Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản: 'Lướt sóng' năm nay rất rủi ro

15/09/2020 10:37 AM | Bất động sản

Năm 2020, bất động sản đối mặt với những khó khăn toàn diện song đây vẫn chưa là giai đoạn khủng hoảng của thị trường.

Trước những khó khăn liên tục bủa vây thị trường bất động sản, Người Đồng Hành có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, về thách thức, cơ hội của thị trường năm nay.

Chưa thể gọi là khủng hoảng

- Năm nay, phần lớn các loại hình BĐS đều gặp khó, đã có thể xem đây là giai đoạn thị trường khủng hoảng? 

- Thị trường BĐS năm nay gặp rất nhiều khó khăn. Giao dịch chững lại, nhiều khu vực thậm chí còn đóng băng, bất động sản du lịch tê liệt, nhà phố ồ ạt sang nhượng, doanh nghiệp địa ốc cũng chứng kiến tình trạng giải thể chưa từng thấy... Tuy nhiên, để nói là có khủng hoảng hay không thì theo tôi là không. Nói chính xác hơn, bản thân thị trường BĐS Việt Nam đang chịu tác động của những khủng hoảng về chính sách lẫn khủng hoảng về dịch bệnh chứ nội tại của thị trường này thì chưa khủng hoảng. 

Chúng ta thấy rằng chính sách làm cho nguồn cung BĐS trở nên khan hiếm hơn trong những năm gần đây, còn dịch bệnh thì làm cho giao dịch, các hoạt động mua bán trên thị trường tê liệt. Trên quan điểm của tôi, 2020 là một năm thử thách sức khỏe của thị trường, doanh nghiệp và cả các nhà đầu tư, ai trụ được qua thời điểm này chứng tỏ là rất có năng lực.

Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản: Lướt sóng năm nay rất rủi ro - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch hội Môi giới bất động sản Việt Nam. Ảnh: L.T

- Khó khăn bủa vây là thế nhưng các báo cáo về thị trường cho thấy giá BĐS không những không giảm mà còn tăng. Ông có nghĩ đó là nghịch lý? 

- Đây không phải lần đầu tiên thị trường BĐS rơi vào cảnh khó khăn, nói chính xác thì đây đã là lần thứ tư rồi. Qua 3 giai đoạn khó khăn trước đây, thậm chí 3 giai đoạn đó có thể xem là 3 giai đoạn khủng hoảng rồi, trong đó bao gồm cả những đợt khủng hoảng kéo dài và trầm trọng như hồi 2012-2013, thì chưa bao giờ BĐS xuống giá cả.

Thực tế trong bối cảnh giao dịch chậm lại, một số đơn vị cần tiền đã đưa ra chính sách kích cầu, tung các chương trình khuyến mại, tặng quà. Tuy nhiên, có thể thấy là chưa có đơn vị nào hạ giá sản phẩm của mình cả. Đó là quy luật của thị trường. 

Bản chất BĐS là những sản phẩm có giới hạn, không phải vô hạn. Khi nguồn cung có giới hạn, đặc biệt là nguồn cung nằm ở vị trí đắc địa, có tiềm năng phát triển tốt ngày càng hiếm thì không có lý do gì lại có thể xuống giá.

Nhìn vào nguồn hàng cao cấp ở nội đô Hà Nội chẳng hạn, chúng ta thấy nguồn cung đang rất hạn chế nếu không muốn nói là không có các sản phẩm mới. Nếu có, khách hàng cũng giành nhau đăng ký mua. Như vậy có thể thấy thấy nhu cầu của thị trường vẫn rất lớn, dù khó khăn thì cũng chưa thể ảnh hưởng đến giá được.

- Nói như vậy thì giá BĐS không hề chạm đáy như một số nhận định? 

- Đúng vậy. Như tôi đã nói, giá BĐS không bao giờ có dòng quay ngược giảm xuống, chỉ có thể tạm dừng đợi thời cơ hoặc tăng.

Vẫn có cơ hội giữa khó khăn

- Vậy theo ông, năm nay có phải là năm có thể đầu tư BĐS?

- Nếu đầu tư theo dạng "lướt sóng", tôi khẳng định năm nay không thể. Thị trường chưa sôi động trở lại, nếu "lướt sóng" thì rất rủi ro, vì chúng ta chưa thể biết chính xác đến lúc nào thị trường mới có thể phục hồi.

Chưa kể, thị trường bất động sản thời gian qua đã có sự chậm nhịp. Những năm 2017 - 2018, chúng ta chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường.Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2019, các chỉ số của thị trường đã có dấu hiệu giảm xuống, lượng hấp thụ chỉ còn khoảng 70% so với năm 2018.

Thời gian qua, chính sách của thị trường bất động sản cũng đã bộc lộ những điểm hạn chế. Nhiều dự án ở các đô thị lớn phải dừng lại để thanh tra, kiểm tra, một số địa phương cũng hạn chế phát triển các dự án mới. Mỗi địa phương có khoảng 20-30 dự án bị dừng triển khai, còn các đô thị lớn như Hà Nội hay TP HCM thì có thể có tới cả trăm dự án như vậy.

Rồi đến năm nay, dịch Covid-19 đã làm  thay đổi hành vi đầu tư của nhà đầu tư. Xu hướng giữ tiền mặt được lựa chọn nhiều hơn.

Còn cơ hội đầu tư dài hạn, bền vững, theo tôi thì có.

Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản: Lướt sóng năm nay rất rủi ro - Ảnh 2.

Gần như không có cơ hội đầu cơ lướt sóng bất động sản trong năm nay. Ảnh: Thủy Tiên.

- Với tình hình này, thị trường bao giờ mới có thể phục hồi?

- Nếu Chính phủ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, có thể tin tưởng trong quý IV, hoạt động của thị trường sẽ trở lại một cách tốt hơn, dù không sôi động như mọi năm.

- Người ta vẫn nói trong nguy có cơ, theo ông, giữa lúc thị trường gặp khó, cơ hội là gì và sẽ dành cho ai?

- Tất nhiên vẫn luôn tồn tại cơ hội trong khó khăn. Giữa mùa dịch, giữa lúc thị trường chững lại, cơ hội sẽ thuộc về những nhà đầu tư, những doanh nghiệp có tiềm năng, tiềm lực, sức khỏe tốt.

Chúng ta thấy thời gian vừa rồi vẫn có nhiều đơn vị duy trì việc bán hàng bằng cách thích ứng, đưa ra các hình thức tiếp cận khách hàng khác nhau. Rồi các thương vụ M&A xuất hiện rất nhiều trên thị trường, có thể xem là một cách để thanh lọc, loại bỏ các đơn vị, hình thức kinh doanh yếu kém, thiếu phù hợp, đón những doanh nghiệp, nhà đầu tư có năng lực hơn tham gia thị trường... Theo tôi, cơ hội rõ ràng là có và luôn dành cho những người có tiềm lực và biết nắm bắt thời cơ.

Lâm Tùng

Cùng chuyên mục
XEM