Phát triển Việt Nam thập niên 2020 có thể học tập gì từ Nhật Bản những năm 1960?

16/11/2019 16:32 PM | Xã hội

Trong những nước có giai đoạn phát triển cao, Nhật là nước phát triển hiệu suất nhất và bao trùm nhất. Giai đoạn 1955-1973, đặc biệt là thập niên 1960 có thể coi là kỳ tích. Vào "đêm trước của thời đại đó" - tức là những năm 1950, theo giáo sư Trần Văn Thọ - đại học Waseda - thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cơ cấu kinh tế của Nhật Bản lúc bấy giờ rất giống Việt Nam ngày nay.

Mở đầu bài phát biểu tại Vietnam Summit in Japan 2019, GS. Trần Văn Thọ đặt câu hỏi: Làm sao để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, bao trùm hơn? Làm sao để tất cả người dân Việt Nam, ai cũng đều có công việc, không phải đi ra nước ngoài tìm việc làm một cách bất đắc dĩ? Làm sao để đẩy mạnh công nghiệp hóa theo chiều sâu và tiến lên cao trong chuỗi giá trị?

Giáo sư đánh giá, trong hơn 50 năm qua, chúng ta đã bỏ lỡ thời cơ nhiều lần, nên hiện nay ta còn một khoảng cách phát triển rất lớn với các nước xung quanh

Ở những năm 1950-1960, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam so với các nước này tính theo ngang giá sức mua không chênh lệch quá nhiều, nhưng sau đó bỏ lỡ thời cơ nhiều chục năm, hình thành một khoảng cách rất lớn.

Giáo sư chỉ ra, trong thời kỳ cận đại, các quốc gia thành công trong việc rút ngắn khoảng cách phát triển thường có một giai đoạn phát triển cao, khoảng trên dưới 10%. Ví dụ như Nhật Bản từ năm 1955-1973, Hàn Quốc từ năm 1982 -1995, Trung Quốc từ năm 1982-2011 là giai đoạn đó.

"Chúng ta chưa có giai đoạn như vậy. Hỏi thử thập niên sắp tới có thể thực hiện được giai đoạn này hay không?" - Giáo sư nói. "Nếu quyết tâm thì có thể thực hiện được!".

Nhật Bản 60 năm trước và Việt Nam hiện nay

Trong những nước có giai đoạn phát triển cao, Nhật là nước phát triển hiệu suất nhất và bao trùm nhất. Giai đoạn 1955-1973, đặc biệt là thập niên 1960 có thể coi là kỳ tích. Vào "đêm trước của thời đại đó" - tức là những năm 1950, theo giáo sư, cơ cấu kinh tế của Nhật Bản lúc bấy giờ rất giống Việt Nam ngày nay.

Nhật Bản từ thời Minh Trị đã muốn theo kịp Tây phương, và giấc mơ đó đã thực hiện được vào năm 1970 khi Nhật Bản đuổi kịp Anh. Quá trình đó cần 100 năm (phản ánh tính thời đại). Từ lúc bắt đầu Minh Trị Duy Tân đến khi đạt mức thu nhập trung bình thấp, Nhật Bản mất 64 năm, đến trung bình cao mất thêm 30 năm, sau đó vì chiến tranh nên có đứt đoạn, nhưng từ đó đến thu nhập cao chỉ mất 10 năm.

Trước thế chiến II, tốc độ phát triển thấp và bằng tốc độ của Anh nên Nhật không thể rút ngắn khoảng cách. Giai đoạn phát triển cao độ 1955-1973 là rất quan trọng. Nhật Bản chuyển từ nước có thu nhập trung bình thấp sang trung bình cao và tiến thẳng lên nước tiên tiến. Thập niên 1960 hầu như toàn dụng lao động, thị trường chuyển từ lao động dư thừa sang thiếu hụt cùng với những nỗ lực thay đổi chất lượng lao động của nền giáo dục, vì thế quá trình công nghiệp hóa đi rất nhanh.

 Phát triển Việt Nam thập niên 2020 có thể học tập gì từ Nhật Bản những năm 1960?  - Ảnh 1.

Và đặc biệt, tích lũy tư bản đóng vai trò quan trọng, giáo sư nhấn mạnh. Tư bản tích hợp với cách tân công nghệ nhằm tăng hiệu quả đầu tư. Thị trường vốn phát triển, nguồn lực vốn được phân bổ có hiệu quả.

Đáng chú ý, tại thời điểm này, công nghệ ở Nhật Bản cũng chủ yếu là du nhập từ nước ngoài. Trong giai đoạn nói trên, tiền nhập công nghệ rất nhiều, tiền xuất công nghệ rất ít. Nhưng doanh nghiệp trong nước lại nỗ lực chọn lựa, cải tiến, ứng dụng vào hoạt động nghiên cứu triển khai R&D rất tích cực nên tỷ lệ R&D/GDP tăng rất nhanh và vượt cả châu Âu, châu Mỹ.

 Phát triển Việt Nam thập niên 2020 có thể học tập gì từ Nhật Bản những năm 1960?  - Ảnh 2.
 Phát triển Việt Nam thập niên 2020 có thể học tập gì từ Nhật Bản những năm 1960?  - Ảnh 3.

Khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp rất tốt, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhờ đó, các doanh nghiệp nhộn nhịp cách tân công nghệ, cả sáng tạo cải tiến giải pháp và sáng tạo sản phẩm mới. Cách tân công nghệ cũng đi song song với đầu tư. Trong quá trình đó, doanh nghiệp tư nhân là chủ đạo và cơ cấu kinh tế dịch chuyển rất ngoạn mục. Đóng góp của năng suất nhân tốt tổng hợp vào TFP rất cao.

 Phát triển Việt Nam thập niên 2020 có thể học tập gì từ Nhật Bản những năm 1960?  - Ảnh 4.

Kỳ tích phát triển nhờ một số cá nhân nổi bật

Bài học gì cho Việt Nam?

Việt Nam hiên đang là nước thu nhập trung bình thấp, lao động dư thừa trong khu vực nông nghiệp và kinh tế cá thể còn rất lớn, tỷ lệ đầu tư không thấp nhưng lại không hiệu quả, kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn nước ngoài, doanh nghiệp trong nước lại không tích cực cách tân công nghệ.

Để làm được như Nhật Bản, Việt Nam cần học cách phát huy tinh thần dân tộc và hình thành năng lực xã hội mạnh mẽ. Các chính trị gia, quan chức, doanh nhân và trí thức phải cùng hướng về mục tiêu theo kịp Tây phương.

 Phát triển Việt Nam thập niên 2020 có thể học tập gì từ Nhật Bản những năm 1960?  - Ảnh 5.

Từ giai đoạn thu nhập trung bình thấp, cần phải có tăng trưởng đột biến kéo dài mới có thể bắt kịp các nước tiên tiến. Nếu chỉ phát triển với tốc độ trung bình hoặc thấp thì sẽ mất thời gian rất dài, và thậm chí là mất cơ hội.

Để phát triển nhanh, giáo sư khuyến nghị cần cải thiện thị trường vốn, đất đai, lao động để các nguồn lực di chuyển đến khu vực có năng suất cao. Khuyến khích du nhập công nghệ kết hợp với phát triển thị trường vốn sẽ giúp thúc đẩy đầu tư theo hướng cách tân công nghệ, tăng năng suất.

Giáo sư cũng lưu ý, chất lượng nguồn nhân lực cao không nhất thiết tương ứng với bậc học cao. Phải chú trọng chất lượng cao ở mỗi bậc học. Để lao động nông nghiệp và khu vực cá thể di chuyển vào công nghiệp, vào khu vực có tổ chức và cần làm tốt các cấp bậc dưới đại học.

Theo Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM