Vietinbank không phải bồi thường trong vụ Huyền Như

27/01/2014 14:44 PM | Pháp luật

Sau 21 ngày xét xử, hôm nay (27.1) Hội đồng xét xử Toà án nhân dân TP.HCM đã tuyên án đối với 23 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt 5.000 tỉ đồng do bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978, nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank) cùng đồng phạm thực hiện.

12 giờ 00 phút: Nhiều bị cáo rơi nước mắt khi tòa tuyên án.

HĐXX nhận định, Huỳnh Thị Huyền Như giữ vai trò cầm đầu, là người chủ mưu và thực hiện tích cực các thủ đoạn hòng chiếm đoạt tiền, gây hậu quả nghiêm trọng, không thể khắc phục.

Mặc dù bị cáo thành khẩn, ăn năn hối hận, tích cực giúp cơ quan điều tra, nhân thân chưa tiền án, tiền sự, đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, gia đình có công cách mạng nhưng xét tính chất, mức độ, hậu quả…toà quyết định tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như mức án chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 6 năm tù về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội là chung thân.

Bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) là người giúp sức tích cực cho Huyền Như. Biết Huyền Như giả mạo danh nghĩa Vietinbank để huy động tiền nhưng Tuấn vẫn tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt gần 1.600 tỉ đồng của 3 Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên; 80 tỉ đồng của Công ty CPVT Dầu khí Thái Bình Dương.

Với hành vi phạm tội như trên, toà tuyên phạt Võ Anh Tuấn mức án 20 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cùng phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị cáo Trần Thị Tố Quyên (nhân viên Công ty Hoàng Khải) phải nhận mức án 12 năm tù giam; 

Huỳnh Mỹ Hạnh (chị ruột của Huyền Như, nguyên Phó giám đốc Công ty Hoàng Khải) bị tuyên án 14 năm tù giam vì đã giúp sức đắc lực cho Huyền Như .

Vừa giúp sức cho Huyền Như lừa đảo đồng thời cho Huyền Như vay tiền với lãi suất cao do đó:

Bị cáo Đào Thị Tuyết Dung (nguyên giám đốc Công ty TNHH Dung Vân) phải nhận tổng mức án 10 năm tù giam; 

Nguyễn Thị Lành (nguyên Phó giám đốc Công ty CP đầu tư Phương Đông) nhận án 9 năm tù giam cho cả 2 tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “cho vay lãi nặng”.

Với chức trách là cán bộ quản lý; cán bộ tín dụng; giao dịch viên tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ; Đinh Tiên Hoàng; trong việc thực hiện nghiệp vụ do nể nang, tin tưởng Huyền Như là lãnh đạo nên đã bỏ qua các quy định về cho vay để Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau khi cân nhắc, xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với tội “vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, toà tuyên phạt:

Bị cáo Trần Thanh Thanh (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ Vietinbank chi nhánh TP.HCM) mức án 10 năm tù giam; 

Tống Nguyên Dũng (nguyên nhân viên tín dụng Phòng giao dich Điện Biên Phủ Vietinbank TP.HCM) mức án 15 năm tù giam; 

Bùi Ngọc Quyên (nguyên Phó phòng giao dịch Điện Biên Phủ Vietinbank TP.HCM) mức án 14 năm tù giam; 

Hoàng Hương Giang (nguyên giao dịch viên phòng giao dịch Điên Phủ) mức án 8 năm tù giam; 

Phạm Thị Tuyết Anh (nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ) mức án 15 năm tù giam; 

Đoàn Lê Du (nguyên Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng Vietinbank TP.HCM) mức án 17 năm tù giam; 

Vũ Nguyễn Xuân Tiên (nguyên Phó phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng) mức án 11 năm tù giam; 

Huỳnh Trung Chí (nguyên nhân viên tín dụng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng Vietinbank TP.HCM) mức án 15 năm tù giam; 

Nguyễn Thị Phúc Ngân(nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng) mức án 15 năm tù giam;

Bị cáo Huỳnh Hữu Danh (nguyên nhân viên Ngân hàng VIB chi nhánh TP.HCM) vì không làm đúng trách nhiệm kiểm tra, thẩm định tài sản đảm bảo dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt 180 tỉ đồng tiền vay của Ngân hàng Thương mại Quốc tế chi nhánh TP.HCM. Dù không được hưởng lợi vật chất từ số tiền Huyền Như đã chiếm đoạt nhưng với tội “vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, Huỳnh Hữu Danh phải nhận mức án 17 năm tù giam.

Trong vai trò là Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương, Phạm Anh Tuấn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thỏa thuận, thực hiện việc ký 15 Hợp đồng ủy thác đầu tư gửi tiền để lấy lãi suất cao mặc dù Công ty không có chức năng kinh doanh tài chỉnh, ủy thác đầu tư vốn.

Từ những hợp đồng này Phạm Anh Tuấn hưởng lợi cá nhân hơn 121 tỉ đồng tiền chênh lệch ngoài hợp đồng. Còn công ty Thái Bình Dương bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt mất 80 tỉ đồng. Phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Phạm Anh Tuấn phải nhận mức án 14 năm tù giam.

Cho Huyền Như vay tiền với lãi suất cao hơn 10 lần so với lãi suất quy định nên toà tuyên phạt:

Nguyễn Thiên Lý 2 năm tù giam cộng với mức án 4 năm tù cho một bản án trước đó là 6 năm tù giam; 

Hùng Mỹ Phương 2 năm 2 tháng 10 ngày tù, bị cáo đã chấp hành xong, tuyên trả tự do tại toà; 

Phạm Văn Chí 1 năm tù giam cho hường án treo về tội “cho vay lãi nặng”.

Là cán bộ lãnh đạo, giao dịch viên Phòng giao dịch Võ Văn Tần nhưng vì tin tưởng Võ Anh Tuấn dẫn đến việc bị Huyền Như giả mạo chữ ký chiếm đoạt 50 tỉ đồng. Phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, toà tuyên phạt:

Lương Thị Việt Yên (nguyên Trưởng phòng giao dịch Võ Văn Tần, Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) mức án 7 năm tù giam; 

Hồ Hải Sỹ (nguyên Phó phòng giao dịch Võ Văn Tần) mức án 6 năm tù giam; 

Lê Thị Ngọc Lợi  (nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Võ Văn Tần) mức án 4 năm tù giam.

Ngoài ra, toà buộc bị cáo Huyền Như và Võ Anh Tuấn có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền gần 4.000 tỉ đồng chiếm đoạt của các cá nhân, tổ chức.

Về phần trách nhiệm dân sự, tòa bác bỏ quan điểm của các luật sư cho rằng hợp đồng tiền gửi với ngân hàng này là thật và buộc Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường. 

Ngoài ra, HĐXX cũng đề nghị khởi tố, xử lý tiếp 8 cá nhân khác trong việc giúp Như chiếm đoạt 180 tỉ đồng của VIB. 

Tòa kiến nghị điều tra xử lý hành vi thiếu trách nhiệm của:

Nguyễn Thị Minh Hương, Trương Minh Hoàng (hai phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP HCM) trong việc ký các hợp đồng với ACB; 

Bà Vũ Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Phương Đông trong việc ký 7 lệch chi khống cho Như chiếm đạt tiền của Phương Đông và kiến nghị xử lý thêm một số người cho vay lãi nặng khác.

Tòa cũng kiến nghị Ngân hàng nhà nước làm rõ trách nhiệm của một số cán bộ đã để xảy ra tình trạng sai phạm kéo dài ở Vietinbank; đề nghị cơ quan điều tra xử lý các lãnh đạo khác của ACB và Navibank trong việc cho nhân viên đứng tên các hợp đồng tiền gửi với lãi suất vượt trần

Ngoài ra, HĐXX kiến nghị xử lý bổ xung Bùi Thị Tố Quyên vì hành vi giúp sức cho bị cáo Huyền Như chiếm đoạt 15 tỉ đồng.

Kiến nghị xử lý bị cáo Nguyễn Thị Minh Hương và Trương Minh Hoàng trong việc ký các hợp đồng cho Như.

Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý các ngân hàng huy động vốn với lãi suất vượt trần. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hủy bỏ huy động vốn dễ biến tướng thành đầu tư trá hình, rủi ro cao.

Kiến nghị xử lý lãnh đạo của các ngân hàng Á Châu, Nam Việt vì đã ủy nhiệm cho nhân viên gửi tiền với lãi suất cao.

11 giờ 35 phút: Hầu hết các bị cáo đều thừa nhận tội trạng, duy chỉ có Việt Tiên là không thừa nhận hành vi phạm tội

11 giờ 30 phút: Chủ tọa Nguyễn Đức Sáu nhận định: Hành vi của các bị cáo rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến nhiều khách thể, tài sản của các ngân hàng, gây ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt đời sống xã hội.

Chủ tọa Sáu còn cho rằng đây là thế lực đen trong hoạt đông tín dụng. Vì vậy để lập lại kỷ cương, trật tự trong hoạt động cho vay của ngân hàng nên cần phải có mức án nghiêm khắc.

11 giờ 10 phút: Chủ tọa đề cập đến các bị cáo khác.

Bị cáo Võ Anh Tuấn đã giúp sức bằng cách làm ngơ để Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Trần Thị Tố Quyên là nhân viên của Huyền Như, biết Như giả hồ sơ nhưng vẫn giúp sức cho Như chiếm đoạt tiền.

11 giờ 00 phút: Chủ tọa Nguyễn Đức Sáu tiếp tục.

Cụ thể:

Được sự giúp sức của Võ Anh Tuấn, Huyền Như đã chiếm đoạt 80 tỉ đồng từ Công ty Thái Bình Dương; gần 1600 tì đồng của 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên.

Tổng cộng Huyền Như đã chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng của 9 công ty; 4 ngân hàng và 3 cá nhân.

 Ông Nguyễn Đức Sáu

10 giờ 50 phút: Chủ toạ Nguyễn Đức Sáu đề cập đến Huyền Như.

Chủ tọa Nguyễn Đức Sáu cho rằng, Huyền Như ngoài công việc của ngân hàng, Như còn kinh doanh thêm bất động sản, chứng khoán.

Thời gian bất động sản đóng băng, Huyền Như vay mượn khắp nơi để trả nợ số tiền có khi lên đến hơn 1.000 tỉ đồng.

Đến khi không thể trả nợ, Huyền Như đã tìm cách huy động vốn, làm giả con dấu, hồ sơ, chữ ký  của nhiều cá nhân, công ty...

Có dấu giả, Như đã sử dụng như là phương tiện để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cá nhân, tổ chức là hành vi quá rõ.

10 giờ 45 phút: Tòa bắt đầu tuyên án.

10 giờ 30 phút: Tòa giải lao 15 phút.

10 giờ 10 phút: Do bản án quá dài nên HĐXX đả cho bị cáo Bùi Ngọc Quyên và Đào Thị Tuyết Dung được phép ngồi.

Và hầu hết nhận định của HĐXX gần giống với phần tranh luận của VKS trước đó.

9 giờ 35 phút: HĐXX  bác hầu hết toàn bộ phần bào chữa của luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo.

 Thẩm phán Lê Văn Ban
9 giờ 30: Toà đang nhận định lời bào chữa của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo.
9 giờ 13 phút:  Do bản án được VKS đề nghị quá dài nên chủ toạ Nguyễn Đức Sáu đã nhờ Thẩm phán Lê Văn Ban đọc giúp để thời gian không bị gián đoạn.
9 giờ 10 phút: Nhiều người thân đã bật khóc khi nghe chủ toạ đọc mức án đề nghị của VKS dành cho các bị cáo.
9 giờ 05: Tòa đang nhận định tội trạng của Huyền Như và các bị cáo
Huyền Như khai do bị cuốn vào vòng xoáy mới gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Do đang mang thai nên bị cáo Thiên Lý - phạm tội cho vay nặng lãi được phép ngồi.
Không như mọi hôm, sáng nay, mẹ của Huyền Như đến toà rất sớm để nhìn con lần cuối ở tòa, đồng thời nghe bản án của con.
 Mẹ Huyền Như
Tại tòa sáng nay, Huyền Như thừa nhận tội trạng của mình.
Trước đó, rất nhiều người đã đến tòa để tham dự. 
Trước giờ tuyên án, tòa cho phóng viên báo chí được vào khuôn viên phòng xửa án để chụp ảnh.
Huyền Như hôm nay trông có vẻ khá mệt mỏi.
Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 3.2010 đến tháng 9.2011, do nợ nần chồng chất từ việc kinh doanh nhà đất, chứng khoán, Huyền Như đã thuê người làm giả 8 con dấu của các đơn vị, công ty để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. 
Lợi dụng mối quan hệ, uy tín, Huyền Như đã làm giả các giấy tờ, chứng từ hợp đồng và trả lãi suất cao để huy động tiền của các tổ chức, cá nhân.
Huyền Như có vẻ mệt mỏi 
Từ đó Huyền Như đã lừa 9 công ty; 4 ngân hàng và 3 cá nhân để chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng.
Trong vụ án này, Huỳnh Thị Huyền Như giữ vai trò cầm đầu, là người chủ mưu và thực hiện tích cực các thủ đoạn hòng chiếm đoạt tiền, gây hậu quả nghiêm trọng, không thể khắc phục.

 PV vào tác nghiệp trong sảnh 
Theo Hương Giang

Ảnh bìa: Nghĩa Phạm

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM