Phố Wall đối mặt nguy cơ bán tháo hàng tỷ USD

25/06/2020 15:53 PM | Kinh doanh

Quy mô làn sóng bán tháo lần này được ước tính nằm trong khoảng 35 – 76 tỷ USD, trong đó, lượng tài sản được phân bổ sang trái phiếu sẽ ở mức lớn nhất trong 6 năm qua.

Trong bối cảnh S&P 500 tăng hơn 21% kể từ đầu quý II đến nay, giới chiến lược gia dự đoán nhà đầu tư, quỹ hưu trí và các quỹ khác có thể sẽ bán một số cổ phiếu tăng giá mạnh, đồng thời mua trái phiếu trong tuần tới. Dự báo về quy mô của đợt bán tháo sắp tới khá đa dạng nhưng giới phân tích tại JPMorgan cho biết nếu cổ phiếu mất giá, đây sẽ là cơ hội để mua vào.

Tuy nhiên, cũng có khả năng thị trường sẽ không bị bán tháo mạnh vì một số chiến lược gia cho rằng bán tháo đã diễn ra trên thị trường phái sinh và giới đầu tư có thể đã thay đổi danh mục cổ phiếu.

“Với những gì đã diễn ra trong quý II, cuối tháng 6 sẽ là thời điểm rất thú vị. Thị trường có thể sẽ biến động. Chúng tôi đã thấy điều đó và có khả năng thị trường sẽ biến động mạnh hơn nữa khi chúng ta tiến gần tới cuối quý này”, ông Dan Deming tại KKM Financial nói.

Các chiến lược gia trên thị trường trái phiếu đặc biệt quan tâm tới cuối tháng 6 vì cho rằng đây là thời điểm thị trường chứng khoán có thu nhập cố định sẽ biến động do nhà đầu tư, quỹ đầu hưu trí và các quỹ đầu tư khác điều chỉnh danh mục đầu tư để đưa tỷ lệ phân bổ tài sản về mức phù hợp. Cuối mỗi quý là thời điểm thường xảy ra những sự kiện lớn.

Sự kiện lớn của lần này, theo một số suy đoán, có thể là các quỹ hưu trí sẽ chuyển một lượng lớn vốn vào trái phiếu với quy mô dao động trong khoảng 35 – 76 tỷ USD.

“Chúng tôi ước tính các quỹ hưu trí của doanh nghiệp Mỹ sẽ chuyển khoảng 35 tỷ USD vào các tài sản có thu nhập cố định”, ông Michael Schumacher, giám đốc chiến lược lãi suất tại Wells Fargo, nói. Đây là đợt rót vốn mạnh nhất trong suốt 6 năm ông theo dõi làn sóng tái cân bằng danh mục đầu tư trên thị trường.

“Lý do rất rõ ràng. Thị trường chứng khoán vừa có đợt tăng bùng nổ mà trái phiếu lại chưa theo kịp đà tăng đó”, theo Schumacher. Ông cho rằng các cổ phiếu vốn hóa lớn tại Mỹ sẽ bị rút vốn mạnh nhất, sau đó là cổ phiếu vốn hóa nhỏ và chứng khoán quốc tế.

Nếu lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm trở lại mức đỉnh của tháng 6 là gần 0,96% và giá cổ phiếu tăng theo, dòng vốn tháo chạy từ cổ phiếu sang trái phiếu có thể là 50 tỷ USD. “3 tuần trước, đã có một diễn biến giống như vậy nên điều này cũng là dễ hiểu”, Schumacher nói.

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích của JPMorgan dự đoán quy mô tái cân bằng danh mục sẽ đạt 65 tỷ USD. Trên phạm vi thế giới, dòng vốn rút khỏi chứng khoán có thể lên tới 170 tỷ USD.

Goldman Sachs ước tính quy mô bán tháo cổ phiếu là 76 tỷ USD. “Chúng tôi thừa nhận có nguy cơ thị trường chứng khoán sẽ điều chỉnh nhỏ trong vòng 2 tuần tới do làn sóng tái cân bằng danh mục tiêu cực này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin rằng thị trường đang trong thời kỳ tăng mạnh và bất kỳ đợt sụt giảm nào cũng sẽ là cơ hội để mua vào”, các chiến lược gia tại JPMorgan nói.

Theo Deming của KKM Financial, thị trường phái sinh bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu điều chỉnh cho cuối quý.

“Chúng tôi thấy giá trên thị trường tương lai có sự chênh lệch lớn. Đây là khoảng thời gian nhiều hợp đồng tương lai cùng đáo hạn. Khi họ thoát khỏi hợp đồng tháng 6 để chuyển qua hợp đồng tháng 9, các chỉ số tương lai, đặc biệt là S&P tháng 9, sẽ có chênh lệch lớn so với chỉ số cơ bản. Dựa vào diễn biến giá, có vẻ như một số người tham gia thị trường đã phải tái cân bằng hoặc định vị lại giao dịch phòng vệ giá vì thị trường biến động quá mạnh trong quý này”.

Theo dự đoán của ông Deming, thị trường cổ phiếu sẽ biến động mạnh hơn trong thời gian tới vì có nhiều khả năng các quỹ đầu tư sẽ mua cổ phiếu để làm đẹp báo cáo tài chính và điều chỉnh vị thế.

Cũng theo số liệu của Ủy ban giao dịch Chứng khoán Mỹ, tính đến cuối tuần trước, giới đầu tư phi thương mại, hay còn được xem là giới đầu cơ, tăng vị thế bán ròng với chỉ số E-mini S&P futures lên 303.000 hợp đồng, trong khi đầu tháng 3, họ đang giữ vị thế mua ròng khoảng 55.000 hợp đồng.

Giới đầu tư bắt đầu đặt vị thế bán đối với chỉ số E-mini S&P 500 futures kể từ tháng 4 và hiện ở mức cao nhất kể từ năm 2011. Điều này cho thấy giới đầu tư đang đặt cược lớn vào khả năng thị trường cổ phiếu sẽ bị bán tháo.

Theo một số chiến lược gia, việc nhiều nhà đầu tư đặt vị thế giống nhau cho thấy tâm lý đám đông trong công việc và họ thực sự đang gửi đi một tín hiệu tiêu cực.

Trong khi đó, ông Peter Boockvar, trưởng phòng chiến lược đầu tư tại Bleakley Advisory Group, lại cho rằng: “Số liệu của Ủy ban giao dịch Chứng khoán Mỹ nên được xem là một chỉ số đối lập nhưng tôi tin không đúng với S&P 500 futures. Thị trường vẫn có người đặt vị thế mua với cổ phiếu và thực hiện phòng vệ giá với hợp đồng tương lai và điều đó không có nghĩa là họ đang giữ vị thế bán ròng”.

Trong diễn biến gần nhất, chốt phiên 24/6, Phố Wall bị bán tháo mạnh nhất gần 2 tuần với Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều giảm hơn 2%.

Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM