Phòng Thương mại EU quan ngại về kế hoạch “Made in China 2025”

08/03/2017 20:09 PM | Kinh tế vĩ mô

Kế hoạch “Made in China 2025” của Bắc Kinh kêu gọi tăng mạnh các sản phẩm được sản xuất trong nước thuộc 10 lĩnh vực, với kỳ vọng thúc đẩy phát triển công nghiệp.

Phòng Thương mại của Liên minh châu Âu (EUCC) tại Trung Quốc ngày 7/3 nhận định kế hoạch thúc đẩy hoạt động chế tạo trong nước của Trung Quốc đến năm 2025 có nhiều vấn đề và có thể gây ra tình trạng phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo EUCC, kế hoạch “Made in China 2025” của Bắc Kinh kêu gọi tăng mạnh các sản phẩm được sản xuất trong nước thuộc 10 lĩnh vực - từ robot đến thuốc sinh học - được Chính phủ Trung Quốc hy vọng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp khi tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Tuy nhiên, các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài ngày càng lớn tiếng chỉ trích những cải cách thị trường của Trung Quốc và lo ngại rằng kế hoạch trên sẽ buộc họ phải từ bỏ công nghệ then chốt mới được tiếp cận thị trường hoặc phải "phớt lờ" chúng hoàn toàn.

Theo EUCC tại Trung Quốc, kế hoạch “Made in China 2025” không khác gì một kế hoạch thay thế cho nhập khẩu quy mô lớn nhằm mục đích quốc hữu hóa các ngành công nghiệp chủ chốt hoặc cắt giảm mạnh vị thế của doanh nghiệp nước ngoài.

Theo cơ quan này, các chính sách của Trung Quốc, bao gồm hàng trăm tỷ euro tiền trợ cấp, đã gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của châu Âu.

Một thí dụ có thể kể ra là trong ngành công nghiệp chế tạo ôtô/xe máy sử dụng năng lượng mới, các doanh nghiệp châu Âu đang phải đối mặt với sức ép lớn phải chuyển giao công nghệ tiên tiến để đổi lại việc tiếp cận thị trường trong ngắn hạn.

Còn trong ngành công nghệ thông tin, các doanh nghiệp của “lục địa già” đang chứng kiến việc tiếp cận thị trường Trung Quốc ngày càng bị siết chặt hơn.

Trong khi đó, Bắc Kinh lâu nay vẫn hối thúc các doanh nghiệp Trung Quốc thâm nhập các thị trường nước ngoài để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn và các công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực cạnh tranh trong các lĩnh vực có giá trị cao từ ngành hàng không vũ trụ đến nông nghiệp, robot....

Theo Kim Dung

Cùng chuyên mục
XEM