Phụ nữ sẽ được trả lương ngang ngửa đàn ông… trong 202 năm nữa!

18/12/2018 14:54 PM | Kinh doanh

Sự chênh lệch giữa hai giới trong các lĩnh vực của cuộc sống được cải thiện nhưng với tỷ lệ rất khiêm tốn là dưới 0,1%.

Tin tốt là khoảng cách giới tính trên toàn cầu đã được cải thiện. Tuy nhiên theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), do sự khác biệt về cơ hội kinh tế cũng như mức lương giữa nam giới và nữ giới nên sẽ phải mất 202 năm nữa khoảng cách này mới được lấp đầy.

Nhóm nghiên cứu của WEF đã xem xét Báo cáo về khoảng cách giới tính toàn cầu và nhận thấy sự chênh lệch giới tính nói chung trong các lĩnh vực chính trị, nghề nghiệp, y tế và giáo dục được cải thiện dưới 0,1%. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ mất khoảng 108 năm để đạt được sự bình đẳng nam nữ. Khoảng cách cơ hội kinh tế dựa trên mức độ tham gia và chế độ lương thưởng vẫn là lĩnh vực mất nhiều thời gian nhất để đạt được cân bằng giữa hai giới.

Theo báo cáo, khoảng cách về thành tích, sự giàu có giữa đàn ông và phụ nữ được nới rộng lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ. Tuy vậy, bình đẳng giới toàn cầu vẫn còn một chặng đường dài hàng thế kỷ phía trước.

Phụ nữ sẽ được trả lương ngang ngửa đàn ông… trong 202 năm nữa! - Ảnh 1.

Thời gian dự kiến để đạt được trạng thái bình đẳng nam nữ tổng thể.

Bà Anna-Karin Jatfors, giám đốc khu vực của Cơ quan Phụ nữ Liên hiệp quốc (UN Women) nói: "Thế giới chưa có một quốc gia nào có thể đạt được bình đẳng giới bất kể mức độ phát triển, khu vực hay loại hình kinh tế của họ. Bất bình đẳng nam nữ là một thực tế trên toàn cầu và chúng ta sẽ phải đợi thêm 202 năm nữa tình trạng này mới chấm dứt".

Theo bà Jatfors, các chính phủ có thể giúp cải thiện tình hình bằng chính sách trả lương ngang nhau và đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng cũng như bảo đảm công việc cho nữ giới trong thời gian mang thai.

Theo báo cáo về sự tham gia và cơ hội kinh tế, các quốc gia hoạt động kém nhất chủ yếu ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Bên cạnh đó, chỉ khoảng 34% các nhà quản lý trên toàn thế giới là phụ nữ với chênh lệch thu nhập lên tới 63%.

Phụ nữ sẽ được trả lương ngang ngửa đàn ông… trong 202 năm nữa! - Ảnh 2.

Thủ tướng Iceland, bà Katrin Jakobsdottir.

Trong nhiều năm liên tiếp, Iceland được đánh giá là quốc gia thể hiện tốt nhất. Đây cũng là nước đứng đầu trong việc trao quyền cho phụ nữ. Tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Katrin Jakobsdottir là một trong số những phụ nữ Iceland đã rời nơi làm việc để phản đối sự bất bình đẳng trong chế độ trả lương và vấn đề quấy rối tình dục.

Phụ nữ sẽ được trả lương ngang ngửa đàn ông… trong 202 năm nữa! - Ảnh 3.

Top 10 quốc gia có chỉ số bình đẳng giới cao nhất.

Ở châu Á, Philippines đã vươn lên vị trí thứ tám trong danh sách toàn cầu. Đó là thành tích tốt nhất châu lục và được thúc đẩy bởi sự bình đẳng trong giáo dục, chính trị và cải thiện tiền lương.

Philippines bỏ khá xa những nước có chỉ số khá tốt ở châu Á khác là Lào (vị trí 26), Singapore (vị trí 67) và Trung Quốc (vị trí 103). Ngoài ra, theo các nhà phân tích, trao quyền chính trị là lĩnh vực có khoảng cách giới tính rộng nhất. Tiến bộ trong việc trao quyền ở một số nước phương Tây đã giảm đi đôi chút với tỷ lệ nữ giới trong Quốc hội ở 22 quốc gia khu vực đạt 41%.

Cũng theo WEF và LinkedIn, một lĩnh vực mới cho thấy sự mất cân bằng giới tính đang ở mức cao là trí tuệ nhân tạo, gấp ba lần so với các ngành công nghiệp khác. Nữ giới có chuyên môn về AI thường đảm nhiệm vị trí phân tích dữ liệu và quản lý thông tin trong khi đó nam giới lại có xu hướng được giữ những vị trí cao cấp và lương cao hơn như trưởng phòng kỹ thuật và giám đốc điều hành.

Trong lĩnh vực AI, Singapore, Ý và Nam Phi tỏ ra vượt trội so với các quốc gia khác. Phụ nữ chiếm khoảng 28% lực lượng lao động AI ở cả ba nước trên, tỷ lệ cao nhất trong số 20 nền kinh tế được LinkedIn khảo sát trong năm nay.

Gia Vũ

Từ khóa:  phụ nữ
Cùng chuyên mục
XEM