Phương Tây không kịp trở tay, Trung Quốc thống trị cuộc đua giành thứ cả thế giới đang khao khát

11/04/2023 12:17 PM | Kinh doanh

Trung Quốc đã thống trị việc xử lý kim loại để sử dụng trong pin xe điện và đang đầu tư mạnh vào các mỏ, khiến các nhà khai thác phương Tây đuổi theo "bở hơi tai".

Phương Tây không kịp trở tay, Trung Quốc thống trị cuộc đua giành thứ cả thế giới đang khao khát - Ảnh 1.

"Đồng tiền" của Trung Quốc đã đi trước

Vùng Uis ở một khu vực xa xôi tại Namibia đã bất ngờ trở thành điểm nóng cho một cuộc chạy đua về khoáng sản.

Uis nằm trên những ngọn đồi khô cằn của Erongo, một tỉnh rộng lớn và dân cư thưa thớt của đất nước phía tây nam châu Phi. Nhưng tương lai dự báo nơi đây sẽ sớm trở thành một phần của cuộc đua toàn cầu về lithium, nguyên liệu thô chính cho pin ô tô.

Một nhà máy thí điểm đang được xây dựng bởi Andrada, công ty khai thác mỏ được niêm yết trên sàn London, sẽ sản xuất lô lithium cô đặc đầu tiên vào cuối tháng 6, sử dụng quặng khai thác từ hoạt động khai thác thiếc mới được phục hồi và mở rộng.

Nhưng sự cạnh tranh đã xuất hiện.

Tháng trước, nhà máy cô đặc lithium đầu tiên do người Trung Quốc sở hữu tại châu Phi đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm tại Arcadia, ở Zimbabwe.

Mỏ này đã được Huayou Cobalt mua vào năm 2021 với giá 422 triệu USD, một phần trong làn sóng giao dịch lithium trị giá hàng tỷ USD gần đây của Trung Quốc tại một quốc gia mà nhiều nhà đầu tư phương Tây cảm thấy không mấy mặn mà.

“Làn sóng đầu tư đầu tiên của Trung Quốc đã diễn ra và điều đó là tiếng chuông cảnh báo đối với các công ty phương Tây", Anthony Viljoen, giám đốc điều hành của Andrada, nói với Financial Times.

Trung Quốc đã xây dựng được vị trí thống lĩnh trong nhiều loại khoáng sản quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm coban, liti và đất hiếm. Trong khi đó, phương Tây đang chuẩn bị chi hàng trăm tỷ USD để cố gắng bắt kịp.

Một vị khách gần đây đến Uis là Thierry Breton, ủy viên thị trường nội bộ của Liên minh châu Âu (EU), phụ trách chiến lược của khối nhằm đảm bảo nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng.

Ông ca ngợi mỏ này là “một trong những mỏ đá cứng lithium tiềm năng lớn nhất trên thế giới” trên Twitter.

Amos Hochstein, đặc phái viên an ninh năng lượng của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng đã đi thăm châu Phi và cho biết Mỹ có kế hoạch bắt đầu thực hiện chiến lược đầu tư vào khoáng sản của lục địa này.

Nhưng nhìn trên khắp châu Phi, có thể dễ dàng nhận thấy ai đang nắm giữ lợi thế.

“Người Trung Quốc ở đó đầu tiên. Điều đó đã xảy ra rồi", Russell Fryer, giám đốc điều hành của Critical Metals - nhà đầu tư vào các mỏ ở Châu Phi được niêm yết tại London - cho biết.

Hadley Natus, chủ tịch của Tantalex, một nhóm khai thác lithium ở Cộng hòa Dân chủ Congo, cho biết: “Chúng ta phải công bằng với người Trung Quốc. Họ bỏ tiền vào rất lâu trước khi bất kỳ ai khác làm.”

Viljoen nói giống như tất cả các cuộc đua, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.

Kế sách "đón đầu" của Trung Quốc

Sau Zimbabwe, Namibia là quốc gia tiếp theo lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Tháng trước Huayou Cobalt cũng đã có chỗ đứng ở Erongo với khoản đầu tư nhỏ nhưng mang tính biểu tượng vào Askari, một công ty Úc đang hoạt động tại Uis.

Xinfeng, công ty thăm dò của Trung Quốc đang hoạt động ở Erongo, đã khai thác hàng chục nghìn tấn quặng lithium thô và vận chuyển đến Trung Quốc.

“Nếu bạn nhìn vào sự phát triển của các mỏ ở Châu Phi, bạn sẽ thấy chúng phát triển rất nhanh.” Đặc biệt, sự phát triển Arcadia của Huayou Cobalt ở Zimbabwe là “nằm ngoài mong đợi của mọi người”.

Nguồn tin thân cận với dự án nói với Financial Times rằng thiết bị đã được đặt hàng trước khi thỏa thuận được ký kết và việc xây dựng không ngừng nghỉ, đồng thời cho biết thêm rằng các nhà tài chính Trung Quốc có nhiều khả năng chấp nhận rủi ro lớn hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại và phát triển phương Tây.

Trong khi các quan chức Mỹ và châu Âu đang thúc đẩy quan hệ đối tác với châu Phi và lập danh sách các khoáng sản quan trọng, thì các nhà đầu tư Trung Quốc không chỉ mua các mỏ ở châu Phi để sản xuất các khoáng sản này mà còn xây dựng các nhà máy lọc dầu trong nước để xử lý sản phẩm của họ.

Trung Quốc đang đi đầu trong việc chuyển đổi kim loại này thành nguyên liệu thô cho pin; Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính thị phần của họ trong tổng công suất lọc dầu toàn cầu là 58%.

Rõ ràng châu Phi gần châu Âu hơn và việc vận chuyển sản phẩm đến một nơi nào đó ở châu Âu sẽ có ý nghĩa kinh tế hơn, nhưng Trung Quốc đã xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng - theo Bernard Aylward, giám đốc điều hành của công ty Kodal Minerals ở London.

Công ty khai thác lithium này đang hoạt động ở Mali, và năm nay đã nhận được hơn 110 triệu USD tài trợ từ công ty con Hainan Mining của Fosun.

Các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào việc cung cấp lithium ở Châu Phi và Châu Mỹ Latinh ngay cả khi giá lithium ở mức thấp.

Đối mặt với sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng lithium, các quan chức phương Tây đang đưa ra lời đề nghị đầu tư cho các nước châu Phi.

Quay trở lại Uis, khoản đầu tư vào thiếc của Andrada đã mang lại việc làm, sóng điện thoại di động, tiền mặt trong máy ATM và các sản phẩm từ sữa trong cửa hàng tạp hóa địa phương. Khai thác lithium có thể mang lại nhiều lợi ích hơn nữa; công ty muốn tìm một đối tác có thể xây dựng một nhà máy quy mô lớn ở Namibia để biến kim loại ngoài tinh quặng thành hóa chất lithium được sử dụng để sản xuất pin.

“Chín tháng trước, chúng tôi có lẽ sẽ bán [quặng] cho Trung Quốc. Nhưng nếu bạn đang nói về một đối tác chiến lược lâu dài, thì rõ ràng có nhiều lựa chọn khác nhau,” Viljoen nói.

Colles Hoaeb, thợ khai thác đá quý địa phương, cho biết các công ty khai thác phương Tây trả lương cao và mang lại sự ổn định lâu dài, nhưng các đối thủ Trung Quốc thuê nhanh hơn để lấy tài nguyên sớm hơn.

Theo Minh Khôi

Cùng chuyên mục
XEM