Phải tạm đóng tới hơn 50% điểm bán giữa đỉnh dịch, FPT Retail đã đàm phán và ứng xử với chủ nhà như thế nào?

05/01/2022 20:45 PM | Kinh doanh

Đã có rất nhiều mâu thuẫn đáng tiếc giữa người đi thuê – doanh nghiệp kinh doanh chuỗi bán lẻ và người cho thuê – chủ nhà trong giai đoạn đỉnh dịch vừa qua, như trường hợp của Thế Giới Di Động hoặc Highlands Coffee. Là chuỗi bán lẻ công nghệ - dược phẩm lớn nhất nhì thị trường với xấp xỉ 1.000 cửa hàng và phải tạm dừng hoạt động tới 50% điểm bán, mối quan hệ giữa FPT Retail và chủ nhà đã diễn ra thế nào?

Theo chia sẻ của ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc Trải nghiệm khách hàng - Marketing (CXMO) của FPT Retail trong chương trình CafeTalk số thứ 4 – Làm dâu trăm họ, hiện doanh nghiệp này có 700 FPT Shop và 400 cửa hàng Long Châu. Trong đỉnh dịch thì FPT Shop có khoảng hơn 600 và nếu tính cả Long Châu, có lẽ họ có gần 1.000 cửa hàng.

"Chuỗi nào cũng thế, không chỉ tiền mặt bằng mà chúng ta phải lo lắng về mọi loại chi phí. Làm thế nào – khi khủng hoảng xảy ra, phải tiết giảm càng nhiều chi phí càng tốt. Đó là tinh thần chung. Nhưng nó phải dựa trên sự hợp tình – hợp lý, cả doanh nghiệp – chủ nhà phải đồng thuận với nhau.

Đầu tiên, chúng ta nói về phía chủ nhà: ở giai đoạn đỉnh dịch, chúng tôi tạm dừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan chức năng hơn 50% số lượng cửa hàng. Nghe đóng thì rất đơn giản, nhưng tiền mặt bằng thì mình vẫn phải trả và công ăn việc làm của hơn 8.000 nhân viên trên toàn quốc thì phải làm sao?! Đấy là một bài toán trông đơn giản, nhưng để giải quyết hết sức phức tạp.

Tất nhiên, khi FPT Retail đóng cửa không kinh doanh mặt bằng nào thì chủ nhà đều biết hết. Chứ chúng ta không thể nói dối kiểu ‘có thành không’: ‘Bọn em đóng cửa mặt bằng này rồi, anh/chị giúp bọn em đi’. Nói chung, anh chị chủ nhà đều biết cả. FPT Retail thường tìm cách trao đổi – thương lượng – tìm giải pháp hỗ trợ từ phía chủ nhà, trên tinh thần thông cảm lẫn nhau", ông Ngô Quốc Bảo chia sẻ.

Theo anh Bảo, bất kỳ mô hình kinh doanh nào, thành hay bại đều phụ thuộc rất nhiều vào các stake holder khác nhau. Làm kinh doanh, ai cũng nghĩ tới khách hàng – customer đầu tiên, khách hàng hiển nhiên là một thành tố rất quan trọng. Tiếp đến còn có nhân viên – employee. Thứ 3 là cổ đông – share holder. Thứ tư là partner – với FPT Retail là bao gồm cả chủ nhà và nhà cung cấp. Cuối cùng là xã hội – society.

Trong một bức tranh kinh doanh nói chung, thiên về một vế nào quá thì đều không tốt. Nếu chúng ta quan tâm không đủ đến chủ nhà – một thành tố rất quan trọng trong bán lẻ, sẽ không ổn. Chúng ta phải hài hòa lợi ích của tất cả thành phần trong vòng tròn nói trên.

Các lãnh đạo ở FPT Retail như ông Bảo thống nhất việc cách thỏa thuận và tìm sự thông cảm từ chủ nhà thay vì đơn phương quyết định hoặc cưỡng chế. Nhờ thế, trong đỉnh dịch, rất nhiều chủ nhà đồng ý giảm giá cho họ – tất nhiên mức giảm khác nhau, có người giảm ít và có người giảm nhiều.

Phải tạm đóng tới hơn 50% điểm bán giữa đỉnh dịch, FPT Retail đã đàm phán và ứng xử với chủ nhà như thế nào? - Ảnh 1.

Nhiều cửa hàng của FPT Shop đã phải đóng cửa trong suốt thời gian dịch bệnh cũng như thời điểm đỉnh dịch vừa qua.

"Tuy nhiên, mức giảm của các chủ nhà là vô chừng! Vì mức giảm là tùy vào mặt bằng và chủ nhà. Ví dụ như: có điểm chúng tôi vẫn mở cửa bình thường và số vẫn tăng, nếu xét riêng điểm đấy thì vẫn kinh doanh được; nhưng nếu xét toàn quốc thì công ty vẫn giảm doanh thu và chịu nhiều thiệt hại; FPT Retail vẫn xin nhờ chủ nhà hỗ trợ.

Tất nhiên, những chỗ kinh doanh được, chủ nhà giảm ít hơn, còn những chỗ không kinh doanh được, chủ nhà giảm rất nhiều. Thậm chí, có chủ nhà có tháng không lấy tiền, bởi anh chị rất thấu hiểu sự khó khăn của chúng tôi.

Thành ra, chuyện giảm giá mặt bằng của các chủ nhà bên FPT Retail không có công thức chung. Do đó, chúng tôi cũng không có yêu cầu các Giám đốc vùng phải đi nói chuyện với các chủ nhà cùng 1 công thức chung, vì mỗi một chủ nhà – mỗi một mặt bằng có đặc điểm khác nhau", vị sếp này kể tiếp.

"May mắn là ngay cả trong đỉnh dịch, FPT Retail chưa từng phải đóng cửa bất cứ mặt bằng nào vì lý do chủ nhà".

Ông Bảo cho hay, vì mình cũng là người đi cho thuê nhà, nên rất hiểu câu chuyện này. Ví dụ: chủ nhà mua mặt tiền đấy và phải vay tiền ngân hàng, nếu mình đề nghị người ta giảm nhiều quá thì họ sẽ không có tiền trả lãi ngân hàng. Trong đai dịch, anh cũng giảm giá cho người đi thuê, nhưng mức độ giảm căn này giảm khác căn kia giảm khác, tùy vào tình hình làm ăn – kinh tế của mỗi khách hàng.

Vậy nếu trường hợp chủ nhà không đồng ý giảm đồng nào, thì FPT Retail xử lý ra sao?

"Lúc đó, FPT Retail sẽ xét 2 tình huống: 1. Mặt bằng này, chúng tôi còn kinh doanh tiếp được hay không? 2. Nếu kinh doanh nữa thì liệu mình có thể trang trải được chi phí từng đó hay không? Đối với bất kỳ chuỗi bán lẻ nào, nếu chi phí cao hơn doanh thu ở 1 điểm, thì phải cân nhắc đóng cửa hàng đó và chuyển sang địa điểm khác.

Tuy nhiên, may mắn là trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua – ngay cả trong đỉnh dịch, FPT Retail chưa từng phải đóng cửa bất cứ mặt bằng nào vì lý do chủ nhà", ông Ngô Quốc Bảo khẳng định.

Dù như thế nào, thì FPT Retail cũng luôn làm việc trên cơ sở win – win và luôn cảm thấy biết ơn các chủ nhà vì đã hỗ trợ nhiệt tình trong khoảng thời gian khó khăn vừa qua. Đặc biệt, FRT có được như ngày hôm nay cũng là nhờ những mặt bằng đẹp của các chủ nhà, nên họ luôn luôn tìm cách thương lượng 1 cách hợp lý.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM