Quan hệ Việt - Nhật qua sự hiện diện của dòng vốn Nhật Bản tại Việt Nam

19/10/2020 14:04 PM | Xã hội

Về ODA, Nhật Bản là quốc gia cung cấp vốn vay bằng đồng JPY cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay đến hết năm 2019 đạt 2.578 tỷ JPY (gần 24 tỷ USD), và chiếm hơn 26% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ.

Trong cấu phần FDI 9 tháng năm 2020, riêng Nhật Bản đã đăng ký 209 dự án cấp mới, 100 lượt dự án điều chỉnh vốn, 448 lượt góp vốn mua cổ phần, với tổng số vốn đăng ký đạt 1,73 tỷ USD.

 Quan hệ Việt - Nhật qua sự hiện diện của dòng vốn Nhật Bản tại Việt Nam  - Ảnh 1.

Có một số thương vụ góp vốn mua cổ phần mà nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện như thương vụ của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Sumitomo (Sumitomo Life) đã đầu tư 4.012 tỷ VNĐ (tương đương với 173 triệu USD) mua 41,4 triệu cổ phiếu tập đoàn Bảo Việt (BVH) và chính thức nâng tỷ lệ sở hữu tại BVH từ 17,48% lên 22,09%. Tổ chức có liên quan là Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Enegry Việt Nam là một trong những đơn vị thành viên của ENEOS Corporation và nắm giữ 8% số cổ phiếu đang lưu hành của Petrolimex đã mua 13 triệu cổ phiếu Petrolimex với giá trị đầu tưu 650 tỷ VNĐ ( 28 triệu USD).

Ngoài ra các dự án cải tạo cơ sở hạ tầng ở cảng Lạch Huyện ở Hải Phòng, dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam, xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội, xây dựng nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình,.. và rất nhiều các dự án khác đang được tiến hành.

Nhật Bản đứng thứ 2 trong số 136 các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 9/2020, số dự án FDI Nhật Bản đăng ký vào Việt Nam còn hiệu lực là 4.595 dự án, tương ứng với 59,9 tỷ USD (chiếm 15,7% tổng FDI đăng ký vào Việt Nam). Vốn FDI Nhật Bản đăng ký còn hiệu lực tập trung lớn tại Thanh Hóa (12,5 tỷ USD), Hà Nội (10,9 tỷ USD), Bình Dương (5,1 tỷ USD), Hải Phòng (5,05 tỷ USD), TP. Hồ Chí Minh (4,47 tỷ USD).

Nhờ lợi thế có thế mạnh trong việc phát triển khoa học và công nghệ, Nhật Bản đã đóng góp vào quá trình chuyển dịch kinh tế của Việt Nam (thông qua chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý). Hiện tại Nhật Bản đang đầu tư vào các lĩnh vực như Giáo dục, Y tế, Quản trị nhà nước – Cải cách Pháp luật, Giao thông vận tải, Tài nguyên  - Năng lượng, Phát triển đô thị  - vùng, Kinh tế thị trường – Cải cách tài chính – Đầu tư, Phát triển lĩnh vực tư nhân, Phát triển nông nghiệp nông thôn, Quản lý môi trường, Biến đổi khí hậu – Thiên tai, Giới và Phát triển ở Việt Nam.

Về ODA, Nhật Bản là quốc gia cung cấp vốn vay bằng đồng JPY cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay đến hết năm 2019 đạt 2.578 tỷ JPY (gần 24 tỷ USD), và chiếm hơn 26% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính Phủ.

Theo khảo sát của JETRO, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho biết đang xem xét chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trong điều kiện bình thường mới,..

Nguyễn Liên

Cùng chuyên mục
XEM