lấy ví dụ với Trung Quốc đề cập tới nội dung trên nhưng gặp phải phản ứng mạnh của doanh nghiệp.

Ông Minh cũng bày tỏ ủng hộ với giải pháp xây dựng cổng thanh toán một cửa quốc gia để kiểm soát các thanh toán.

Góp ý thêm, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế nêu lên, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 5/2019 có bổ sung quy định: Các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động thương mại điện tử thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.

Theo ông, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng quy trình đăng ký thuế đơn giản như mở trên website của Tổng cục Thuế hệ thống ứng dụng để hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện đăng ký thuế để được cấp mã số thuế và kê khai, nộp thuế qua mạng./.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế nói về quản lý thuế với giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới:

Theo Xuân Dũng

Cùng chuyên mục
XEM