Qua giai đoạn khó khăn, “thế hệ F2” của các ông chủ nhà băng lại đua nhau nhảy vào ngân hàng

11/10/2017 20:12 PM | Kinh tế vĩ mô

Không chỉ những nhà đầu tư ưa thích kiếm tiền bằng cổ phần cổ phiếu mà vợ, con, cha, mẹ, anh chị em của các ông chủ nhà băng cũng sẵn sàng chi hàng chục đến hàng trăm, thậm chí là nghìn tỷ để gom cổ phiếu hoặc tiếp nhận các vị trí quan trọng trong ngân hàng.

Những ngày tháng khó khăn của ngành ngân hàng đã qua đi. Bức tranh ngân hàng giờ đây rạng rỡ trở lại với nhiều triển vọng phía trước.

Khó khăn đã qua

Báo cáo mới công bố từ Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho thấy, riêng 9 tháng đầu năm nay lợi nhuận của các ngân hàng đã tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước, tín dụng trong khi đó tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2010 còn nợ xấu thì sụt giảm nhanh.

Một báo cáo khác từ phía Ngân hàng Nhà nước thì cho thấy các tổ chức tín dụng đang rất lạc quan về triển vọng 2017 và 2018. Có đến gần 90% đơn vị được hỏi cho rằng lợi nhuận của họ năm nay sẽ tăng hai chữ số, bình quân tăng trưởng hơn 13% so với năm trước. Các yếu tố khác như là thanh khoản của hệ thống thì luôn ổn định, những lo ngại về rủi ro đang giảm xuống, nhu cầu sử dụng dịch vụ gia tăng...

Song song với kết quả kinh doanh, những hoạt động khác của ngân hàng cũng đang chuyển biến rõ rệt và thoát khỏi vùng trũng của giai đoạn 2012-2014. Các ngân hàng đã không còn cắt giảm lương thưởng và sa thải nhân sự ồ ạt nữa, thay vào đó là các chính sách gia tăng phúc lợi cho người lao động bằng tăng lương, chi thưởng, còn trong tuyển dụng thì đua nhau thu hút người tài bằng những chính sách biệt đãi.

Dù rằng đâu đó vẫn còn những vụ đại án ngân hàng, vẫn còn những sai phạm làm cho hình ảnh ngân hàng bớt đẹp, song đó là hậu quả, là tất yếu phải nhận của những hành động sai trái và đi ngược lại với chính sách, chủ trương chung. Không cứ gì ngân hàng mà bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, nếu không thượng tôn pháp luật thì hậu quả phải gánh chịu là nhãn tiền.

Nhà giàu quay lại đổ tiền vào ngân hàng

Bởi lẽ ngành ngân hàng đã tích cực hơn, đã qua giai đoạn sóng gió, nên giờ đây làn sóng đầu tư vào ngân hàng dường như đang hồi sinh trở lại.

Theo dõi giao dịch của các cổ phiếu nhóm ngân hàng thời gian qua cho thấy phần lớn các cổ phiếu đã tăng giá rất mạnh. Nếu xét từ đầu năm thì MBB của Ngân hàng Quân đội, HDBank của HDBank hay TCB của Techcombank.. .đã tăng giá gần gấp đôi. Thậm chí NVB của Ngân hàng Quốc Dân có thời điểm còn đạt mức tăng gấp 2,5 lần so với đầu năm (từ 4.000 đồng lên 10.000 đồng/cổ phiếu) rồi sau đó quay đầu giảm nhưng đến nay vẫn tăng được khoảng 90%. ACB của ngân hàng ACB cũng đã tăng hơn 60%, SHB của ngân hàng SHB tăng khoảng 70%, BID của BIDV và STB của Sacombank tăng gần gấp rưỡi, CTG của VietinBank tăng trên dưới dưới 40%, VIB tăng khoảng 25%...

Xét trong bức tranh chung của thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng tăng tốt hơn nhiều và nhiều giai đoạn đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Khối lượng giao dịch ở các cổ phiếu ngân hàng cũng khá ấn tượng, trong đó có vài cổ phiếu còn nằm trong top đầu về thanh khoản.

Không chỉ có nhà đầu tư nội mua cổ phiếu mà khối ngoại cũng mạnh tay gom hàng. Điển hình nhất là trường hợp của VPBank khi ngân hàng này đưa cổ phiếu ra chào bán ở nước ngoài trước khi lên sàn đã thu hút được lượng đặt mua kỷ lục tới 1,2 tỷ USD – điều mà chưa doanh nghiệp Việt nào đạt được từ trước tới nay, với khối lượng đặt mua gấp hơn 2 lần số dự kiến bán. Sau khi niêm yết, VPBank lại tiếp tục được săn mua khi có tên cả các quỹ ngoại hoặc nhà đầu tư lớn là cá nhân (có 3 cá nhân chi 6.400 tỷ để sở hữu hơn 11% vốn VPB)…

Một trường hợp khác nữa là TPBank khi trong năm nay ngân hàng này đã chào bán thành công 5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là IFC của World Bank với giá trị hơn 400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng đã có bước tiến quan trọng trong việc đàm phán với nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí ngay cả “ngân hàng 0 đồng” là OceanBank cũng có đối tác muốn mua toàn bộ và chuyển thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Còn các cổ đông nội bộ là những lãnh đạo ngân hàng thì sao? Tất nhiên là họ cũng không thể đứng ngoài dòng chảy của thị trường. Hàng loạt các sếp lớn ngân hàng đã “ra mặt” gom cổ phiếu như ông Dương Công Minh chủ tịch của Sacombank (mua 18 triệu cổ phiếu với giá hơn 200 tỷ); ông Phạm Doãn Sơn – Tổng giám đốc LienVietPostBank chi hơn 50 tỷ để mua vào trên 5 triệu cổ phiếu LPB ; một công ty do ông Đỗ Quang Hiển là chủ tịch SHB đứng tên chủ tịch cũng đã chi gần 40 tỷ để mua vào cổ phiếu SHB; ông Đỗ Chí Dũng chủ tịch VPBank cũng gom cổ phiếu; rồi đến các sếp của VPBank cũng gia tăng sở hữu cổ phiếu.

Riêng VPBank có trường hợp đáng chú ý nữa là người nhà của ông Lô Bằng Giang, phó chủ tịch HĐQT bao gồm vợ, mẹ và chị hồi tháng 7, tháng 8 vừa rồi đã chi một lượng tiền rất lớn để sở hữu hơn 110 triệu cổ phiếu VPBank (nếu xét theo giá thị trường thời điểm ấy thì lượng tiền khoảng 3.800 tỷ).

Dòng tiền đầu tư vào ngân hàng lại chảy mạnh
Dòng tiền đầu tư vào ngân hàng lại chảy mạnh

Hút cả “thế hệ F2” của các ông chủ nhà băng

Đặc biệt, không chỉ những nhà đầu tư lớn trên thị trường, những người yêu thích kiếm tiền bằng cổ phiếu, chứng khoán mà cả những người nhà của các sếp ngân hàng, đặc biệt là những “F2” của các ông chủ tiếng tăm cũng đổ tiền gom mua cổ phiếu.

Chẳng hạn, trước khi cổ phiếu LPB của LienVietPostBank chào sàn, con trai ông Nguyễn Đức Hưởng là anh Nguyễn Hoàng Duy đã quyết định chi khoảng 36 tỷ đồng để được sở hữu 3 triệu cổ phần của nhà băng này, sau khi đã nắm giữ 1,4 triệu cổ phiếu trị giá khoảng 15 tỷ đồng. Và cũng tại ngân hàng này, chị Nguyễn Minh Trang - con gái của một sếp lớn khác là ông Nguyễn Đức Cử, phó chủ tịch Hội đồng quản trị- cũng từng lên kế hoạch mua vào 3 triệu cổ phần hồi tháng 7, nâng tổng số cổ phần nắm giữ lên 4,35 triệu.

Tiếc rằng các giao dịch đã không mấy thành công do thị trường không như mong đợi nên đến thời điểm hiện tại số lượng cổ phần LPB mà con trai ông Nguyễn Đức Hưởng nắm giữ mới đạt khoảng 2,33 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 30 tỷ đồng, còn số cổ phiếu mà con gái ông Nguyễn Đức Cử nắm giữ cũng có giá khoảng 15 tỷ đồng.

Còn ở VIB, vợ và con ông chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ dự chi hơn 1.000 tỷ đồng để sở hữu gần 10% vốn của ngân hàng này, trong đó vợ ông Vỹ đã mua xong còn người con trai thì chưa hoàn tất giao dịch. Được biết “F2” của ông Vỹ là Đặng Quang Tuấn đang học tập tại nước ngoài, song cũng là một thành viên khá tích cực của làn sóng “start up”. Nếu giao dịch của anh Đặng Quang Tuấn thành công thì số tiền anh bỏ ra cũng gần 600 tỷ đồng, và 3 người nhà ông Vỹ sẽ nắm khoảng 15% vốn của ngân hàng này.

Ngoài những hiện tượng mới đây thì vẫn có nhiều sếp lớn ngân hàng có con cái hoặc người thân tiếp tục đổ tiền đầu tư vào lĩnh vực này, hoặc đang đảm nhận vị trí quan trọng. Điển hình nhất là ở ACB, ông Trần Mộng Hùng là người sáng lập ngân hàng, hiện là thành viên HĐQT, thì vợ ông cũng là thành viên còn con trai ngồi ghế chủ tịch. Ngoài ra, 2 người con gái của ông Hùng cũng đang nắm giữ cổ phiếu, cùng các anh chị em trong nhà. Xét riêng cá nhân con trai ông Hùng là Trần Hùng Huy chủ tịch ACB thì số cổ phiếu đang nắm giữ có giá trị khoảng hơn 900 tỷ đồng, những người liên quan là cha, mẹ, hai em gái và các cô chú tổng cộng 12 người nữa đang nắm giữ số cổ phiếu ACB trị giá khoảng 2.600 tỷ nữa.

Hay như ở DongABank – ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt – thì hai vợ chồng cựu Tổng giám đốc là ông Trần Phương Bình cùng với 3 con gái cũng đang sở hữu hơn 9% vốn của ngân hàng, trị giá khoảng 480 tỷ đồng.

Còn tại SeABank , bà Nguyễn Thị Nga đang là chủ tịch HĐQT, nhưng con gái của bà là Lê Thu Thủy cũng nằm trong Hội đồng với chức danh phó chủ tịch thường trực. Một người con khác của bà Nga là anh Lê Tuấn Anh cũng đang là phó chủ tịch của nhà băng này.

Tại VietABank , ông chủ ngân hàng Phương Hữu Việt đang nắm hơn 4,5% vốn của ngân hàng này. Vợ con ông không thấy có tên trong danh sách sở hữu cổ phần cổ phiếu nhưng người cháu gái là Phương Thanh Nhung, từng là Tổng giám đốc và hiện là Phó chủ tịch HĐQT thì sở hữu hơn 4% vốn của ngân hàng, cùng với chồng của chị Nhung là Trần Việt Anh cũng có lượng cổ phiếu VietABank không nhỏ.

Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM