Phong trào trồng cây chống sa mạc hoá tại Gobi
Khu rừng của ông Baraaduuz Demchig 82 tuổi trên mảnh đất cằn cỗi Gobi đã bền bỉ bám trụ cùng nắng và gió trong suốt 2 thập kỷ qua, như một phần của kế hoạch chống sa mạc hoá tại Mông Cổ.
Sa mạc Gobi phía nam Mông Cổ từng là một ốc đảo theo đúng nghĩa đen, chẳng có gì ngoài những bộ xương gia súc khô và ánh mặt trời. Ấy vậy mà trong suốt hai thập kỷ qua, khu rừng của ông Baraaduuz Demchig 82 tuổi trên mảnh đất cằn cỗi này lại có thể bền bỉ bám trụ cùng nắng và gió. Từng hàng du vươn cao, bên dưới là cây ăn quả trồng xen lẫn hắc mai biển, với những bộ rễ to khỏe ăn sâu vào lòng đất tìm dưỡng chất.
Cách đó vài mét, ở bên kia hàng rào thép, là "vùng đất chết" - nơi không một loài thực vật nào có thể sinh sống. Nơi đây thường xuyên hứng chịu hạn hán và bão cát - thứ vốn gây ra rất nhiều thiệt hại cho Mông Cổ. Ốc đảo xanh rộng 16 ha của ông Baraaduuz không thể ngăn điều này, song có thể giúp ích phần nào.
“Ở đây, bạn không thể trồng rau vì gió rất lớn. Tôi cần một lớp rào chắn, và đó là lý do vì sao tôi trồng cây”, ông Baraaduuz giải thích. “Năm đầu tiên, tức 1992, mọi thứ thật khó khăn. Đó là năm đầy gió và cát. Nhưng sang đến năm sau, cây đủ cao và có thể bảo vệ vườn rau. Từ đó tôi yêu và trồng nhiều cây hơn. Cây tôi trồng mọc từ Ulaanbaatar đến các tỉnh miền đông Mông Cổ rồi”.
Theo CNA, ước tính ông Baraaduuz Demchig đã trồng được khoảng 400.000 cây xanh trong hơn 30 năm. Cách này cũng đang được chính phủ Mông Cổ áp dụng để tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sa mạc hóa - tình trạng đất thoái hóa, khô cằn và mất đi độ màu mỡ - hiện đang ảnh hưởng tiêu cực đến hơn 76% tổng diện tích đất Mông Cổ. Hệ lụy này của biến đổi khí hậu đã tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của rất nhiều du mục cũng như an ninh lương thực-nước của quốc gia.
Đầu năm nay, tổng thống Ukhnaa Khurelsukh chính thức phát động phong trào Một tỷ cây xanh nhằm khắc phục thực trạng sa mạc hóa. Nước này cũng dự kiến hoàn thành mục tiêu vào năm 2030, như một phần của cam kết đối với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Các biện pháp khuyến khích cũng sẽ được đưa ra nhằm khích lệ nhiều tổ chức và tập đoàn khai thác tham gia.
Theo CNA, tỉnh Ömnögovi đã cam kết trồng 70 triệu cây xanh, đồng thời cung cấp nhiều gói hỗ trợ tài chính để duy trì số lượng cây mới được trồng trong khu vực. 900.000 ha đất đã được chỉ định để gây rừng.
Sáng kiến này được cho là có giá trị mạnh mẽ. Trước đó, trong bản báo cáo được Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) công bố hồi năm 2019, “các loài cây cần ít nước và có khả năng chống chịu với khí hậu khắc nghiệt có thể giảm thiểu hiện tượng bão cát, tránh xói mòn, đồng thời cải thiện vi khí hậu, chất dinh dưỡng và khả năng giữ nước của đất”.
“Phong trào trồng cây tỷ USD là bản lề kinh tế. Hãy nghĩ về việc chúng ta có thể cung cấp việc làm cho rất nhiều người ”, Bat-erdene Bat-Ulzii, Bộ trưởng Môi trường và Du lịch Mông Cổ cho biết. “Mọi người có thể có thêm thu nhập. Nếu là du mục, họ có thể trồng cây ở ngay quê hương và được hậu hĩnh xứng đáng. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện dự án này’’.
Tuy nhiên, trên thế giới, rất nhiều các chương trình trồng cây xanh cấp quốc gia và quốc tế gặp vấn đề do không đưa ra quy trình phù hợp.
Tại Trung Quốc, chương trình Vạn Lý Trường Thành đưa ra hồi năm 1978 nhằm mục đích ngăn chặn quá trình sa mạc hóa đã không đi đến kết quả. Sự thiếu kiến thức về cây trồng đã khiến sâu bệnh bùng phát. Như vậy, trồng cây độc canh giúp tạo độ che phủ song không đem lại nhiều lợi ích như rừng hỗn hợp, đặc biệt là các loài có khả năng lọc carbon khỏi bầu khí quyển. Đến năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết trồng thêm 70 tỷ cây xanh để "phủ xanh hành tinh, chống biến đổi khí hậu và tăng lượng rừng lưu trữ carbon".
Tại châu Phi, một dự án đầy tham vọng khác nhằm xây dựng “bức tường xanh” dài 8.000 km từ Senegal đến Sudan, cũng gián đoạn bởi nhiều vấn đề. Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng Mông Cổ cần tránh đi vào vết xe đổ trong quá khứ và tác động lên hệ sinh thái.
“Trồng cây là việc quan trọng, nhưng cần suy xét thấu đáo”, Ganchudur Tsetsegmaa, chuyên gia hàng đầu về hoang mạc hóa tại Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ, nói.
“Chúng tôi cần trồng cây chịu hạn và cây bản địa ở Gobi để chúng lớn lên mà không cần nhiều công chăm bón. Chúng tôi cũng cần ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để tránh lãng phí nguồn nước”, ông giải thích. “Khu vực này không nhiều sông suối, trong khi 80% lượng nước đến từ nước ngầm. Nếu họ đào giếng sâu 100 mét để lấy nước ngầm tưới cây, đó sẽ là thảm họa sinh thái”.
Do ông Baraaduuz đã tuổi cao sức yếu, cháu trai hiện là người phụ trách coi quản khu rừng - nơi trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình.
“Để tránh mắc sai lầm khi trồng cây, hãy lắng nghe người có chuyên môn. Người Mông Cổ chúng tôi có câu: 'Thay vì nghe nhà sư đọc kinh, hãy nghe người thông thái đã từng vượt qua nghịch cảnh'", anh nói.
"Tại khu vực tôi đang ở, nhiệt độ vào mùa đông xuống -30 độ C, còn mùa hè lại 30 độ C. Đây là hai thái cực trái ngược, một rất lạnh, một rất nóng. Nếu loài cây nào có thể sinh trưởng tốt ở đây, chứng tỏ nó sống được ở bất kỳ chỗ nào", anh nói thêm. “Cách duy nhất để tránh sa mạc hóa là trồng cây. Việc cần làm lúc này là khuyến khích mọi người trồng nhiều cây nhất có thể”.
Theo: CNA