Phát hiện nhiều biến thể Covid-19 nhưng Mỹ không bùng nổ thành đợt dịch thứ 4 nhờ... may mắn

18/05/2021 09:47 AM | Xã hội

Theo tờ New York Times, câu trả lời có lẽ là do... may mắn.

Vào ngày 29/12/2020, chủng virus biến thể B.1.1.7 đang tàn phá nước Anh và lan rộng ở Châu Âu đã được phát hiện tại Colorado-Mỹ. Không dừng lại đó, hàng loạt biến thể khác của dịch Covid-19 cũng được phát hiện tại nhiều nơi trên đất Mỹ, từ những chủng virus biến thể Nam Phi cho đến loại đột biến ở Brazil.

Sự kiện này khiến các nhà khoa học lo ngại về một đại dịch chưa từng có cho nền kinh tế số 1 thế giới khi tốc độ lây lan và độc lực của các biến thể cao hơn thông thường.

Phát hiện nhiều biến thể Covid-19 nhưng Mỹ không bùng nổ thành đợt dịch thứ 4 nhờ... may mắn - Ảnh 1.

Tồi tệ hơn, thời điểm đó việc phân phối vaccine đang gặp nhiều chậm trễ và tờ New York Times đã cảnh báo về một đợt bùng phát dịch lần thứ 4 trên đất Mỹ.

Vậy nhưng điều kỳ lạ là cho đến hiện tại, Mỹ chưa phải chịu một đợt lây lan quá lớn nào nếu không muốn nói số ca nhiễm mới đã giảm. Dù chủng B.1.1.7 chiếm tới ¾ số ca nhiễm mới nhưng Mỹ lại không bùng phát làn sóng lây lan lần thứ 4 như nhiều nước khác.

Số ca nhiễm mới tại Mỹ đã chính thức giảm từ tháng 4/2021 và tình hình hiện nay ít số ca nhiễm hơn 85% so với hồi đầu năm.

"Số ca nhiễm mới khá ít. Chúng tôi trên thực tế ở vào tình cảnh tươi sáng hơn so với dự báo", Chuyên gia Kristian Andersen của Scripps Reseach nhận định.

Hiện chuyên gia Andersen cùng các nhà virus học đang theo dõi khá sát sao diễn biến của các chủng covid-19 biến thể tại Mỹ. Ví dụ như chủng virus được phát hiện tại Brazil hiện đang lây lan ở 17 bang của Mỹ, vậy nhưng tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát mà chưa bùng nổ thành đợt lây lan mới.

Việc Mỹ chống được sự bùng phát lần thứ 4 của đại dịch đang khiến các nhà khoa học khó giải thích. Một số cho rằng chủng B.1.1.7 không kháng được vaccine như nhiều chủng đột biến khác là nguyên nhân khiến Mỹ thành công bởi hàng triệu người dân nước này đã được tiêm chủng. Tuy nhiên lý do thực sự thì chưa ai dám khẳng định.

"Nói thật là tôi nghĩ chúng tôi đã gặp may. Người dân cả nước đã được giải cứu bằng vaccine", chuyên gia Nathan Grubaugh của trường đại học Yale thừa nhận.

Biến chủng nguy hiểm

Sau khi chủng B.1.1.7 được phát hiện vào tháng 12/2020, nhiều biến thể mới của dịch Covid-19 đã liên tiếp được tìm ra tại Mỹ khiến nhiều người lo lắng.

Tháng 1/2021, các nhà khoa học tại bang California đã phát hiện ra 10 biến chủng mới đã lan ra một số bang. Các kết quả nghiên cứu cho thấy những biến thể này có thể kháng phác đồ điều trị bằng kháng thể thông thường trước đó và có tốc độ lây lan nhanh.

Phát hiện nhiều biến thể Covid-19 nhưng Mỹ không bùng nổ thành đợt dịch thứ 4 nhờ... may mắn - Ảnh 2.

Vậy nhưng biến thể này lại giảm mạnh về số ca nhiễm trong tháng 2-3/2021. Tính đến ngày 24/4/2021, chúng chỉ chiếm 3,2% trong tổng số ca nhiễm tại Mỹ, rất nhỏ so với tỷ lệ 66% của chủng B.1.1.7.

Vào tháng 2/2021, biến thể B.1.526 xuất hiện ở New York cùng B.1.1.7 và cả 2 đều lây lan nhanh. Thế nhưng cho đến hiện tại B.1.1.7 lại trở thành chủng lây nhiều nhất trong khi B.1.526 chững lại.

Việc các chủng đột biến của dịch Covid-19 "cạnh tranh" nhau lây lan tại Mỹ và người chiến thắng thuộc về B.1.1.7 đang khiến nhiều nhà khoa học đau đầu bởi chủng đột biến này không kháng vaccine như các biến thể khác.

"Liệu chủng B.1.1.7 có lợi hại hơn những biến thể khác? Thật sự rất khó để nói lúc này", chuyên gia Angela Rasmussen của trường đại học Saskatchewan nói.

Hiện tại Mỹ mới chỉ tiêm chủng cho 35% dân số trong khi ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng là 75%.

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM