Project Syndicate: Khi Covid-19 đi qua, 9 nghìn tỷ USD được bơm vào kinh tế toàn cầu sẽ để lại gì?
Ước tính, đã có tới 9 nghìn tỷ USD được bơm vào nền kinh tế toàn cầu trong đại dịch. Số tiền này được dùng để hỗ trợ các hộ gia đình, ngăn chặn nạn thất nghiệp và duy trì hoạt động của các doanh nghiệp.
Năm ngoái, Báo cáo cạnh tranh toàn cầu hàng năm của Diễn đàn kinh tế thế giới đã đánh giá "mức độ sẵn sàng trong tương lai" của 141 chính phủ trên thế giới. Dữ liệu cho thấy hầu hết các quốc gia chuẩn bị cho tương lai rất kém. Một số chỉ số dài hạn quan trọng khác cũng cho kết quả không khả quan.
Tuy nhiên, giờ đây, đại dịch đang tàn phá nền kinh tế toàn cầu và phơi bày sự bất cập của nhiều bộ máy tổ chức kinh tế. Nếu ngay bây giờ các quốc gia còn chưa chuẩn bị cho tương lai thì mọi chuyện có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Cuộc khủng hoảng mang đến cơ hội cho một cuộc Đại tái thiết (Great Reset), bắt đầu ngay bây giờ. Dựa trên những bài học kinh nghiệm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và hậu quả của nó, nhiều chính phủ đang đưa một loạt điều kiện cho gói cứu trợ và các biện pháp giải cứu khác. Hỗ trợ ngắn hạn được cung cấp ngày hôm nay nên được tận dụng để khuyến khích các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm hơn, giải quyết bất bình đẳng và biến đổi khí hậu cũng như xây dựng khả năng chống chịu trước những cú sốc trong tương lai.
Ví dụ, do lo ngại về sự bất bình đẳng và áp lực gia tăng đối với ngân sách công, chính phủ Pháp, Đan Mạch và Ba Lan đã từ chối hỗ trợ cho các công ty có trụ sở ngoài châu Âu - những nơi vốn dĩ đã được ưu đãi thuế. Vương quốc Anh đã cấm thanh toán cổ tức đối với các công ty tiếp cận chương trình cho vay ưu đãi.
Các chính phủ cũng đang cố gắng bảo vệ việc làm cho người lao động bằng cách cung cấp các ưu đãi cho các công ty duy trì quy mô sử dụng lao động. Các công ty Hoa Kỳ nhẫn được trợ cấp từ các quỹ liên quan đến Covid-19 bị buộc phải duy trì ít nhất 90% số lượng việc làm trước đại dịch cho đến ngày 30/9. Nhật Bản đã áp dụng các điều kiện tương tự để yêu cầu cả doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các tập đoàn lớn giữ chân nhân viên.
Nga đã ban hành chính sách trợ cấp lương cho các công ty giữ lại ít nhất 90% lực lượng lao động của họ. Trong khi đó, Ý đang thực hiện lệnh cấm tạm thời về việc sa thải ở các công ty được tiếp cận các quỹ hỗ trợ của chính phủ.
Mặc dù chưa biết trong tương lai, liệu những hạn chế tạm thời này có còn hiệu quả bảo vệ công ăn việc cho người lao động hay không, nhưng chúng ít nhất cũng đang tạo cơ hội cho những người lao động trong cuộc khủng hoảng chưa từng có này.
Ngay cả trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh, các biện pháp hỗ trợ cũng đi kèm với các yêu cầu về trách nhiệm xã hội và môi trường, khuyến khích tư duy dài hạn hơn.
Ví dụ, hiện nay dù ngành công nghiệp hàng không đang phải đối mặt với cú sốc cầu cực mạnh do hạn chế đi lại toàn cầu, việc hỗ trợ cho ngành này vẫn phải được xem xét rất kỹ lưỡng.
Trong thập kỷ qua, các hãng hàng không lớn nhất ở Hoa Kỳ đã chi 96% dòng vốn không lãi của họ cho việc mua lại cổ phần, gần gấp đôi tỷ lệ của các công ty S&P 500 khác. Giờ đây, các hãng hàng không thiếu tiền mặt muốn tiếp cận các quỹ hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ sẽ phải tuân thủ rất nhiều điều kiện ràng buộc, trong đó có việc họ bị cấm mua lại cổ phiếu và cấm thanh toán cổ tức cho đến cuối năm 2021.
Tương tự như vậy, Chính phủ Pháp đã yêu cầu rất nhiều điều kiện đi kèm với gói cứu trợ trị giá 7 tỷ EUR (7,9 tỷ USD) của Air France-KLM, yêu cầu hãng hàng không phải cam kết giảm một nửa lượng khí thải carbon dioxide (mỗi hành khách và mỗi km), so với mức năm 2005 của họ, vào năm 2030.
Ở đây, Quỹ khủng hoảng EU thế hệ tiếp theo của Ủy ban châu Âu nên được lấy làm hình mẫu để những người khác noi theo. Với 750 tỷ EUR (845 tỷ USD) tiền tài trợ và cho vay, quỹ này hứa hẹn sẽ mở ra một sự phục hồi công bằng và toàn diện bằng cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số "xanh". Các điều kiện cơ bản của nó sẽ giúp các nước châu Âu tránh xa các ngành công nghiệp nặng đang suy giảm trong khi hỗ trợ những người lao động dễ bị tổn thương.
Đại dịch đã đẩy các chính phủ vào một vai trò chủ động hơn bao giờ hết. Khi chúng ta vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng sức khỏe Covid-19, các nhà hoạch định chính sách phải nắm bắt cơ hội để thực hiện những cải cách táo bạo, hướng tới tương lai.
Điều đó bao gồm việc tái cấu trúc kinh tế xã hội, trau dồi các kỹ năng và công việc mà nền kinh tế tương lai sẽ cần, cũng như cải thiện sự phân phối rủi ro và thu nhập giữa người dân, nhà nước và khu vực tư nhân.
Cần có sự hợp tác lớn hơn giữa các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, chính phủ và người dân. Để Great Reset thành công, tất cả các bên liên quan phải cùng chung tay vào đó.