Phương pháp trị bệnh thú vị bằng rượu vang ở Pháp
Tại bệnh viện Hôpital civil ở Strasbourg, một chai rượu Châteauneuf-du-Pape từng được dùng để điều trị đầy hơi, trong khi một chai Côtes de Provence rosé được sử dụng để hỗ trợ điều trị béo phì.
Cha đẻ của ngành y, thầy thuốc người Hi Lạp Hippocrates, đã thử nghiệm một số loại rượu vang để điều trị các bệnh khác nhau. Ông tin rằng rượu vang là vật phẩm thích hợp cho cả người khỏe mạnh và ốm yếu.
Ngày nay, chúng ta thường được dạy uống có chừng mực. Tuy nhiên, ở Pháp, nơi nghề trồng nho xuất hiện từ thế kỉ 5 TCN cho đến tận thế kỉ 21, ‘à votre santé’ (tạm dịch là cho sức khỏe của bạn) là lời người Pháp dành cho nhau mỗi lần nâng ly rượu.
Để tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa rượu và thuốc chữa bệnh, Melissa Banigan – nhà báo của BBC, đã ghé thăm một hầm rượu nằm sâu trong lòng một bệnh viện từ thời trung cổ ở Strasbourg, vùng Alsace, miền đông nước Pháp.
Strasbourg, một thành phố có lịch sử 2.000 năm tuổi và nổi tiếng nhất với khu trung tâm Grande-Île, được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1988. Du khách đổ về đây để lang thang trong khu chợ Giáng sinh nổi tiếng của thành phố, Nhà thờ Đức Bà của Strasbourg và cung điện Rohan cũng như để thưởng thức các bữa ăn trong các nhà hàng rượu vang vùng Alsace điển hình như nhà hàng Chez Yvonne hay Maison Kammerzell nằm trong một tòa nhà có niên đại từ năm 1427.
Nhưng địa điểm mà Banigan ghé thăm là Hôpital civil de Strasbourg, một bệnh viện được sử dụng cho mục đích giảng dạy từ năm 1119. Kể từ năm 1395, Hôpital civil de Strasbourg có mối quan hệ cộng sinh với Cave Historique des Hospices de Strasbourg (hầm rượu lịch sử của Strasbourg Aidices), nằm ngay bên dưới bệnh viện.
Trong khoảng 600 năm, nhiều bệnh nhân trong bệnh viện đã trả các hóa đơn y tế của họ bằng những vườn nho, và nho trên những vùng đất này được chế biến thành rượu trong hầm. Đặt hầm rượu vang ở bên dưới bệnh viện là một thông lệ ở Pháp, vì các vườn nho cung cấp thu nhập cho các bệnh viện, còn hầm rượu – có chức năng như một tủ lạnh lớn – là nơi hoàn hảo để giữ mát rượu vang.
Mọi người từ khắp nước Pháp đã đến Hôpital civil de Strasbourg để điều trị bệnh bằng rượu vang: họ uống tối đa 2 chai rượu vang mỗi ngày để điều trị các bệnh khác nhau. Mặc dù phương pháp điều trị bệnh bằng rượu vang có mặt ở khắp mọi nơi thời cổ đại, Thibaut Baldinger, người quản lí hầm rượu ở Hôpital civil de Strasbourg, nói rằng có bằng chứng cho thấy rượu vang đã được sử dụng làm thuốc từ năm 1960, và phương pháp điều trị này đã bị ngưng lại vào năm 1990.
Ví dụ, một chai Châteauneuf-du-Pape sẽ được kê cho chứng đầy hơi, trong khi một chai rượu vang mà mọi người yêu thích vào mùa hè, Côtes de Provence rosé, đã được sử dụng để điều trị béo phì. Hai ly Bergerac được dùng để điều trị cholesterol cao. Những người bị bệnh mụn rộp được yêu cầu tắm trong rượu Muscat de Frontignan.
Lịch sử Cave Historique des Hospices de Strasbourg
Dù phương pháp điều trị bệnh bằng rượu vang của bệnh viện Hôpital civil de Strasbourg đã dừng lại cách đây vài thập kỉ, nhưng Cave Historique des Hospices de Strasbourg vẫn đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử sản xuất rượu vang của Pháp. Nó tiếp tục bán một số loại rượu vang ngon nhất của Pháp đồng thời hỗ trợ tài chính cho bệnh viện. Tuy nhiên, không phải tình hình lúc nào cũng lạc quan như vậy. Vào năm 1995, hầm rượu 600 năm tuổi gần như biến mất vì chịu lỗ quá nhiều.
Trong thế kỉ 20, bệnh viện Hôpital civil de Strasbourg đã bán các vùng đất trồng nho để tài trợ cho một số dự án cần gấp vốn. Chính điều này đã làm giảm nguồn cung nho cho hầm rượu. Cave Historique des Hospices de Strasbourg cũng buộc phải từ bỏ thùng rượu gỗ sồi khổng lồ sau khi luật mới của Pháp (Loi Évin) được thông qua vào năm 1991. Luật này có những điều khoản nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn chứng nghiện rượu, đồng nghĩa với việc chính phủ không còn chấp nhận rượu nằm ở tầng hầm của một cơ sở y tế nữa.
Người tiền nhiệm của Baldinger, Philippe Junger, đã đứng ra bảo vệ Cave Historique des Hospices de Strasbourg bằng cách tập hợp sự ủng hộ của những người trồng nho làm rượu ở vùng Alsace và thành lập Hiệp hội lợi ích tập thể nông nghiệp (SICA). Hiệp hội này đã thuyết phục các nhà lập pháp cho phép hầm rượu tiếp tục hoạt động bằng cách tranh luận rằng nó là một phần của di sản vùng.
Bảo vệ thành công di tích lịch sử, hàng chục vườn nho ở Alsace bắt đầu cải thiện chất lượng rượu vang của họ dưới sự giám sát của Junger và các nhà nghiên cứu rượu nho của Cave Historique des Hospices de Strasbourg. Từ năm 1996, một buổi blind wine tasting (những người thử rượu không được biết tên loại rượu mình đang thử) được tổ chức vào tháng 1 hàng năm: bất cứ loại rượu nào không đạt tiêu chuẩn sẽ bị dừng lưu trữ tại hầm rượu.
Ngày nay, Cave Historique des Hospices de Strasbourg sản xuất 140.000 chai Gewürztraminer, Klevener de Heiligenstein, Sylvaner và Riesling mỗi năm, sử dụng nho từ 26 đối tác khác nhau. Các loại rượu vang được lên men từ 6 đến 10 tháng trong thùng gỗ sồi khổng lồ trước khi được đóng chai và bán cho người tiêu dùng.
Hầm rượu này không quảng cáo dưới bất kì hình thức nào và chỉ sở hữu duy nhất 1 trang web. Baldinger cho biết mỗi đối tác sản xuất rượu vang đều ủng hộ một tỉ lệ nhỏ sản phẩm của mình cho hầm rượu thay cho tiền thuê địa điểm lưu trữ. Số tiền này được dùng để mua trang thiết bị y tế cho bệnh viện, trong khi đó, các đối tác hưởng lợi từ số lượng rượu còn lại.
Vài chai rượu vang trong hầm không bao giờ bị đem bán. Một trong số đó có tuổi đời 547 năm, thuộc về người quản lí hầm rượu đầu tiên.