Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS VN: Nguồn cung BĐS chỉ bằng 1/5 năm 2018, 30 tỷ USD đang “chôn” trong các dự án, nhiều chủ DN môi giới phải bán tài sản cá nhân để cầm cự

19/02/2023 16:48 PM | Kinh doanh

Số doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể ước lượng gần 1.200 doanh nghiệp, kéo theo nhiều doanh nghiệp môi giới khó khăn, lỗ nặng. Hàng chục vạn môi giới bất động sản phải dừng hoạt động. Nhiều chủ các doanh nghiệp môi giới vừa và nhỏ phải bán tài sản cá nhân để duy trì hoạt động cho văn phòng, theo thống kê từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam…

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS VN: Nguồn cung BĐS chỉ bằng 1/5 năm 2018, 30 tỷ USD đang “chôn” trong các dự án, nhiều chủ DN môi giới phải bán tài sản cá nhân để cầm cự - Ảnh 1.

Để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững, cần giải quyết được các khó khăn về cơ chế, chính sách, nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu và vướng mắc của các dự án bất động sản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính khuyến nghị.

5 số liệu thể hiện thực trạng thị trường và sức khỏe doanh nghiệp

- Nguồn cung: Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tổng nguồn cung căn hộ mới giảm từ gần 180 ngàn sản phẩm năm 2018 xuống còn hơn 50 ngàn sản phẩm vào năm 2021 - thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Năm 2022, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48,500 sản phẩm, tương đương hơn 20% so với năm 2018. Quý IV năm 2022, nguồn cung sụt giảm kỷ lục với gần 7.000 sản phẩm.

Thống kê sơ bộ số lượng dự án bất động sản đang triển khai trên cả nước phải tạm dừng lên đến cả ngàn dự án, với giá trị đầu tư khoảng 800 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 30 tỷ USD, trong đó có cả những dự án phát triển nhà ở xã hội).

- Cơ cấu sản phẩm: Thị trường hiện đang thiếu chính sách để điều tiết, định hướng tiêu dùng, hạn chế đầu cơ. Không có chính sách để hạn chế sản phẩm, dự án cao cấp. Ngược lại cũng không có chính sách phát triển nhà ở bình dân, nhà ở xã hội khiến cơ cấu nguồn cung chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn.

Theo Báo cáo của VARS, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm dần từ gần 19% (năm 2019) xuống còn 4% trong năm 2022. Tại thành phố Hà Nội, TPHCM, gần như vắng bóng các dự án nhà ở giá phù hợp với nhu cầu người dân.

- Tỷ lệ hấp thụ: Tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường năm 2022 đạt khoảng 39%, tương đương 19.000 giao dịch, chỉ bằng 17% so với lượng giao dịch của năm 2018. Riêng quý IV/2022, tỷ lệ hấp thụ chỉ ở mức hơn 14%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm.

Sơ bộ tháng 1/2023, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường ước đạt rất nhỏ, mức thấp kỷ lục, không đáng để thống kê.

Thống kê sơ bộ tháng 1/2023, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường ước đạt rất nhỏ, ở mức thấp kỷ lục, không đáng để thống kê

- Sức khỏe doanh nghiệp bất động sản: Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước, ước lượng gần 1.200 doanh nghiệp.

Từ quý IV/2022, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới quá ít. Các doanh nghiệp bất động sản còn hoạt động phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, lực lượng lao động. Thậm chí dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng dự án dở dang; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO...

- DN ngành khác liên đới: Doanh nghiệp môi giới khó khăn, lỗ nặng. Nhiều đơn vị thiếu dòng tiền, phải nghỉ Tết sớm, cắt giảm nhân sự, giảm lương và đóng cửa văn phòng. Tháng 1/2023, doanh nghiệp môi giới chật vật, thậm chí nhiều chủ các doanh nghiệp môi giới vừa và nhỏ phải bán tài sản cá nhân để duy trì hoạt động cho văn phòng. Số lượng môi giới phải dừng hoạt động lên đến hàng chục vạn người, ước đạt 80% lực lượng.

Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhà máy, công xưởng của hơn 30 ngành nghề liên quan phải ngưng hoạt động, hàng triệu lao động thất nghiệp do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng chậm thanh toán của chủ đầu tư.

Đề xuất nghiên cứu xây dựng cơ chế cho thị trường theo 3 nhóm đối tượng

TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch VARS – cho rằng để thị trường bất động sản không đổ vỡ, giải quyết được nhu cầu cấp thiết về nhà ở của người dân, cần tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, đồng thời đề xuất Chính phủ nên nghiên cứu xây dựng cơ chế cho thị trường bất động sản theo ba nhóm đối tượng.

Thứ nhất là cơ chế, chính sách.

Các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy nhanh quá trình sửa luật để ổn định phát triển dài hạn. Tổ Công tác sớm trình Chính phủ ban hành các Nghị định mới. Bên cạnh đó, phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, rất cần có chính sách mạnh hơn để thúc đẩy, nhằm tạo sản phẩm phù hợp thị trường, kích thích giao dịch, khởi động guồng quay sản xuất kinh doanh cho cả nền kinh tế.

Đồng thời cũng cần có những chính sách khuyến khích, kích thích phát triển nhà thương mại có mức giá phù hợp, vừa kích thích sản xuất kinh doanh, vừa tạo ra nguồn thu cho ngân sách.

Thứ hai là chính sách nguồn vốn cho phát triển thị trường bất động sản.

Về nguồn vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước nên thúc đẩy nhanh việc bơm vốn cho nền kinh tế, trong đó có hoạt động phát triển bất động sản, để các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường. Tuy nhiên, cần kiểm soát tốt dòng tiền, hướng vào các phân khúc sản phẩm phù hợp và những dự án ưu tiên.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, TS Đính đề xuất Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giãn, hoãn các khoản vay đến hạn như thời kỳ dịch Covid. Trường hợp doanh nghiệp bị “nhảy” sang nhóm nợ xấu hơn thì khôi phục lại, không nên áp dụng mức lãi suất mới cho các khoản vay cũ.

Cuối cùng là với các dự án bất động sản.

Đối với các doanh nghiệp đang có nhiều dự án gặp khó khăn, nên xác lập lại chiến lược kinh doanh và cấu trúc lại các phân khúc sản phẩm của dự án theo hướng “Tăng phân khúc sản phẩm giá rẻ” để dễ hấp thụ và sớm có dòng tiền.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu điều chỉnh dự án hoặc một phần dự án (trong giai đoạn đang làm thủ tục đầu tư) sang nhà ở phù hợp với nhu cầu thị trường để được hưởng các cơ chế hỗ trợ và dễ được phê duyệt hơn. Rà soát lại danh mục dự án, giữ lại những dự án có khả năng thực hiện được. Đồng thời, chuyển nhượng, chuyển giao các dự án không đủ nguồn lực triển khai.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM