Phong thuỷ quan trọng nhất của một người chính là cái miệng: Chỉ cần nhìn khẩu khí, đoán được liền vận mệnh

06/08/2020 08:11 AM | Sống

Chốn tụ tập đông người thường là nơi sản sinh ra những lời đồn thổi vô căn cứ, những “thuyết âm mưu” hoang đường. Lúc rảnh rỗi, chúng ta thường túm năm tụm ba, ngồi lại tán gẫu với nhau. Ta chỉ trích người này, chê bai người kia, cảm thấy thích thú khi tự cho mình cái quyền được phán xét một cá nhân nào đó.

(1) Biết nhưng không bình phẩm

Không bao giờ được kể cho người khác nghe những câu chuyện thầm kín mà bạn bè tin tưởng gửi gắm cho bạn. Bạn nói ra rồi thì tình bạn của hai người sẽ tiêu tan, bởi những lời thuật lại mang đầy tính chủ quan của bạn khi đến tai đối phương sẽ mang theo sát khí làm tổn thương người ta. Do đó, bạn nhất định phải học được cách tiết chế bản thân.

Bạn nghĩ rằng bản thân là một người hiểu chuyện, nên bạn cho mình cái quyền được phán xét. Bạn đã không hề biết lời nói của bạn khi ấy không khác gì một nhát dao xuyên thẳng vào con tim họ. Trong mắt họ, bạn giống như một kẻ phản bội. Có lúc, bạn nghĩ mình đã quá hiểu người ấy mà không hay thứ bạn biết chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm.

Mỗi người đều có một cuộc đời riêng. Các diễn biến trong cuộc hành trình ấy góp phần nhào nặn lên tính cách của mỗi người. Việc lấy yêu ghét cá nhân ra làm tiêu chuẩn bình phẩm người khác cho thấy bạn là người hẹp hòi.

Cuộc sống này thuộc về cảm nhận của mỗi cá nhân chứ không thuộc về sự đánh giá của người khác. Nếu như bạn cảm thấy bản thân đã đủ hiểu về cuộc sống của người ta mà không bị ảnh hưởng bởi cái nhìn chủ quan của mình, chắc chắn bạn sẽ tự khắc bớt đi những lời phán xét hay chỉ trích.

Thế giới này quá thừa những người giỏi nói, nhưng lại quá thiếu những người giỏi lắng nghe. Việc bạn không còn tùy tiện phán xét người khác thể hiện bạn là một con người có giáo dục. Nếu như bạn đã không sống cuộc đời của người ta, bạn cũng không có tư cách để chê bai hay phán xét họ. Người cao quý là người biết dùng trái tim rộng lượng để đối đãi với người khác. Họ thích thấu hiểu và cảm thông hơn là đưa ra những ý kiến chủ quan, phiến diện về một người nào đó.

Phong thuỷ quan trọng nhất của một người chính là cái miệng: Chỉ cần nhìn khẩu khí, đoán được liền vận mệnh - Ảnh 1.

(2) Biết nhưng không rêu rao

Đừng bao giờ dựa vào việc trao đổi bí mật của một người để giành được tình cảm của người khác. Một vài người có thói quen bắt đầu câu chuyện bằng câu: "Tôi nói chuyện này cho bạn biết. Bạn đừng nói cho ai nghe nhé." Đây được coi là hành động của một người vô duyên và không đáng tin. Người lịch sự và đáng tin sẽ tuyệt đối không ba hoa bí mật  chuyện của người khác với thiên hạ.

An Địch của Hoan Lạc Tụng là một con người có tính cách cao ngạo và lạnh lùng. Nhưng cô lại thường xuyên được mọi người tìm đến mỗi khi họ gặp khó khăn.

Phàn Thắng Mỹ là người xưa nay hiếm khi tin tưởng người khác. Đến lúc gặp chuyện, cô liền đưa hết mọi tài sản và giấy tờ quan trọng cho An Địch cất giữ.  

Khúc Tiêu Mịch là người có nhiều bạn bè. Nhưng khi gặp rắc rối, cô cũng chỉ tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía An Địch mà thôi.

Quan Quan là một cô gái nhút nhát và hướng nội. Cô thích bác sỹ Triệu nhưng lại phát hiện ra anh là bạn trai của Khúc Tiêu Mịch. Mối tình đơn phương đau khổ của cô cũng chỉ có mình An Địch biết.

Vương Bải Xuyên cũng chỉ cho tiết lộ cho mình An Địch nghe chuyện công ty sắp phá sản.

Sở dĩ An Địch được nhiều người tin tưởng như vậy là vì cô được lớn lên trong một hoàn cảnh đặc biệt. Hoàn cảnh ấy khiến cô có thể thấu hiểu những khó khăn của người khác. Mọi bí mật đều được cất giữ cẩn thận ở chỗ của An Địch

Người đáng tin là người nắm giữ bí mật của người khác và không tiết lộ nó với bất kì ai. Mỗi người đều có những bí mật không muốn cho người khác biết. Bạn biết được bí mật của người khác, tốt nhất bạn nên giúp họ giữ kín bí mật ấy.

Phong thuỷ quan trọng nhất của một người chính là cái miệng: Chỉ cần nhìn khẩu khí, đoán được liền vận mệnh - Ảnh 2.

(3) Phong thủy bắt đầu từ "miệng" của bạn

Chúng ta luôn nghĩ phong thủy quyết định may mắn và vận mệnh của một người. Nhiều người đã bỏ ra rất nhiều tiền để bản thân có được "phong thủy tốt". Thực ra chúng ta chẳng cần phải đi tìm phong thủy ở đâu xa. Phong thủy của mỗi người bắt đầu từ chính "miệng" của mình.

Lâm Tắc Dư là một nhân vật lịch sử lỗi lạc ở thời nhà Thanh. Lâm Tắc Dư có thể bước lên đỉnh vinh quang chính là bởi ông biết tiết chế lời ăn tiếng nói của mình. Thuở nhỏ, ông phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn. Cha là một tú tài nghèo, kinh tế gia đình trông cả vào người mẹ. Khó khăn là vậy, nhưng hai người không hề ca thán hay oán trách. Cha mẹ ông luôn cố gắng cho con trai ăn học đèn sách. Trong ký ức tuổi thơ, Lâm Tắc Dư thấy cha ông không bao giờ tức giận hay lớn tiếng, còn mẹ ông thì luôn là một người phụ nữ hiểu chuyện và dịu dàng. Gia đình ông hòa thuận, hiếm khi có cãi vã xích mích. Vì vậy, dù cuộc sống khổ cực, gia đình ông chưa bao giờ thiếu vắng tiếng cười.

Sau này, cách ông giáo dục con cái cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ cách cha mẹ đã nuôi dưỡng ông. Ông có người con trai không thích đọc sách. Ông không hài lòng về điều đó nhưng không bao giờ quát mắng hay bắt ép con. Cuối cùng, ông quyết định cho con mình đi theo nghề nông. Ban đầu, sợ con ỷ thế mình để làm càn, ông đã viết một lá thư cho con. Trong thư, ông hi vọng con sẽ luôn biết tiết chế và cẩn trọng trong từng hành vi và lời nói của bản thân. Người con trai luôn ghi nhớ lời dặn của cha mình, nói gì hay làm gì cũng đều rất cẩn thận.

Vận mệnh của bạn bắt đầu từ chính miệng của bạn. Bạn muốn thay đổi số phận thì hãy bắt đầu từ việc thay đổi lối giao tiếp của bản thân. Đa phần chúng ta bị mắc tội "Khẩu nghiệp".   Nghiệp ác là khi ta nói lời làm tổn thương chúng sinh hay kể những câu chuyện đi ngược với sự thật. Nghiệp thiện là khi ta biết nói lời hay mà không sáo rỗng, kể những câu chuyện ấm áp sưởi ấm trái tim con người. Bước chân đi nhầm có thể đi lại. Nhưng lời đã nói ra không bao giờ có thể rút lại được. Trước khi nói hãy uốn lưỡi bảy lần, chỉ cần bạn làm được như vậy, tức khắc bạn sẽ có phong thuỷ tốt cho cuộc đời của mình.

Con người mất vài năm để học nói nhưng mất cả đời để im lặng. Lỗ Tấn từng viết: "Khi im lặng, tôi cảm thấy lòng mình thật phong phú nhưng khi nói, tôi lại cảm thấy vô cùng trống rỗng." Nói vốn rất dễ nhưng nói thế nào cho phải, cho hay thì lại là một câu hỏi hóc búa.

Im lặng sẽ mang một khoảng lặng quý báu để chúng ta bình tâm phân tích vấn đề. Khi đã thấu hiểu câu chuyện rồi, bạn mới có thể cảm thông và bao dung cho người ta. Nếu ai cũng bớt nói đi một chút, lắng nghe nhiều hơn một chút, thế giới này sẽ bớt đi những nỗi buồn và thêm vào đó những niềm vui.

Đình Trọng

Cùng chuyên mục
XEM