Phun thuốc riêng để bán cho khách, nông dân Việt không biết đang tự tay "giết" cả nhà?

29/03/2016 10:39 AM | Kinh tế vĩ mô

Cha ăn mặn, con khát nước.

Tháng 7/2014, thế giới choáng váng với cái chết của một bé gái 7 tháng tuổi ở một miền quê nước Ý khi đang ngủ ở nhà. Khi khám nghiệm tử thi, cảnh sát không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy bé đã bị ngoại lực tác động hay ngộ độc thực phẩm hoặc sữa có vấn đề. Bé cũng không mắc phải hội chứng đột tử khi ngủ hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Cả hệ thống y tế sôi sục đi tìm câu trả lời.

Khi tử thần mang tên Thuốc trừ sâu

Phải đến sau đó khi khám nghiệm chi tiết hơn, các bác sỹ phát hiện ra trong mô não của cô bé tồn tại một dư lượng cao thuốc diệt côn trùng có tên DBNP. Tìm hiểu từ gia đình cho thấy trước thời điểm cô bé chết 2 tuần, cha của em đã phun thuốc diệt côn trùng khá nhiều ở khu vực xung quanh nhà.

Và đáng tiếc đó không phải trường hợp duy nhất và không phải chuyện chỉ của riêng nước Ý.

Số liệu từ nghiên cứu mang tên “Residential Exposure to Pesticide During Childhood and Childhood Cancers: A Meta-Analysis” bởi các tác giả Mei Chen, Chi-Hsuan Chang, Lin Tao, Chensheng Lu thuộc bản quyền của Viện Nhi khoa Mỹ công bố tháng 9/2015 cho thấy, với những trẻ em lớn lên trong môi trường có nhiều thuốc trừ sâu, khả năng các em bị bệnh bạch cầu huyết (leukemia) và bệnh ung thư hạch bạch huyết (lymphoma) lần lượt sẽ là 47% và 43%.

Và ngay cả với một nước có công nghệ cao như Mỹ thì cũng xảy ra tình trạng 5/100.000 đứa trẻ bị mắc các bệnh ung thư dạng này do môi trường sống.

Đặc biệt nhóm chuyên gia nhấn mạnh rằng thuốc trừ sâu có thể gây ra ung thư hạch bạch huyết và bạch cầu huyết thì cũng sẽ gây ra nhiều loại ung thư khác. Tuy nhiên những loại ung thư đó không bộc lộ ngay, mà tích tụ dần trong cơ thể qua năm tháng và đến khi trưởng thành mới phát bệnh.

Nhóm trẻ em dưới 12 tuổi chịu nhiều rủi ro nhiễm bệnh ung thư nhất khi phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu. Thuốc trừ sâu sẽ đi vào cơ thể các em qua đường không khí hít thở, đọng vào những cây cỏ và nơi trẻ em hay sờ tay vào rồi đi vào cơ thể các em khi ăn uống.

Còn theo kết quả nghiên cứu thực hiện bởi nhóm chuyên gia về các nước có thu nhập thấp và trung bình thuộc Viện nghiên cứu Dược phẩm Mỹ vào năm 2007, môi trường không khí ô nhiễm, mà trong đó có nhiều ảnh hưởng từ thuốc trừ sâu ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp, là nguyên nhân chính gây ra một loạt các bệnh bao gồm ung thư phổi, béo phì, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp và nhiều loại ung thư khác.

Người Việt ta tự hại mình

Quay lại vấn đề ô nhiễm không khí do thuốc trừ sâu ở Việt Nam. Chắc hẳn nhiều người dân Việt Nam không xa lạ gì với những vườn rau, vườn hoa ngập trong thuốc trừ sâu ở các khu vực nông thôn và ngoại thành Hà Nội. Người nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích tăng trưởng dày đặc vào những mớ rau, mà chỉ ngày mai ngày kia thôi họ sẽ mang bán để rau tươi đẹp nhất, bán được giá cao nhất, bất chấp các rủi ro ảnh hưởng đến chính sức khỏe của họ và con cái họ.

Nhiều người dân ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, sống trong môi trường nhiều thuốc sâu như vậy, họ thường xuyên bị nhức đầu, ho, viêm họng và mẩn ngứa ngoài da.

Việc dùng thuốc trừ sâu là khó tránh khỏi và nó cũng phổ biến ở nhiều nước. Vấn đề của Việt Nam nằm ở chỗ 80% thuốc bảo vệ thực vật trong đó bao gồm thuốc trừ cỏ, trừ bệnh và trừ sâu được nhập về từ Trung Quốc, và rất nhiều loại trong số này thuộc diện bị cấm sử dụng.

Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, 50% diện tích đất trên cả nước bị thoái hóa và ô nhiễm, trong đó chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu được cho là bởi sự lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Cá biệt có một số địa phương có đến 60% diện tích đất nông nghiệp nhiễm asen.

Ngoài ra, có 2 số liệu sau không khỏi gây chú ý và nó liên quan trực tiếp đến nhau.

Theo Vụ Điều trị (Bộ Y tế), chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2011, cả nước có trên 3 nghìn vụ nhiễm độc thuốc trừ sâu với gần 3 nghìn người mắc và đã có trên 100 người tử vong.

Cùng lúc đó, cũng chính số liệu từ vụ này cho thấy, có 43 hóa chất độc hại trong 286 tên thuốc thương mại thuộc danh mục cấm sử dụng nhưng lại đang được dùng khá phổ biến ở Việt Nam để trừ sâu bệnh hại lúa, rau màu, cây công nghiệp, cây ăn quả.

Cũng chính thuốc trừ sâu được cho là nguyên nhân gây ra nhiều làng ung thư trên cả nước, trong đó có một làng thuộc huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Năm 2014, một đại diện của làng cho biết làng chỉ có 65 hộ, 320 nhân khẩu.

Số người chết trẻ vì ung thư trong làng đã lên đến con số 20 người. Số người chờ chết là 16 người, chủ yếu là ung thư gan, ung thư tử cung, ung thư vú...Nguyên nhân trực tiếp được cho là do một loại thuốc trừ sâu cực độc có tên là DT666 (dạng bột màu hồng) phun lên cây cối để diệt trừ sâu bọ.

Người nông dân có thể trồng những luống rau riêng chỉ để cho gia đình họ ăn, và không phun thuốc sâu vào đó. Nhưng khi họ phun thuốc sâu vào những luống để bán cho khách thuốc vẫn phát tán trong không khí. Các thành viên trong gia đình hít thở không khí ô nhiễm độc hại, đồng thời thuốc sâu từ những luống bán cho khách vẫn bám vào luống rau gia đình họ. Kết quả cuối cùng thì tất cả các luống rau đều ô nhiễm như nhau.

Kết hợp với yếu tố môi trường sống trong nhiều trường hợp là gần các khu công nghiệp nên số lượng các làng ung thư cứ mọc lên như nấm. Đến đầu năm nay, cả nước đã có 36 làng ung thư. Không khí và thực phẩm ô nhiễm nên chỉ sau 10 năm tính đến năm 2010, số lượng các ca ung thư phổi tăng gấp đôi và ung thư đường tiêu hóa tăng gấp rưỡi.

Nghiên cứu của các tác giả Greenop KR, Peters S, Bailey HD thuộc Viện Kiểm soát ung thư Mỹ đồng thời cho thấy, con của những bậc cha mẹ có tiếp tục với thuốc trừ sâu trước, trong khi người mẹ mang thai và sau này khi em bé được sinh ra sẽ có đối diện với rủi ro tổn thương não bẩm sinh khá cao. Chính vì vậy, tác giả khuyến cáo, tối thiểu nhất thì trong khi mang thai và sau khi sinh con ra, người mẹ không được phép tiếp xúc với thuốc trừ sâu.

Còn một số nghiên cứu khác cho thấy khả năng những người đàn ông tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu bị ung thư bàng quang là không hề nhỏ. Nguy cơ ung thư bàng quang tăng cao ở Việt Nam đã trở thành điều có thực trong những năm gần đây, cùng thời gian đó là tỷ lệ sử dụng thuốc trừ sâu có chất cấm cũng ngày một tồi tệ hơn.

Đặt hai sự việc cạnh nhau, cũng không khó để có sự liên tưởng, nạn nhân của thuốc trừ sâu là cả phía người sử dụng thuốc trừ sâu và người tiêu thụ sản phẩm có chứa hàm lượng thuốc trừ sâu quá cao.

Những người nông dân phun thuốc sâu lên sản phẩm để đảm bảo sản phẩm có chất lượng, mẫu mã tốt và thu về lợi nhuận cao nhất. Nhưng không ai hiểu, hoặc dù hiểu nhưng vì đồng tiền để mưu sinh phải chấp nhận rằng việc làm của chính họ cũng đang giết chết tương lai của cả gia đình và cả xã hội.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM