Phía sau 2 bữa tiệc trị giá 4,6 nghìn tỷ đồng của các ông chủ lớn nhất Đông bán cầu: Đọc, hiểu, bạn sẽ sớm đổi đời
Nếu bạn muốn đeo vương miện, bạn phải chịu được trọng lượng của nó. Không có thành công nào đến một cách tình cờ!
Cách đây không lâu, trên trang mạng xã hội Trung Quốc đã đưa tin về cuộc gặp mặt của các "ông trùm" trong ngành thị trường Internet. Phải nói rằng đó là bữa ăn lớn nhất ở Đông bán cầu mà các ông chủ lớn đều tham gia.
Có người đã dự tính công ty của những ông chủ xuất hiện trong hai bữa tiệc đó có tổng giá trị lên đến 4,6 nghìn tỷ đồng. Nó tương đương với thu nhập GDP một năm của tỉnh Chiết Giang Trung Quốc năm 2016.
Câu chuyện đằng sau những thành công ấy là gì?
Lưu Cường Đông - Tỷ phú thương mại điện tử của Trung Quốc: Vì hút vốn đầu tư mà bạc đầu chỉ qua 1 đêm
Hẳn nhiều người không lạ gì trang mua sắm trực tuyến nổi tiếng Trung Quốc- Jingdong của Lưu Cường Đông. Nhưng để đạt được mức truy cập kỉ lục như vậy, ông cũng từng phải trải qua không ít khó khăn.
Khi còn học đại học, Lưu Cường Đông đã dùng hết số tiền vất vả kiếm được để đầu tư cho một nhà hàng. Nhưng vì ông thiếu kinh nghiệm quản lý và không thể thường xuyên đến nhà hàng, ông nhanh chóng bị lợi dụng. Đầu bếp và nhân viên thu ngân đã cấu kết chiếm đoạt nhà hàng ông từng vất vả gây dựng.
Công việc kinh doanh thất bại sau vài tháng và để lại cho ông khoản nợ lớn. Không còn cách nào khác, ông đành vay tiền của cha để trang trải nợ nần.
Sau nhiều trăn trở, sàn giao dịch thương mại điện tử Jingdong được sáng lập, nhưng nó không hoàn toàn thuận buồm xuôi gió. Năm 2008, sau khi nguồn tài chính đầu tiên được sử dụng hết, Jingdong phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Vào thời điểm đó, kinh tế cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng. Jingdong chỉ như một đứa trẻ mới sinh, không ai dám đầu tư cho một doanh nghiệp còn non nớt không biết đến khi nào mới kiếm được lợi nhuận.
Vì hút vốn đầu tư, Lưu Cường Đông 34 tuổi mà bạc hết tóc chỉ sau 1 đêm.
Ding Lei (Đinh Lỗi) - Ông chủ công ty sản xuất game số 1 thế giới NetEase: Cũng có lúc muốn bán NetEase
Ding Lei, giám đốc điều hành NetEase hay còn gọi là ông chủ điên khùng. Những người không biết, nghĩ rằng Ding Lei là một phù thủy kinh doanh bẩm sinh và sự nghiệp của ông luôn suôn sẻ. Tất cả các trang web và sản phẩm game của hãng được phân phối mạnh mẽ trên toàn thế giới, khó ai bì được. Nhưng trên thực tế, không ai có thể dễ dàng thành công như vậy.
NetEase cũng đã từng đứng bên bờ vực thẳm, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc.
Năm 2001, khi Dotcom sụp đổ, giá cổ phiếu của NetEase trên sàn giao dịch Nasdaq giảm mạnh, xuống mức tối thiểu chỉ còn 53 cents.
Điều đó vẫn không đáng gì, tháng 9 năm 2001, sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ Nasdaq đã từ chối các giao dịch của công ty với lý do báo cáo tài chính đáng ngờ.
Vào thời điểm đó, Ding Lei chỉ mới 31 tuổi, ông đã suy nghĩ rất nhiều đến việc bán NetEase. Tuy nhiên, không ai dám mua vì vướng vào vấn đề kiểm toán tài chính. Ding Lei tuyệt vọng, tìm đến và hỏi Đoàn Dũng Bình (người sáng lập ra BBK) rằng: có thể bán công ty, sau đó lại mở một công ty khác không?
Đoàn Dũng Bình nói: "Chẳng phải bạn đang có một công ty đó ư? Tại sao không cố gắng điều hành nó thật tốt?"
Nghe xong Ding Lei như chợt bừng tỉnh, thử cố gắng xoay chuyển tình thế, đầu tư vào việc phát triển trò chơi trực tuyến "Big Story Westward Journey", đồng thời hợp tác với nhà điều hành để phát triển dịch vụ SMS - "Mạng lưới giấc mơ di động".
Nhờ vậy mới có Đinh Lỗi và NetEase như ngày nay.
Mã Hóa Đằng - Người thành lập tập đoàn Tencent : Vì xoay tiền mà giả gái nói chuyện trên QQ
Nghe đến WeChat và QQ thấy quen quen thì đúng rồi đấy, chúng đều thuộc tập đoàn Tencent. Nhưng khi Tencent vừa mới được thành lập, cuộc sống của ông chủ Mã Hóa Đằng rất khó khăn.
Năm 1998, QQ còn được gọi là QICQ, Mã Hóa Đằng mở mắt ra là nghĩ ngay đến việc làm thế nào để kiếm ra tiền. Ông thường ngồi một mình trong văn phòng suốt cả đêm. Để thu hút người dùng QQ, ông đích thân giả gái đăng nhập QQ để lôi kéo các cuộc trò truyện.
Khi làn sóng của các công ty công nghệ Dotcom tấn công vào năm 2000, Tencent bước vào giai đoạn khó khăn nhất. Với số dư ít ỏi trong tài khoản, cộng với việc liên tục bị đòi nợ, cổ phiểu thì không ai chú ý đến, sản phẩm ông làm ra cũng không mấy khả quan trên thị trường. Mã Hóa Đằng bất lực nghĩ: "Không đủ khả năng để duy trì nó, hay là bán nó đi".
Nhưng ngay cả việc bán QQ cũng là một vấn đề. Người mua chỉ muốn mua độc quyền hoặc mua với giá quá thấp và một số người thậm chí nghĩ rằng nó chỉ là một trò chơi trẻ em.
Khi tiền mặt gần như cạn kiệt, Mã Hóa Đằng phải muối mặt và vay tiền ở khắp mọi nơi. Người ta nói rằng những người quen biết ở Thâm Quyến đều đã bị ông mượn tiền ít nhất 1 lần. Trong số đó, hai người bạn giàu có đã cho ông vay 200.000 và 500.000 nhân dân tệ. Ông hỏi họ rằng liệu có thể sử dụng cổ phiếu của Tencent để trả nợ không, nhưng họ đều từ chối. Một người thậm chí còn hào hiệp nói: "Anh không có tiền thì cứ cầm lấy mà dùng, không trả cũng được, còn cổ phiếu của anh tôi không cần đâu".
Trương Nhất Minh - Người sáng lập công cụ tổng hợp tin tức Toutiao : Nhìn thấy nhà đầu tư là tìm cách thuyết phục đến mất giọng
Toutiao được thành lập vào năm 2012, có hơn 600 triệu người dùng chỉ sau 5 năm và số người dùng hàng ngày lên tới 120 triệu, khiến nó trở thành ứng dụng tin tức năng động nhất trên thiết bị di động.
Ngày nay, Toutiao đã phát triển thành một siêu kỳ lân thực sự, với mức định giá hiện tại là hơn 22 tỷ đô la Mỹ.
Nhưng con đường kinh doanh của Trương Nhất Minh đã từng không thuận buồm xuôi gió. Trước khi thành lập Toutiao, ông là một sinh viên mới tốt nghiệp đại học và đã bắt đầu tập tành kinh doanh bốn lần, nhưng tất cả đều kết thúc trong thất bại. Ngay cả khi Toutiao được sáng lập vào năm 2012, cũng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trong một cuộc phỏng vấn Trương Nhất Minh tiết lộ: "Hơn một năm sau khi thành lập, Toutiao thực sự không khả quan cho lắm."
Trong một tháng, Trương Nhất Minh đã gặp hơn 30 nhà đầu tư để thuyết phục họ, và vì nói quá nhiều nên ông bị mất giọng. Vào thời điểm đó, mỗi lần nhìn thấy nhà đầu tư, ông đều chủ động giao lưu với họ. Ông luôn tự nhắc nhở chính mình: "Hôm nay mình đã làm chưa tốt. Mình chưa thuyết phục được họ. Mình thử nghĩ xem làm thế nào có thể nói rõ cho họ biết mình muốn làm gì."
Wang Xing : 10 năm khởi nghiệp, 9 lần thất bại, 1 lần thành công
Wang Xing là người sáng lập Meituan và cũng là lãnh đạo thực sự sau khi sáp nhập Meituan và Dianping, một dịch vụ cung cấp cho mọi lĩnh vực đời sống.
Wang Xing đến từ tỉnh Phúc Kiến, học Đại học Thanh Hoa năm 1997, từng được gọi là "doanh nhân nhiều xui xẻo nhất trong lịch sử".
Ông là người sáng lập Renren.com, nhưng chưa đợi được trang web này gặt hái được thành công, ông lại tiếp tục ra mắt trang web Weibo đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng bất ngờ đóng cửa, cơ hội bị tập đoàn Sina đoạt mất.
Ngay cả lần thứ ba Meituan được thành lập, nó lại gần như biến mất vào năm 2010. Tháng 6 năm 2010, các đối thủ như Nuomi đã nhận được tài trợ, nhưng lúc này nguồn đầu tư của Meituan vẫn ở rất xa. Trong thời điểm khó khăn nhất, đa số doanh thu của Meituan đã được chuyển cho Nuomi.
Đứng trước giai đoạn đầy áp lực đó, Wang Xing giả vờ bình tĩnh và cố gắng thuyết phục những nhân viên muốn rời bỏ công ty ở lại.
Mãi đến tháng 9 năm 2010, ông mới nhận được khoản đầu tư đầu tiên của Sequoia và Meituan lần đầu vượt qua sinh tử.
Trình Duy: Đã từng bị uy hiếp
Trong ba năm kể từ khi thành lập, Didi (dịch vụ du lịch trên mạng) có 250 triệu người dùng đã đăng ký, với hơn 10 triệu cuộc gọi hàng ngày trong thời kỳ cao điểm, bao trùm 360 thành phố và mức định giá của nó vượt quá 50 tỷ USD.
Nhưng bạn có biết? Khi Didi được thành lập, trong tay Trình Duy chỉ có 800.000 nhân dân tệ. Để Didi có thể vượt qua nhiều phần mềm du lịch khác, anh ấy lúc nào cũng trong tâm trạng lo lắng. Trình Duy đã từng nói rằng anh không có cảm giác an toàn, luôn cảm thấy Didi có thể chết bất cứ lúc nào, ngay cả trong vòng tài chính C.
Vào thời điểm đó, tất cả các nhà đầu tư ở New York đều từ bỏ lời đề nghị đầu tư vì nhiều lý do, và anh ấy đã nhiều lần đến San Francisco để tìm cơ hội thu hút vốn, tuy nhiên các nhà đầu tư đều từ chối.
Không chỉ vậy, sự ra mắt của Didi Express đã động chạm đến miếng cơm manh áo của cánh tài xế taxi. Trụ sở của Didi đã từng bị bao quanh bởi hàng trăm xe taxi, Didi liên tục bị các tài xế taxi phản đối.
Trình Duy từng nói: "Didi như một chiếc xe tốc độ cao. Trên đường chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Bất kỳ sai sót nhỏ nào cũng có thể khiến cho công sức của chúng ta đổ sông đổ biển.".
Nếu bạn muốn đeo vương miện, bạn phải chịu được trọng lượng của nó. Những khó khăn đằng sau thành công của những ông chủ ấy đã chứng minh không ai có thể thành công một cách tình cờ. Không phủ nhận rằng thành công của họ còn có các yếu tố cơ hội và may mắn. Nhưng vì họ là những người không bao giờ chịu thua, ngã ở đâu thì leo lên ở đó, tinh thần dám chiến đấu, đó mới chính là giá trị quý báu mà mỗi chúng ta cần phải học hỏi.
Khi chúng ta ghen tị với sự giàu có và thành tích của các triệu phú, tỷ phú, đừng quên những khó khăn và nỗ lực mà họ đã phải trải qua. Chúng ta cũng phải tự hỏi bản thân đã cố gắng hết mình hay chưa.
Khi làm bất kỳ một việc gì mà đều không dùng tâm, không nỗ lực nhưng vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó bạn có thể trở thành ông chủ, thì đây chỉ là những hi vọng hão huyền mà thôi. Sự khác biệt giữa mọi người không gì khác hơn là sự chăm chỉ, kiên trì và tinh thần không sợ thua.