An Giang: Một công ty lừa dân, qua mặt cả chính quyền

08/03/2013 09:00 AM | Pháp luật

Không chỉ hứa ảo với hàng trăm hộ dân để lấy sổ đỏ vay tiền ngân hàng, Công ty cổ phần Tân Đức Mạnh (trụ sở tại TPHCM) còn “quỵt” đất công ở xã Quốc Thái, huyện An Phú, An Giang.

Sự việc kéo dài đã hơn năm năm, chính quyền địa phương nhiều lần lên tiếng nhưng không hiểu sao mãi đến nay doanh nghiệp này vẫn bình chân như vại?

Một mũi tên xuyên hai đích

Tháng 8-2007, ông Nguyễn Văn Tấn Đạt, người sống bằng nghề kinh doanh ở chợ Quốc Thái (cũ) vào khu dân cư thương mại Quốc Thái (mới) mua nền nhà (5x17m) với giá 240 triệu đồng để tiếp tục làm ăn. Tuy vướng cảnh tiền vay bạc hỏi nhưng ông hy vọng sau khi xây xong nhà sẽ thế chấp ngân hàng trả nợ dần, bởi theo hợp đồng bán nền, ông thanh toán lần một 80% số tiền; sau sáu tháng đến một năm giao tiếp 20% còn lại thì Công ty Tân Đức Mạnh sẽ cấp sổ đỏ. Tuy nhiên khi nhà cất xong, khổ chủ lại rơi vào thất vọng bởi điệp khúc “hứa thật nhiều rồi thất hứa cũng tương tự” của công ty. Và mãi đến gần hết tháng 2-2013, đã quá năm năm so với thời gian cam kết, ông Đạt vẫn chưa được giao sổ đỏ.

Không chỉ ôm món nợ do không có giấy tờ hợp pháp thế chấp để vay tiền, giờ đây ông Đạt còn phập phồng nỗi lo mất tiền và nhà khi có thông tin công ty đã mang toàn bộ sổ đỏ thế chấp ngân hàng từ nhiều năm qua. Một cán bộ UBND xã Quốc Thái cũng xác nhận điều này.

Tuy nhiên, không chỉ có người dân chân lấm tay bùn mà ngay cả chính quyền địa phương cũng vướng quả lừa khi bị qua mặt, bởi trong số 5.476m2 đất huyện An Phú giao cho Công ty Tân Đức Mạnh, có phần đất công gồm sân vận động và nền chợ cũ. Theo thống nhất, công ty giao xã tìm mặt bằng chuyển đổi để tái thiết sân vận động trong thời gian sớm nhất, thế nhưng dù đã nhiều lần dời vị trí theo yêu cầu song đến nay xã vẫn chưa được phía Tân Đức Mạnh “thông qua”.

Mất “cả chì lẫn chài”

Theo trào lưu thu hút đầu tư, năm 2005 An Giang mời gọi và giao 5.476m2 đất cho Công ty Tân Đức Mạnh do bà Đinh Hoàng Thái Phương làm giám đốc, xây khu dân cư thương mại Quốc Thái theo phương thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Địa phương sẽ tiếp quản nhà lồng chợ (1.221m2,) sau 20 năm, đổi lại công ty được quyền bán 286 nền xung quanh. Thế nhưng trên thực tế không chỉ người dân mua nền mà cả chính quyền cũng đang đứng trước viễn cảnh mất “cả chì lẫn chài”.

Trái với bảng hiệu tiếng nước ngoài (Quốc Thái Market) nhà đầu tư gắn phía mặt tiền, chất lượng bên trong ngôi chợ thấp hơn cả chợ nông thôn vùng ĐBSCL. Không chỉ sử dụng vật liệu kém chất lượng, ngôi chợ còn “đặc biệt” ở chỗ hoàn toàn không có mái để che mưa tránh nắng. Điều này không chỉ khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, ảnh hưởng đến mỹ quan mà còn đẩy chính quyền địa phương vào thế mất trắng.

Theo nhận định của một lãnh đạo huyện An Phú, với tình trạng xuống cấp nhanh như hiện nay, chỉ năm năm tới phần lớn kết cấu của chợ sẽ thành phế liệu. Vì vậy đến thời điểm sau 20 năm khai thác, chính quyền sẽ phải đầu tư số tiền lớn nếu muốn sử dụng tiếp. Tuy nhiên, điều khiến lãnh đạo địa phương lo hơn là trước mỗi kỳ họp quan trọng, chính quyền phải cử người lặn lội lên TPHCM nhờ công ty viết cam kết để làm căn cứ giải trình với cử tri, người dân và đã nhiều lần bị ảnh hưởng từ việc thất hứa.

Trong khi đó, việc kêu cứu lại rơi vào vô vọng. Một cán bộ xã bức xúc: “Có đoàn công tác nào của huyện, tỉnh về là chúng tôi lại lên tiếng cầu cứu, nhưng không hiểu sao đến nay mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ? Nếu không sớm khắc phục, không chỉ cán bộ mất uy tín với dân mà Quốc Thái sẽ mất luôn danh hiệu xã văn hóa vì không có sân vận động”.

Việc Tân Đức Mạnh vẫn “bình an vô sự” trong khi địa phương đang “sốt” khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Liệu đã có ai chống lưng nên doanh nghiệp mới lộng hành đến mức coi thường cả đạo lý và pháp lý?

Theo Thiện Thảo - Văn Hải
Công an

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM