Phong trào thể thao lên cao, 2 cửa hàng quy mô hàng nghìn mét vuông giúp Decathlon Việt Nam tăng gấp rưỡi doanh thu, nhưng cũng khiến công ty này thua lỗ lần đầu tiên sau nhiều năm

20/10/2020 08:38 AM | Kinh doanh

Doanh thu của Decathlon Việt Nam tăng gấp rưỡi trong năm 2019, sau sự xuất hiện của hai cửa hàng vật lý quy mô hàng nghìn mét vuông tại Hà Nội và TP HCM.

Giới yêu vận động của Việt Nam những năm gần đây có lẽ không còn xa lạ gì với Decathlon, thương hiệu thể thao top đầu của Pháp.

Điểm nhấn của Decathlon chính là hai cửa hàng quy mô tới hàng nghìn mét vuông đặt tại khu vực trung tâm Hà Nội và TP HCM. Điều này tạo điều kiện cho khách hàng được trải nghiệm các sản phẩm của hơn 70 môn thể thao khác nhau. Với những người yêu thích thể thao, đây chẳng khác nào "thả hổ về rừng".

Phương châm gốc của Decathlon là "khách hàng có thể tìm thấy tất cả các sản phẩm thể thao đáp ứng nhu cầu khác nhau tại cùng một địa điểm". Điều này vẫn được công ty của Pháp duy trì kể từ thời điểm sáng lập, cho đến nay đã đạt quy mô hơn 1.600 cửa hàng, hoạt động trên 55 quốc gia.

Decathlon chính thức kết nối lần đầu tiên với khách hàng tại Việt Nam từ năm 2017 với việc cho ra mắt nền tảng thương mại điện tử. Năm 2019, thương hiệu này mở hai cửa hàng vật lý sau khi đã kiểm chứng được sự đón nhận của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bản thân Decathlon không phải là cái tên xa lạ tại Việt Nam, nhất là đối với các nhà sản xuất. Decathlon hiện diện tại Việt Nam từ năm 1994, chính thức từ 1995 làm việc với các nhà sản xuất đầu tiên.

Cho đến nay, hơn 100 doanh nghiệp tại Việt Nam là đối tác của Decathlon sản xuất 6 loại sản phẩm chính: dệt, đan tổng hợp, dệt kim tự nhiên, khâu nặng (ba lô, bóng…), giày dép, vật liệu nhựa composite (cho xe đạp). Thực tế, Việt Nam chính là công xưởng lớn thứ hai của Decathlon, sau Trung Quốc.

Chia sẻ với báo giới tại một sự kiện tổ chức tháng 8/2019, Trưởng bộ phận thu mua và logistics của Decathlon Việt Nam tiết lộ rằng gần 2/3 đồ thể thao của hãng sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu sang Châu Âu. Điều này sẽ được hỗ trợ khi hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực. Tuy vậy, trong năm nay ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới tác động nặng nề đến hoạt động kinh doanh, nhất là đối với lĩnh vực may mặc (trong đó có đồ thể thao).

Quay trở lại thị trường Việt Nam, việc đẩy mạnh hoạt động thương mại trong nước khiến kết quả kinh doanh của Decathlon có những thay đổi đáng kể.

Năm ngoái, Decathlon Việt Nam đạt doanh thu thuần 597 tỷ đồng, tăng đột biến 54% so với năm trước đó. Điều này được cho là đến từ tác động tích cực của hai điểm bán hàng vật lý quy mô lớn. Tuy nhiên, chính việc vận hành hai cửa hàng này có thể là nguyên nhân khiến Decathlon Việt Nam báo lỗ ròng 19 tỷ đồng, lần đầu tiên sau nhiều năm.

Doanh thu của Decathlon Việt Nam từ năm 2016 chứng kiến sự tăng trưởng, trung bình 20% - 25% mỗi năm. Nhưng lợi nhuận lại giảm sút, từ 18 tỷ đồng năm 2016, sang 2018 chỉ còn 1/3. Nguyên nhân chính đến từ việc biên lãi gộp giảm, từ 49% xuống chỉ còn 36%.

Phong trào thể thao lên cao, 2 cửa hàng quy mô hàng nghìn mét vuông giúp Decathlon Việt Nam tăng gấp rưỡi doanh thu, nhưng cũng khiến công ty này thua lỗ lần đầu tiên sau nhiều năm - Ảnh 1.

Trong triết lý của mình, công ty mẹ Decathlon đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững. Việt Nam dù có nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt nhiều năm, nhưng điều này cũng kéo theo các vấn đề môi trường gia tăng, bao gồm không khí, nước và chất thải, ông Jeremie Piolet (Trưởng bộ phận phát triển bền vững tại Việt Nam) nêu trong một báo cáo.

Chính vì điều này, việc tập luyện thể dục thể thao tại các thành phố lớn gặp nhiều khó khăn, trên các bãi biển và núi xuất hiện ô nhiễm rác thải nhựa.

Bản thân Decathlon Việt Nam cho biết đã nỗ lực đáng kể để giảm thiểu ô nhiễm sản xuất trong suốt hai năm qua. Các hoạt động bao gồm tăng đội ngũ nhân lực chịu trách nhiệm phát triển bền vững, đồng thời đào tạo và hỗ trợ 110 cơ sở sản xuất cũng như khoảng 280 nhân viên tại Việt Nam.

Đông A

Từ khóa:  Decathlon
Cùng chuyên mục
XEM