[Phim hay] Awakenings – Họ đã từng tỉnh giấc

02/01/2014 20:07 PM |

Leonard dừng cuộc sống của mình ở tuổi 11. Đứa trẻ 11 tuổi hiếu động, một ngày nằm trên giường và mãi không đứng lên được, điều cuối cùng nó nói là “ Mẹ ơi, mẹ ơi”, rồi từ đó câm bặt.

Awakenings được dựng lại theo hồi kí cùng tên của Oliver Sacks – nhà thần kinh học người Anh về một sự kiện trong sự nghiệp chữa bệnh của mình. Đó là một câu chuyện có thật, đơn giản nhưng thần kì. 

Xem phim, người ta cảm thấy mình có thêm nhiều niềm tin hơn vào sự kì diệu của cuộc đời. Dù có thể nó chỉ xảy ra trong thoáng chốc, nhưng đã làm cho cuộc sống của nhiều người thay đổi, vui vẻ hơn, đẹp đẽ hơn, hạnh phúc hơn.

Bộ phim bắt đầu khi bác sĩ Malcolm Sayer – do Robin Williams thủ vai được nhận nhiệm vụ đến chăm sóc những bệnh nhân của một trại tâm thần. Những bệnh nhân này mắc một thứ bệnh Catatonic- bại não, với hệ thần kinh tê liệt, không có nhận thức với cuộc sống xung quanh. Họ không bao giờ ý thức được những gì mình đang làm mà chỉ phản ứng lại với những tác động đặc biệt như đau đớn. 

Khi mới bị bệnh, họ có thể còn phản ứng với bên ngoài, nhưng dần dà, mọi hoạt động ngừng trệ lại. Họ gần như mộng du, vẫn ăn, vẫn uống, vẫn đi lại trong giấc ngủ dài cả thập kỉ. Họ giống như thây ma, tồn tại mà không sống. Người đàn bà tóc bạc Lucy vẫn lết đi về phía cửa sổ, tưởng như nhìn thấy điều gì ở đó. Leonard vẫn mỉm cười ngây ngô trên chiếc ghế lăn của mình, mặc kệ cho người mẹ chải tóc, bón ăn. Bà vẫn chăm sóc ông như một đứa trẻ, dù Leonard đã bước qua tuổi 40.



Leonard dừng cuộc sống của mình ở tuổi 11. Đứa trẻ 11 tuổi hiếu động, một ngày nằm trên giường và mãi không đứng lên được, điều cuối cùng nó nói là “ Mẹ ơi, mẹ ơi”, rồi từ đó câm bặt. Leonard đã nằm yên trên ghế 30 năm. Người mẹ già không còn ca thán, bực tức, bà chấp nhận hiện thực, dịu dàng ở bên chăm sóc. Mọi chuyện có lẽ vẫn cứ trôi qua như thế. 

Đến một ngày bác sĩ Malcolm phát hiện ra sự sống nhỏ nhoi bên trong những con người mộng du. Khi Lucy đi về phía cửa sổ bị gọi giật lại, bà liền dừng. Leonard khi đo điện tâm đồ đã có những biểu hiện nhận thức khi được gọi tên. 

Vài bệnh nhân khác đang ngồi yên ắng khi bị ném bóng tới biết đưa tay ra đón. Những biểu hiện ban đầu dấy nên những hy vọng. Bác sĩ cho họ chơi bóng, cho họ nghe nhạc thính phòng, cho nghe truyện, cho họ đánh bài. Dần dần, họ đã có những phản ứng tự nhiên để thoát khỏi trạng thái bất động, trừ Leonard bướng bỉnh vẫn trong u mê.


Vai diễn Leonard ấn tượng này đã từng mang về cho Robert De Niro một giải Nam diễn viên chính xuất sắc của Hội phê bình điện ảnh NewYork năm 1990. Khuôn mặt vô cảm của Leonard, khuôn miệng nhễu ra như chực chảy rãi, đôi mắt lờ đờ, và đôi tay quẹo làm cho người ta mất hết hy vọng vào việc vực lại sự sống của con người này. 

Chỉ bác sĩ Malcolm tin là ông sẽ làm được điều kì diệu, điều mà người mẹ già của Leonard chưa từng nghĩ tới. Nhưng chính bà đã đồng ý cho bác sĩ Malcolm thử loại thuốc mới L-Dopa lên Leonard. Bà muốn lại một lần thấy cậu con bé nhỏ của mình tự chạy trên đôi chân.

Một người tin, nhiều người tin, mọi người tin, và điều kì diệu xảy ra. Đó là sự bí ẩn của luật hấp dẫn vũ trụ và đương nhiên là sự kì diệu của y học. Một đêm tối, Leonard bỗng dưng mở mắt, sự sống động hiện lên trong ánh mắt sáng trong ấy. 

“Bạn đã thức tỉnh” bác sĩ Malcolm mỉm cười. Những người y tá hạnh phúc chào mừng anh lại cuộc sống. 

“Mẹ, mẹ” câu đầu tiên Leonard thốt lên, giống như những lời cuối cùng ông từng nói ở tuổi 11. Bà mẹ của Leonard đã khóc biết bao. Bà biết, bà không cần một cậu con trai thành đạt, giàu có, đơn giản chỉ là cậu con trai biết đi, biết chạy lại phía bà “Mẹ, mẹ”. 

Penny Marshall đã tạo dấu ấn nữ tính của mình lên những đoạn phim đầy xúc động này. Khán giả đã thổn thức. Cũng như khi họ thấy Leonard sững sờ  nhận ra trên khuôn mặt mình, những nếp nhăn, râu xanh, tóc bạc đã ở đó từ khi nào. 30 năm trôi qua trong một giấc ngủ khiến người ta phải hụt hẫng.

Leonard chấp nhận sự thật ấy điềm nhiên. Leonard chỉ sợ giấc ngủ. Ông sợ sau giấc ngủ mình không còn tỉnh dậy nữa. Người mẹ già dịu dàng ngồi bên cạnh, vuốt tóc, bà hát ru “Baby boats of silver blue”

 “Con yêu ơi, hãy chèo thuyền đi. Ra ngoài kia đại dương rộng lớn. Nhưng đừng quên, đừng quên con nhé. Hãy chèo về, chèo về bên mẹ”.

Giọng hát dịu dàng, trầm ấm làm Leonard bật khóc. Ông chìm vào giấc ngủ, để sớm ngủ dậy bắt đầu cuộc sống mới với thế giới hoàn toàn hỗn loạn, kì lạ. Không chỉ Leonard, toàn bộ những con người trong trại tâm thần đều thần kì thức tỉnh. Sự hỗn loạn đáng yêu diễn ra. Ai cũng như hối hả, ngờ nghệch với việc làm quen những điều mới lạ. 

Tôi sẽ làm những việc mình bỏ lỡ” Leonard hớn hở như một cậu thiếu niên tuổi dậy thì. Ông đi học, đi làm, nghe nhạc, xem phim, và hẹn hò. Cô gái xinh đẹp Paula bước vào cuộc đời Leonard trước sự ngỡ ngàng, lo lắng và ghen tị của người mẹ già. 

Bà không tin rằng cậu bé 11 tuổi đã lớn, không còn nằm trong sự ủ ấp của mình. Leonard thức tỉnh, nổi loạn, thử chạy trốn ra ngoài vòng giám sát, chơi với bạn xấu, thử ma túy, vào tù. 

Phản ứng phụ của thuốc làm Leonard ngày càng đau đớn, mất kiểm soát, nóng nảy, run rẩy. Những chấn động trong con người Leonard làm người ta lo lắng liệu điều kì diệu sắp kết thúc?


Điều đó không còn quan trọng khi khán giả nhìn thấy nụ cười của Leonard sau điệu valse với Paula, hay nụ cười của cô y tá Eleanor khi bác sĩ Malcolm mời cà phê. 

Cuộc đời ngắn ngủi này khiến người ta phải làm nhiều hơn những gì mình đang có. Sự vui sướng Leonard khi tỉnh giấc nhắc ta nhớ về sự hạnh phúc khi có một cuộc đời tự do. Khi ta còn có thể chạy nhảy, vui đùa, có công việc, có bạn bè, có gia đình, có nhận thức, mỗi sáng được tỉnh dậy, nghĩ về mọi người, thì hãy tận hưởng. Không bao giờ là quá muộn để thực hiện những điều đã bỏ lỡ.

“Cách tốt nhất để thực hiện giấc mơ là tỉnh giấc” – Paul Valéry

Thông tin về bộ phim:

Tên phim: Awakenings

Đạo diễn: Penny Marshall

Diễn viên chính: Robin William, Robert De Niro

Năm sản xuất: 1990. Thời lượng: 121 phút

IMDB: 7.7/10

Giải thưởng:

3 đề cử Oscar cho Bộ phim hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể hay nhất

Nam diễn viên chính xuất sắc nhất của Hội phê bình phim NewYork dành cho Robert De Niro

>> [Phim hay] Before: Cuộc đời chỉ là một cuộc dạo chơi

Mai Thanh Nga

thunm

Cùng chuyên mục
XEM