Quán bún riêu gần 50 năm trong hẻm vắng Sài Gòn, khách ăn tự múc lấy để thấy "nhà" là đây

04/11/2017 08:53 AM | Sống

Sài Gòn hào sảng là vậy, đôi khi chỉ những vụn vặt bé con như nồi bún riêu canh bún nghĩa tình làng xóm của cô Đẹp nằm sâu trong con hẻm nhỏ cũng đủ khiến một tôi tan ra vì nỗi êm dịu và thanh bình đến rưng rức.

Chiêm bao thấy nằm giãy nãy, đòi má nấu cho nồi bún riêu cua, mà ngó hoài không thấy bả đâu. Co giò nằm trên đi-văng khóc tức tưởi, cái mặt nhỏ xíu lấm lem, giăng hai hàng nước mắt. Đám cua mới đi ra đồng bắt với tụi bạn hồi sáng kêu như biểu tình trong cái thau nhựa, thiếu điều muốn bò ra kẹp thằng nhỏ cho đau điếng chơi rồi hỏi "sao không nấu tao lẹ, tháng này ở đây còn nóng, sao bắt lên bờ chi rồi hành hạ vầy".

Ờ thì cua có, mà bà già đi đám giỗ hay đi đâu đó chưa về, thằng nhỏ cứ vậy mà nằm khóc. Cả lũ đi bắt cua đồng hồi sáng, đứa nào cũng xách cua về cho má nấu ăn, còn mình thì bị bà già ngó lơ, tự thấy tội nghiệp. Cứ vậy mà khóc, khóc đến khi ngủ thiếp lúc nào không hay, đi-văng giàn giụa nước.

Nhờ lần thèm bún riêu má nấu, liền nhớ tới nồi bún riêu của cô Đẹp giữa cái xóm trọ bình dân nghĩa tình giữa lòng Sài Gòn.
Nhờ lần thèm bún riêu má nấu, liền nhớ tới nồi bún riêu của cô Đẹp giữa cái xóm trọ bình dân nghĩa tình giữa lòng Sài Gòn.

Giật mình tỉnh dậy, thì trời đã quá trưa. Hơi buồn một chút vì nhớ má, nhớ nồi bún riêu bả nấu mà đến nằm mơ cũng chỉ thấy mình với cua, bà già ở tận đẩu đâu không hiện hình. Chiêm bao dạo này sao vắng vẻ quá, không có người cho vui. Buổi trưa nặng nề như oan khuất gì lắm, thôi bỏ đi kiếm nồi bún riêu ăn cho bõ cơn giận.

Sực nhớ ở cái hẻm lao động bình dân kế bên chung cư đang ở, có xe bún riêu tình nghĩa làng xóm, 50 năm qua cứ vậy mà bán, từ má chồng truyền cho con dâu, nghe mấy bà hàng nước đầu hẻm đồn ngon bá cháy, nằm khuất sâu vậy mà lâu lâu dân văn phòng cũng đặt cả chục bịch về công ty ăn. Vậy là lật đật xỏ đôi dép, tràn xuống tìm xe bún riêu của bà chủ tên Đẹp.

Chân dung cô Đẹp, người kế thừa nồi bún riêu 50 năm tuổi của má chồng.
Chân dung cô Đẹp, người kế thừa nồi bún riêu 50 năm tuổi của má chồng.

Mùa này Sài Gòn trời cũng còn xanh ngằn ngặt, nắng cứ quạu quọ xiên xiên, hên cái là hẻm nằm khuất sau một dự án chung cư cao ốc gì đó cũng bự chảng, nên nắng dù vàng hay nóng cỡ nào cũng không lọt vô được cái hẻm của bà con.

Tính ra buổi trưa hẻm này thanh bình, đi sâu vô chút xíu thôi là nghe râm ran tiếng nhạc bolero, cứ khẽ khàng loang ra từ những ngôi nhà đóng cửa im lìm. Một vài căn thì có tiếng con nít khóc trộn lẫn với tiếng lũ mèo hoang cứ nhèo nhẹo xin ăn dưới chân của mấy ông chú đang vừa nhậu vừa bàn chuyện chánh trị đâu tận nước ngoài. Hàng rào bên ngoài của những ngôi nhà nhỏ thì cũng xanh đỏ thứ màu sắc của mấy cái mền, chắc mấy bà trong nhà đem ra phơi hồi sáng cho đỡ ẩm mốc vì trận mưa đêm qua. Mấy cây gòn thì trổ trái trái mùa, lơ thơ mấy trái câm điếc treo mình giữa trời như hóa thạch.

Cứ độ trưa trưa là các bà trong xóm đều tề tựu về đây để kể chuyện phiếm cho nhau nghe.
Cứ độ trưa trưa là các bà trong xóm đều "tề tựu" về đây để kể chuyện phiếm cho nhau nghe.

Giữa cái thành đô sực nồng hơi người trộn với thứ mùi kim khí từ bê tông và khói bụi thì những điều giản dị của cái hẻm lao động bình dân này cũng đủ làm người ta cảm thấy êm dịu, một nỗi êm dịu lạ kỳ mà cho dù có kề cận cũng hiếm khi cảm nhận thấy. Người ta chỉ biết Sài Gòn qua cái vẻ hào nhoáng hoàng hoa bề ngoài của các trung tâm thương mại và những tòa cao ốc chọc trời, với ánh đèn xa xỉ trong các khu phố Tây, phố Nhật, nhưng khi chịu khó đi sâu để thấy, để nghe, hay khi những tòa cao ốc kia hạ xuống thử một lần thì liệu những sự thật này, như cái hẻm bình dân đây có làm cho người ta bẽ bàng hay không?

Và cái bẽ bàng có nặng nề như tiếng thủy tinh rơi xuống thèm nhà rồi vụn vỡ ra không? Không ai biết, mà có biết cũng có được gì đâu, sự thật là sự thật, dù không được kể, được nghe, được thấy nó vẫn nghiễm nhiên tồn tại muôn đời, dù cho thành đô Sài Gòn này có tân thời đến nhường nào đi nữa.

Xe bún riêu có cây dù che nắng che mưa nằm gọn lỏn trong con hẻm bình dân khuất sâu sau dự án cao tầng nào đó.
Xe bún riêu có cây dù che nắng che mưa nằm gọn lỏn trong con hẻm bình dân khuất sâu sau dự án cao tầng nào đó.

Xe bún của cô Đẹp nằm gọn lỏn trước cửa căn nhà mấy đời ở chung với nhau, cô Đẹp là con dâu. Và xe bún này vốn là của má chồng cô, đã có từ trước 1975, sau này, năm 1996 cô Đẹp về thì bà già giao lại cho cô luôn. Ở đây ngoài bún riêu thì cô cũng bán luôn canh bún. Tô nào tô nấy bự chảng mà giá cũng có 12 đến 15 ngàn là cùng.

Chỗ cô bán cũng nhỏ xíu, có vỏn vẹn một hai cái bàn, nhưng thật tình thì đông khách lắm. Đa số là hàng xóm láng giềng, ai muốn ăn thì xách tô qua kêu cô múc rồi te te bưng về ăn, chứ ít khi người quen mà ngồi lại. Lâu lâu chỉ thấy bà ve chai hay ông chú bán bánh tráng nướng hay người hàng rong, hàng chợ đi ngang sà vô ngồi làm tô ăn cho no bụng rồi đi tiếp.

Một góc của Sài Gòn hoàng hoa êm dịu như ở nhà.
Một góc của Sài Gòn hoàng hoa êm dịu như ở nhà.
Xóm hẻm này đang vào mùa có nhiều con nít, cứ trưa trưa là được bà, được mẹ ẵm qua quán cô Đẹp ngồi chơi.
Xóm hẻm này đang vào "mùa" có nhiều con nít, cứ trưa trưa là được bà, được mẹ ẵm qua quán cô Đẹp ngồi chơi.

Mà ngộ, chỗ bán của cô như cái nơi tụ họp của bà con anh chị em trong xóm buổi trưa, cứ tầm độ mặt trời lên tới đỉnh đầu là bà ẵm cháu, bà bồng con, bà thì bưng nguyên tô cơm trưa qua vừa ngồi ăn vừa tám, nào là hôm qua nhà bà Tư mất con chó, bà Bảy thì quăng đống ve chai trước nhà chưa kịp bán bị ai "hốt" mất tiêu… Cũng có nhiều bà khoe cháu, khoe con như chị Sáu trưa này bồng thằng nhỏ ra tí tớn cà hẩy cà hẩy, xong vui miệng nói: "Ê nay thằng chó con này chịu uống cà phê đen không đường luôn mấy bà". Mấy bà kia, trong đó có cô Đẹp tròn mắt, hỏi sao con nít mà cho uống cà phê, xong xả một tràng cười ha hả kiểu chọc quê mẹ trẻ thiếu kinh nghiệm nuôi con mà còn tự hào, kỳ cục.

Câu chuyện của mấy bả nhiều khi hấp dẫn, mà tô bún riêu, canh bún ăn hoài không hết, lớp vì nhiều, lớp vì mắc lo hóng chuyện. Đặc biệt là cái xóm này, đàn bà phụ nữ đi vòng vòng trong ngõ suốt cả ngày, giữ con giữ cháu cho mấy ông đàn ông đi làm kiếm tiền, mà chuyện ở đâu dù giật gân hay ly kỳ cũng tỏ tường tưởng như mấy bả là nhân vật trong câu chuyện đó luôn.

Tình nghĩa là thứ không thể mua bán, và ở trong con hẻm nhỏ Sài Gòn này thôi cũng dư dả.
Tình nghĩa là thứ không thể mua bán, và ở trong con hẻm nhỏ Sài Gòn này thôi cũng dư dả.
Tô bún riêu bự tổ chảng, có giá chỉ 15k với đầy đủ ốc, chả, đậu, huyết.
Tô bún riêu bự tổ chảng, có giá chỉ 15k với đầy đủ ốc, chả, đậu, huyết.

Ngót 20 năm cô Đẹp đứng bán thay mẹ chồng lúc nào trước cửa nhà cũng râm ran tiếng nói cười. Mà chị em quây quần vui vui cỡ đó, nên dù có khó khổ thì thật tình là nhìn bà nào cũng vẫn tươi tắn không buồn rầu bi lụy chi hết. Mà câu chuyện sẽ nóng sốt vui vẻ hơn nếu bên cạnh có tô bún riêu hoặc canh bún đầy hấp dẫn của cô Đẹp, vừa xì xụp ăn, hơi nóng bả lả trên mắt mướt mồ hôi, xong dây qua rình chuyện, sẽ thấy Sài Gòn không còn nơi nào bình yên hơn.

Canh bún, bún riêu của cô Đẹp tính ra cũng không phải dạng bình thường, đông là nhờ khách quen đâu. Nó ngon kiểu cách rất lạ. Nước lèo cô Đẹp nấu thơm mùi hành phi, kèm vị chua chua của cà, quyện vào cái nồng nàn của riêu cua đặc quánh từng mảng lớn trong nồi. Tổng thể cái nồi nước lèo mà vào những giờ cô vừa dọn ra, vừa thơm đến mức ai đi ngang cũng muốn tấp vào ăn, vừa đẹp mắt bởi thứ màu gạch cua với rổ rau sống xanh mướt mà cô cùng chị em trong xóm phụ nhau bào và lặt ban sáng.

Canh bún cũng vậy, giá cả phải chăng mà ăn một tô no suốt cả ngày.
Canh bún cũng vậy, giá cả phải chăng mà ăn một tô no suốt cả ngày.
Nồi nước lèo đặc sắc này ai nhìn cũng muốn sà vô ăn ngay.
Nồi nước lèo đặc sắc này ai nhìn cũng muốn sà vô ăn ngay.

Chưa hết, thứ đặc biệt làm nên cái nồi bún riêu truyền đời nhà cô nức tiếng cả xóm này là ốc. Nếu những chỗ bún riêu cua ốc khác, người ta thường luộc xong gỡ ruột để đó, ai ăn thì xúc vô, thì ốc nhà cô Đẹp làm phải nói là kỹ cực kỳ, lại được mang đi xào thơm thật thơm để khử mùi bằng sả và gia vị, mớ da heo cũng bỏ vô xào cùng, để khi cho vào tô, ai ăn cũng tấm tắc khen ngon. Ốc thì giòn giòn lại đậm hương vị, da heo lại sựt sựt ăn hoài không biết ngán.

Bún riêu hay canh bún ở chỗ cô thì đều dùng chung một nồi nước lèo, khác chỉ là khác cọng bún và rau ăn kèm. Bởi bún riêu thì ăn với rau muống bào và kèm một số loại rau xanh khác như giá, húng, quế, kinh giới, ai thích trụng thì trụng, còn không thì ăn sống. Canh bún thì cọng bún to hơn và rau kèm là rau muống cắt thành từng đoạn luộc sẵn.

Cô Đẹp có cách làm ốc ngon lạ kỳ, khiến tô bún của cô ngon khác thường.
Cô Đẹp có cách làm ốc ngon lạ kỳ, khiến tô bún của cô ngon khác thường.

Chỉ cần gắp một đũa bún thơm có nêm nếm mắm tôm và nước me và ớt tươi xay nhuyễn, bỏ vô miệng, kèm theo miếng rau, miếng đậu hũ chiên giòn, mấy con ốc, miếng chả, miếng da heo xong lấy muỗng múc nước lèo húp nghe cái "rột" là đảm bảo sẽ rụng rời vì cho rằng đây là tô bún riêu ngon nhất trần đời.

Cái vui nữa là ở đây, cô Đẹp chỉ cần nấu và thu tiền còn việc múc bún thì để chị em trong xóm lo. Bởi ai cũng là khách quen lâu năm nên múc sao cho đủ vừa vặn một tô với nhiêu đó tiền thì ai cũng biết. Nhiều khi má chồng cô Đẹp sau nhà có đau bệnh gì, kêu một tiếng là cô Đẹp chạy xuống, giao lại nguyên nồi bún trên này cho ai đó múc giùm thì múc, còn không, người trong xóm ai mua thì tự múc tự ăn, xong bữa sau đưa tiền cũng được.

Nghĩa tình xóm giềng là vậy, không sợ ai gian manh ăn bớt ăn thêm, 20 năm rồi sát nhà chung vách, chung con đường, chung ký ức, ngày nào cũng tám chuyện nhau nghe thì lòng nhau ra làm sao, cô Đẹp biết hết nên: "Ui lo chi cho mệt".

Sài Gòn hào sảng là vậy, đôi khi chỉ những vụn vặt bé con như nồi bún riêu canh bún nghĩa tình làng xóm của cô Đẹp nằm sâu trong con hẻm nhỏ tại số nhà 153/88 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh này thôi cũng đủ khiến một đứa nhóc xa nhà như tôi phải tan ra vì nỗi êm dịu và thanh bình đến rưng rức.

Sài Gòn cái gì cũng có, dù nơi trung tâm phồn hoa xa xỉ hay nơi hẻm nhỏ xóm trọ bình dân thì chỉ cần chịu đi, chịu nghe, chịu thấy, chịu thử một lần kề cận thì bất luận lúc nào cũng sẽ tìm thấy niềm vui và "nhà" của mình, đúng không nào?

Theo Min

Cùng chuyên mục
XEM