Phỏng vấn độc: "Giữa nhận ngay 1 tỷ đồng và cơ hội gặp tỷ phú bất kỳ để hỏi 1 câu, bạn sẽ chọn gì?", ai cũng tưởng thông minh khi chọn số 2, chỉ duy một người trả lời khác biệt đầy sâu xa

06/08/2021 15:18 PM | Sống

Trong số các câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng hóc búa và có phần “kỳ lạ”, việc lựa chọn giữa 1 tỷ đồng và 1 tỷ phú của ứng viên khác biệt này đang tạo ra khá nhiều tranh luận thú vị.

Các cuộc phỏng vấn vẫn luôn diễn ra đều đặn hàng năm. Cho dù tình hình dịch Covid-19 khiến phỏng vấn trực tiếp trở nên khó khăn, công nghệ hiện đại vẫn giúp mọi người nâng cao tỷ lệ tìm kiếm việc làm thông qua các ứng dụng họp mặt online. Việc chuẩn bị phỏng vấn tại nhà, không phải mất thời gian đi lại nhiều, cũng góp phần làm giảm căng thẳng cho ứng viên, giúp họ tự tin thể hiện bản lĩnh của mình hơn.

Tuy nhiên, hạn chế cho thời kỳ này đối với các ứng viên xin việc chính là nhà tuyển dụng gặp khó khăn về ngân sách, khi mà hầu hết công ty đều “co hẹp” lĩnh vực tuyển dụng. Với cùng một khoản chi phí, họ mong muốn tìm kiếm một nhân sự thực sự bản lĩnh để có thể bắt tay vào công tác ngay lập tức, đồng thời tạo ra hiệu quả cho công ty.

Vì lẽ đó, những cuộc phỏng vấn ngày càng trở nên “khó nhằn”, đòi hỏi ứng viên vừa thể hiện được kỹ năng và kinh nghiệm trong công việc, còn cần thuyết phục nhà tuyển dụng với sự linh hoạt trong tư duy, phương thức giải quyết vấn đề, các kỹ năng mềm quan trọng…

Không mấy ngạc nhiên nếu các câu hỏi tuyển dụng “lạ kỳ” được đưa ra để thử thách tư duy và phản ứng của ứng viên. Một trong số đó đang gây ra khá nhiều tranh luận thú vị: "Giữa việc nhận ngay 1 tỷ đồng và cơ hội gặp 1 tỷ phú bất kỳ để hỏi 1 câu, bạn sẽ chọn gì?"

 Phỏng vấn độc: Giữa nhận ngay 1 tỷ đồng và cơ hội gặp tỷ phú bất kỳ để hỏi 1 câu, bạn sẽ chọn gì?, ai cũng tưởng thông minh khi chọn số 2, chỉ duy một người trả lời khác biệt đầy sâu xa  - Ảnh 1.

Câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng "lạ kỳ" nhưng đầy thách thức. Ảnh: Reddit

Câu hỏi được đặt ra cho toàn thể ứng viên tại hội trường phỏng vấn, những người đã vượt qua được vòng sơ loại ban đầu. Trong số đó, không ít người đưa ra trả lời nhưng không thể giải thích một cách thuyết phục cho đáp án của mình, khiến đơn vị tuyển dụng không mấy hài lòng.

Ứng viên A tốt nghiệp từ trường đại học danh tiếng của ngành, có kinh nghiệm làm việc 1 năm trong cùng lĩnh vực, được đánh giá cao về tiềm năng phát triển. Người này đưa ra câu trả lời rằng:

“Có thể hiểu rằng đây là câu hỏi giữa tiền bạc và cơ hội. Tiền bạc là thứ chỉ cần có được thì sẽ có ngày mất đi, dù sớm hay muộn. Còn cơ hội không phải lúc nào cũng có. Nếu được gặp một vị tỷ phú và hỏi một câu, tôi sẽ hỏi rằng, liệu ông ấy có thể cho tôi hỏi thêm 100 câu nữa hay không. Đó là cách mà tôi muốn khai thác cơ hội của mình.

Và thông qua góc độ giao tiếp với một vị tỷ phú, tôi sẽ học được rất nhiều điều quý giá, từ đó mở mang tư duy của mình, giúp bản thân phân tích các vấn đề sâu xa hơn. Tôi nghĩ nó đáng giá hơn 1 tỷ đồng.”

Cách tiếp cận tuy không mới nhưng được giải thích thuyết phục khiến nhà tuyển dụng khá ưng ý.

Lúc này, ứng viên B lại đưa ra ý kiến ngược lại với giọng điệu hóm hỉnh, thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người:

“Cá nhân tôi lại đánh giá cả hai sự lựa chọn trên đây đều là cơ hội. Tiền bạc cũng là cơ hội, chưa kể tới, đó còn là một cơ hội lớn với số tiền lên tới 1 tỷ đồng, là tiền mặt, có tính thanh khoản cao nhất. Gặp gỡ và tiếp cận một vị tỷ phú cũng là cơ hội, nhưng cơ hội này không quá thích hợp với nền tảng của tôi ở vị trí hiện tại.

 Phỏng vấn độc: Giữa nhận ngay 1 tỷ đồng và cơ hội gặp tỷ phú bất kỳ để hỏi 1 câu, bạn sẽ chọn gì?, ai cũng tưởng thông minh khi chọn số 2, chỉ duy một người trả lời khác biệt đầy sâu xa  - Ảnh 2.

Có người lựa chọn tỷ phú thì cũng có người lựa chọn tiền mặt. Ảnh: Pinterest

Nếu bây giờ, tôi ứng tuyển ở vị trí giám đốc hoặc hơn, có bề dày kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế phong phú, tôi có thể hỏi vị tỷ phú 1 câu hỏi có giá trị bằng cả trăm câu hỏi làng màng khác. Thông qua quá trình tiếp xúc, gặp gỡ và giao tiếp, tôi cũng có thể học hỏi từ ngài ấy vô số điều giá trị. Tuy nhiên, hiện tại, tôi chỉ là một nhân viên, thế giới quan còn khá nhỏ hẹp, việc trả lời cho những rắc rối và thắc mắc vụn vặt của tôi chưa chắc đã đem lại những giá trị to lớn.

Ngược lại, với 1 tỷ đồng, tôi có thể ngay lập tức đầu tư cho bản thân để nghiên cứu thêm nhiều kiến thức chuyên ngành, nâng cao trình độ chuyên môn, cũng có thể tham gia đầu tư kinh doanh để lấy kinh nghiệm. Cho nên, tuy nghe có hơi thực tế nhưng tôi muốn lựa chọn 1 tỷ đồng tiền mặt.”

Cách trả lời của ứng viên B tuy có phần thẳng thắn nhưng thể hiện được tư duy mạch lạc, logic rõ ràng.

Đặt bản thân vào trường hợp tương tự, hẳn là mỗi người sẽ có một cách khai thác cơ hội và định hướng khác nhau cho bản thân mình. Cả hai ứng viên A và B đều không hề sai lầm, kết quả chỉ phụ thuộc vào việc tư duy của ai thích hợp với phương hướng kinh doanh và tuyển dụng của công ty đó hơn.

Phương Thuý

Cùng chuyên mục
XEM