Phiên tòa dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu kết thúc sau gần 1.000 ngày

20/08/2021 14:03 PM | Kinh doanh

Phiên tòa xem xét việc có nên dẫn độ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu sang Mỹ để đối mặt với cáo buộc gian lận và âm mưu đã kết thúc sau gần 1.000 ngày.

Bà Mạnh bị cáo buộc lừa gạt ngân hàng HSBC bằng cách xuyên tạc các mối liên hệ giữa Huawei và Skycom, một công ty con bán thiết bị viễn thông cho Iran. Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng hành động của bà Mạnh khiến ngân hàng có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ vì họ tiếp tục thanh toán các giao dịch bằng USD cho Huawei.

Thẩm phán Heather Holmes nói bà dự kiến sẽ quyết định ngày đưa ra phán quyết vào ngày 21-10 sau khi phiên tòa kết thúc hôm 18-8. Bà Mạnh khẳng định bản thân vô tội và các luật sư của bà cũng phủ nhận các cáo buộc của Mỹ.

Cụ thể, luật sư của bà Mạnh phản đối việc dẫn độ vì Mỹ đã lừa Canada khi tóm tắt các bằng chứng chống lại bà và chỉ ra có động cơ chính trị đằng sau vụ bắt giữ. Đáp lại, các công tố viên Canada khẳng định phiên tòa diễn ra 1 cách công bằng và Mỹ có yêu cầu hợp lệ.

 Phiên tòa dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu kết thúc sau gần 1.000 ngày  - Ảnh 1.

Bà Mạnh Vãn Chu trở lại tòa sau khi nghỉ trưa. Ảnh: Reuters

Thẩm phán Holmes chỉ cần tìm được đủ bằng chứng để cho phép dẫn độ. Nếu bị dẫn độ sang Mỹ và bị kết tội, bà Meng có thể đối mặt với án phạt 30 năm tù.

Tuy nhiên, nếu thẩm phán Holmes ra phán quyết dẫn độ, quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay bộ trưởng tư pháp Canada. Nhóm luật sư của bà Mạnh vẫn có thể kháng cáo và do đó, vụ việc có thể sẽ còn kéo dài thêm vài năm nữa.

Điểm mấu chốt trong cáo buộc của Mỹ là bài thuyết trình của bà Mạnh trước các lãnh đạo của HSBC trong 1 cuộc họp ở Hồng Kông vào năm 2013. Bà Mạnh đã đảm bảo với HSBC rằng Huawei không liên quan tới các hoạt động có thể khiến HSBC vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.

Công tố viên Robert Frater đại diện cho chính phủ Canada cho rằng bài thuyết trình của bà Mạnh "gây hiểu lầm rõ ràng" vì không tiết lộ bản chất thực sự của mối quan hệ giữa Huawei và Skycom. Được biết, Skycom là công ty con của Huawei.

Bảo Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM