Phụ huynh ngậm ngùi nộp các khoản thu chi "thiếu thuyết phục" đầu năm

08/10/2022 19:46 PM | Xã hội

Dù đã có hướng dẫn về thực hiện các khoản thu đầu năm học, nhưng nhiều trường vẫn tự đặt ra hàng loạt khoản thu chưa đúng với quy định, gây bức xúc cho phụ huynh.

Không biết từ bao giờ, "họp phụ huynh" không chỉ là nỗi sợ của học sinh mà còn trở thành "ám ảnh" của phụ huynh. Lý do là bởi đây cũng là thời điểm, phụ huynh phải đối diện với hàng loạt khoản thu - chi do trường/ lớp và đôi khi là do chính ban đại diện phụ huynh đặt ra.

Có những khoản thu - chi trong đó là hợp tình hợp lý nhưng cũng tồn tại không ít những khoản mà nghe thôi người ta đã ngửa, ví dụ như: tiền xây trạm biến áp, tiền điểm danh, tiền chăm sóc cô...

Phụ huynh ngậm ngùi nộp các khoản thu chi thiếu thuyết phục đầu năm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Những khoản thu "thiếu thuyết phục" đầu năm

Chị Hạnh (41 tuổi, một phụ huynh ở miền Bắc) có thu nhập tương đối ổn định cũng phải phàn nàn về vấn đề lạm thu hiện nay. Với các khoản phí "cần phải đóng" theo quy định của Bộ GD - ĐT như: học phí, bảo hiểm y tế, đồng phục, nước uống... chị "không hề có ý kiến" nhưng bản thân lại cảm thấy khá lấn cấn với việc trường con chị học yêu cầu góp 700.000 đồng/ học sinh để mua điều hòa.

"Ở trường con tôi theo học có khoảng 500 học sinh (tương đương với 16 lớp). Nếu mỗi học sinh nộp 700.000 đồng để mua điều hòa thì với 500 học sinh, nhà trường thu về khoảng 350 triệu đồng. Nhà trường dự tính lắp đặt điều hòa với mức giá 7 triệu đồng. Vậy số tiền còn lại sẽ đi đâu, về đâu?", chị Hạnh thắc mắc.

Tương tự, chị Bích (39 tuổi, sống tại TP.HCM) cũng "không xuôi" khi nhìn danh sách các khoản dự chi hơn 270 triệu đồng cho năm học 2022-2023 của lớp con mình (bình quân mỗi học sinh đóng hơn 8 triệu tiền quỹ lớp). Nhìn số tiền đó, chị Bích chỉ thở dài ngao ngán mà thốt lên rằng: "Quá nhiều đối với một học sinh!".

Phụ huynh ngậm ngùi nộp các khoản thu chi thiếu thuyết phục đầu năm - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Trong khi đó, đầu năm học mới, phụ huynh trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) cũng vô cùng xôn xao với 2 khoản thu của trường là tiền quỹ phụ huynh lớp (400.000 đồng/học sinh) và tiền quỹ phụ huynh trường (500.000 đồng/học sinh). Nếu vận động thành công và tất cả phụ huynh đều đóng thì riêng quỹ phụ huynh của trường sẽ vào khoảng 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều được phụ huynh quan tâm nhất là số tiền này sẽ được chi vào mục đích gì và sử dụng vào đâu? Câu trả lời dường như vẫn còn đang bỏ ngỏ...

Hải Phòng cũng có những vụ thu sai được phát hiện. Chưa vào năm học mới nhưng nhiều phụ huynh có con em tuyển sinh vào lớp 6 trường THCS thị trấn Núi Đối (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) đã vô cùng bức xúc vì được yêu cầu đóng 2 triệu đồng không rõ lý do, không biên lai thu - nhận. Khi yêu cầu giải trình, bà Vũ Thị Thu Hường (Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Núi Đối) nói đây là khoản mà phụ huynh gửi "nhờ" nhà trường mua sách vở, đồng phục, bảo hiểm... Với 170 học sinh lớp 6, số tiền "gửi nhờ" sẽ vào khoảng 340 triệu đồng.

"Sợ con bị ghét nên tôi đành ngậm ngùi nộp những khoản tiền vô lý"

Cam chịu và ngại lên tiếng là cách mà nhiều phụ huynh đang làm. Trong các cuộc họp phụ huynh, khi được giáo viên hỏi "ai có ý kiến không?" thì đa phần nhận lại là sự im lặng của phụ huynh. Vì đâu nên nỗi?

Trên thực tế, nhiều phụ huynh đã lên tiếng. Đơn cử như trường hợp xảy ra tại trường Tiểu học Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Khi được giáo viên chủ nhiệm thông báo học sinh lớp 1 phải đóng 550.000 đồng tiền bàn ghế để... "nhập gia tùy tục", một phụ huynh đã lên gặp bà Nguyễn Thị Thủy - Hiệu trưởng nhà trường để chất vấn. Song câu trả lời mà người này nhận lại từ phía bà Thủy chẳng khác gì "một gáo nước lạnh", rằng: "Người nào không đồng tình thì tự chọn cho con mình môi trường khác để học tập hay chuyển đi đâu thì tuỳ".

Chuyển đi đâu cho được khi năm học mới sắp cận kề, rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan", nhiều phụ huynh phải đành lòng nộp tiền cho con.

Phụ huynh ngậm ngùi nộp các khoản thu chi thiếu thuyết phục đầu năm - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Ở một diễn biến khác, nhiều phụ huynh vì sợ con em mình bị "đì" nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt, cố gắng đi vay mượn để đóng cho con. Nếu gia đình có hoàn cảnh kinh tế không thật sự khá giả, thì việc nộp tiền đầu năm đúng là nỗi ám ảnh. Không ít trường hợp con cái họ ở nhà ngoan ngoãn, tinh thần học tập tốt vẫn sẽ bị đối xử khác biệt ở trên lớp, nếu như bố mẹ chẳng may... thiếu tiền.

"Không ai dám đánh cược việc học hành của con mình để phản đối thầy cô. Tôi cũng có con học tiểu học. Nhiều lúc thấy rất ấm ức khi phải nộp các khoản tiền rất vô lí, nhưng vì sợ cô 'trù dập' con nên đành làm ngơ. Mới bắt đầu vào lớp 1 mà trường bắt phụ huynh nộp ti tỉ thứ tiền trên trời. Biết là quá vô lí mà không làm gì được...", anh H.T (37 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.

Những khoản tiền đầu năm học nhà trường được phép thu

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của địa phương.

Bảo hiểm y tế

Theo Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi năm 2012 và Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh bằng 4,5% nhân mức lương cơ sở nhân với số tháng tham gia tương ứng thời hạn sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế (mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng).

Mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng của học sinh bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, phần còn lại 70% học sinh tự đóng.

Số tiền học sinh tự đóng được tính như sau: 1.490.000 đồng x 4,5% x 70%=46.935 đồng/tháng, tương đương với 563.220 đồng/năm.

Quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu

Theo Điều 9 Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT, kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của học sinh, sinh viên hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu, chi.

Tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú…

Thực hiện tùy quyết định của từng tỉnh, thành.

Học phẩm cho học sinh mầm non

Tùy từng tỉnh, thành.

Nước uống học sinh

Tùy từng nơi. Ví dụ hiện tại các trường tại Hà Nội đang được thu tối đa 12.000 đồng/tháng.

Huỳnh Đức - Thiết kế: Hoàng Sơn

Cùng chuyên mục
XEM