Quan liêu, tham nhũng đang giết chết ngành cà phê Kenya như thế nào?

07/04/2016 15:57 PM | Kinh tế vĩ mô

Cà phê từng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Kenya và là nguồn thu ngoại tệ chính của quốc gia Châu Phi này. Nhưng việc quản lý yếu kém của chính phủ trong ngành cà phê đã khiến ngành sản xuất này dần suy thoái.

Sản lượng kỷ lục gần đây nhất tại Kenya được ghi nhận là vào năm 1987-1988 với 127.000 tấn. Dẫu vậy sản lượng cà phê của Kenya trong mùa vụ sau đó lại giảm tới 40%. Lý do là bởi nhiều nước xuất khẩu lớn loại hàng hóa này nâng sản lượng nhằm cạnh tranh trên thị trường. Kể từ đó tới nay, sản lượng cà phê của Kenya liên tục giảm.

Tham đất bỏ... cà phê

Năm 2015, tổng sản lượng cà phê của Kenya chỉ đạt 45.000 tấn, tương đương 0,5% so với tổng sản lượng toàn cầu.

Nếu xét về chất lượng sản phẩm, cà phê Kenya không hề kém cạnh nhiều nước xuất khẩu lớn khác. Loại cà phê arabica được trồng tại cao nguyên Kenya vốn nổi tiếng thế giới về độ thơm và hương vị hạt. Do đó, chất lượng sản phẩm không phảu yếu tố khiến ngành cà phê đi xuống.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ cà phê trong nước tại đây cũng khá tiềm năng khi tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm do nhiều chuổi cửa hàng cà phê khai trương tại đây để phục vụ cho tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ cũng không phải nguyên nhân chính.

Trớ trêu thay, chính tầng lớp trung lưu lại là một trong những nguyên nhân khiến sản lượng cà phê giảm ngoài yếu tố cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác.

Tầng lớp trung lưu tại Kenya đang có nhu cầu khá cao về nhà ở và bất động sản. Hậu quả là nhiều công ty mua lại các đồn điền cà phê để xây nhà. Hơn nữa, lợi nhuận từ trồng cà phê không cao khiến ngày càng nhiều nông dân lựa chọn dỡ bỏ loại cây trồng này để bán đất thu tiền.

Tham ô và quản lý yếu kém

Tại Kenya, có đến 60% ngành sản xuất cà phê là các hộ nông dân nhỏ và lợi nhuận từ trồng loại cây này không còn đủ sức hấp dẫn nữa. Nhiều hộ nông dân thậm chí từ bỏ trồng cà phê cũng như các loại cây trồng cho xuất khẩu khác như hạt Macca. Trong khi đó, sản lượng cà phê tại nước láng giềng Uganda lại tăng gấp đôi kể từ năm 1990 lên 285.000 tấn.

Nguyên nhân rất đơn giản, người nông dân tại Kenya chỉ được hưởng 20% giá bán cà phê xuất khẩu, trong khi tỷ lệ này tại Uganda là 80%.

Rõ ràng việc quản lý yếu kém chính là yếu tố gây ra tình trạng bất cập trên tại Kenya.

Liên minh Hợp tác xã KPCU tại Kenya chiếm 70% công suất xay xát trên toàn quốc và cung cấp các khoản vay cũng như phân bón giá rẻ cho các hộ trồng cà phê đã bị vỡ nợ vào năm 2009 và bị tiếp quản bởi các chủ nợ.

Năm 2014, KPCU thoát khỏi tình trạng bị kiểm soát của các chủ nợ và quay trở lại hoạt động độc lập bình thường. Tuy nhiên, những thông tin về hành vi gian lận và tham nhũng trong quá khứ đối với KPCU đã bị phơi bày vào năm 2015 khiến nhiều cuộc biểu tình diễn ra và nhiều nông dân thậm chí đe dọa không thu hoạch cà phê bán cho KPCU để phản đối.

Những thông tin này bao gồm câu chuyện các quan chức KPCU đã ẩu đả trong phòng họp khi phân bổ ngân sách để “mua máy tính mới” cũng như việc trộm cắp tài sản thiết bị tại nhà máy của KPCU ở Nairobi.

Thêm vào đó, nhiều báo cáo không chính thức cũng cho thấy một số nhà lãnh đạo của KPCU đã tham ô khoản tiền cho nông dân vay vốn và tiền bán cà phê của các thành viên hợp tác xã trong gần 2 thập kỷ qua.

Cơ chế chính sách vận hành bất cập

Ngoài ra, chính quy chế vận hành giao dịch đầy phức tạp trong ngành cà phê tại Kenya đã tạo cơ hội cho các vụ gian lận và hưởng lợi bất hợp pháp từ công sức của người nông dân.

Theo đó, chỉ 10% sản lượng cà phê là có thể được mua trực tiếp từ nông dân bởi phần lớn các nông trang ở đây đều thuộc về một hợp tác xã nào đó.

Những hạt cà phê thô sau khi được thu hoạch sẽ được hợp tác xã xử lý qua trước khi chuyển đến nhà máy xay xát và đóng gói trong các túi.

Sau đó, những túi cà phê này được vận chuyển đến 1 trong 8 đại lý được cấp phép bởi chính phủ, với nhiệm vụ bán cà phê cho hơn 60 đại lý trên toàn quốc tại sàn giao dịch Nairobi (Nairobi Coffee Exchange).

Buổi giao dịch, hay đấu giá này thường được tổ chức tại một tòa nhà gần như bỏ trống ở khu vực khá vắng vẻ. Những người muốn tham gia đấu giá phải nộp khoản phí đăng ký 1.500 USD trước khi vào cửa.

Dẫu vậy, nhiều người mua phàn nàn rằng có những “ông lớn” tham gia ghìm giá và chi phối buổi đấu giá.

Một nhà báo Kenya cho biết, ông đã chứng kiến nhiều đại lý trong buổi đấu giá ra tín hiệu với nhau nhằm giữ mức giá mua ở mức mà họ muốn.

Nhiều nhà máy, đại lý hay công ty tham giá buổi đấu giá là những doanh nghiệp “chị em”, qua đó thông đồng với nhau để mua cà phê với giá thấp.

Bên cạnh đó, một số chính phủ địa phương còn làm phức tạp thêm tình hình khi thành lập những xưởng xay cà phê và đại lý riêng để bán cà phê. Qua đó khiến việc tự do mua bán loại hàng hóa này trở nên khó khăn hơn và động thái này không thể giải quyết triệt để những bất cập trên.

Trái lại, ngành cà phê tại Uganda đã được tự do hóa từ năm 1992 và không có bất kỳ cuộc đấu giá nào. Những đại lý có thể mua cà phê trực tiếp từ nông dân và bán lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM