Phó Bí thư Hà Nội: Thành quả chống dịch bị thách thức rất lớn sau việc người dân đổ ra đường đêm Trung thu
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành quả chống dịch trong thời gian qua của cả thành phố hiện đang bị thách thức rất lớn sau việc người dân đổ ra đường đêm Trung thu.
Tối 21/9 - đêm Trung thu, ngày đầu tiên Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, chuyển áp dụng từ Chỉ thị 16 xuống 15, người dân đổ ra đường khá đông, nhiều tuyến đường phố cổ bị ùn ứ cục bộ. Từ những hình ảnh dòng người chen chúc, ken đặc đổ về trung tâm chơi Trung thu, nhiều người lo ngại nguy cơ tái bùng phát dịch ở Thủ đô.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ngày 22/9 nhận định, Hà Nội vẫn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh bất cứ lúc nào. Một trong những nguy cơ đó chính là sự chủ quan của cả một số cơ quan quản lý và người dân.
"Việc tối Trung thu người dân đổ ra đường đông như vậy là không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, thể hiện sự chủ quan, coi thường sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng", ông Phong nói và bày tỏ "rất đáng trách" khi nhiều phụ huynh đã đưa cả trẻ em đi cùng.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành quả chống dịch trong thời gian qua của cả thành phố, trong đó có đóng góp quyết định của nhân dân Thủ đô hiện đang bị thách thức rất lớn. Ông mong rằng người dân rút kinh nghiệm, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, nhất là thường xuyên theo dõi sức khỏe và khai báo y tế.
"Công tác chống dịch chỉ đem lại kết quả thực chất khi tất cả chúng ta cùng đồng lòng và tự giác chấp hành các quy định về phòng chống dịch. Đừng để thành quả bước đầu đạt được, công sức của chúng ta uổng phí vì sự chủ quan", ông Phong nhấn mạnh.
Người Hà Nội đổ ra đường chơi Trung thu tối 21/9, nhiều tuyến đường ùn tắc cục bộ (Ảnh: Đinh Huy)
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, dù Hà Nội nới lỏng giãn cách, nhưng khuyến cáo người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Người dân cần phải cảnh giác cao độ, vì nếu trong đêm Trung thu có 1 F0, thì dịch bệnh dễ lây lan, "không biết ai lây cho ai".
"Điều này gây khó khăn trong việc truy vết, xác định các ổ dịch mới và phòng chống dịch", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Ông Phu nhắc lại Hà Nội có lượng người đi lại nhiều, giao lưu lớn nên toàn thành phố cần cảnh giác, tránh dịch lây lan, chỉ ra đường khi cần thiết.
"Việc vui chơi là điều người dân mong muốn nhưng lúc này nên tạm gác lại, có thể để dịp sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Đây là bài học cảnh báo cho tâm lý xả hơi sau giãn cách của người dân", ông Phu nói.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho hay, nguy cơ bùng phát dịch tại Hà Nội có thể từ tình trạng dòng người ken đặc ở các tuyến phố lớn đêm qua.
"Mặc dù nới lỏng giãn cách và xét nghiệm diện rộng, nhưng không thể đảm bảo đã bóc tách hết F0 lẩn khuất trong cộng đồng. Từ đó, nguy cơ bùng phát dịch luôn hiện hữu", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nói.
Theo ông Hùng, việc đổ ra đường đi chơi đêm Trung thu cho thấy người dân có tâm lý chủ quan và vi phạm quy định giãn cách.
"Thành quả của Hà Nội sau 4 đợt giãn cách xã hội có thể bị xô đổ chỉ sau một dịp lễ Trung thu", PGS Nguyễn Việt Hùng cho hay.
Trước đó, từ 6h ngày 21/9, Hà Nội áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế, cho phép nhiều hoạt động, dịch vụ được mở cửa trở lại như cắt tóc, gội đầu, cửa hàng ăn uống,...
Trong cuộc họp Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 chiều 21/9, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn, các đơn vị không được lơ là chủ quan, thực hiện nghiêm túc tinh thần của Chỉ thị 22 của Thành phố. Trong đó, cần quan tâm 3 "trụ cột" chính là kiểm soát, chủ động trước tình hình dịch bệnh; đảm bảo sức khỏe cho người dân và đảm bảo sản xuất kinh doanh an toàn.
"Mục tiêu cuối cùng, cao nhất, số một là đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người dân sau đó mới phục hồi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh", Phó Chủ tịch Hà Nội khẳng định.
Ông Hải đề nghị các địa phương bám sát 8 nguyên tắc trong phòng, chống dịch. Trong đó, đặc biệt lưu ý tiếp tục duy trì phong tỏa hẹp, quản lý chặt các "điểm đỏ" trên địa bàn. Đồng thời, rà soát cơ sở dữ liệu phục vụ phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh nhằm đảm bảo sức khỏe người dân, đảm bảo an sinh xã hội, sản xuất kinh doanh theo từng chức năng, nhiệm vụ…
Đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 27/4 đến trưa nay, Hà Nội có tổng 3.950 ca Covid-19, trong đó 1.599 ca ngoài cộng đồng và 2.351 người đã được cách ly.