Phải chăm vợ ốm suốt 2 năm trong viện, bác tài vẫn chạy xe miễn phí cho bệnh nhân nghèo

11/12/2016 14:03 PM | Sống

Mặc dù phải chăm vợ ốm ở bệnh viện và chạy xe ôm trang trải cuộc sống khốn khó của gia đình thế nhưng gần 2 năm qua, ông Nguyễn Xuân Trường (58 tuổi, quê huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) vẫn tình nguyện chở xe ôm miễn phí cho những bệnh nhân nghèo trong Bệnh viện K.

Vừa chăm vợ ốm vừa chạy xe ôm miễn phí cho bệnh nhân nghèo

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Xuân Trường (58 tuổi, quê ở xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) khi ông vừa chở khách xong. Ngồi nghỉ ngơi và cũng để chờ đợi lượt khách mới ở trong khuôn viên Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội), ông Trường luôn nhận được những lời chào hỏi từ nhiều người xung quanh. Và cũng chính tại bệnh viện này, gần 2 năm qua ông thường xuyên lui tới chở người nhà và các bệnh nhân khoa Nhi, Bệnh viện K đi miễn phí.

Trong câu chuyện, ông Trường cho biết, cuộc sống ở quê khó khăn nên cách đây 15 năm ông phải lên Hà Nội bươn chải với đủ nghề để lo cho 4 đứa con ăn học nên người. Lúc đầu, ông đi kéo gạch, sau làm mắm tép... Cách đây 3 năm, tuổi già cực quá nên ông ra vỉa hè làm xe ôm kiếm sống.

Ban đầu ông Trường lân la đứng bắt khách ở cổng chợ Hà Đông hoặc cổng Bệnh viện K. Cách đây gần 2 năm, ông gặp một người trong nhóm thiện nguyện nhiều lần nhờ chở đồ vào cho các bệnh nhi trong viện K. Cũng từ đây thấy nhiều người thầm lặng làm công việc thiện nguyện, làm phúc cho các cháu khiến ông động lòng rồi cũng bắt đầu tham gia giúp sức.

Gần 2 năm qua, ông Trường tình nguyện chở xe ôm miễn phí cho những bệnh nhân nghèo trong Bệnh viện K.

Ông Trường bảo: "Vào viện thấy hoàn cảnh các cháu cũng thật đáng thương, tôi liền nói rằng khi gia đình hay các cháu có nhu cầu cần đi đâu cứ gọi cho tôi, tôi sẵn sàng chở miễn phí. Thế rồi thông tin cứ lan truyền từ người này qua người khác".

Kể từ đó ngoài công việc chạy xe ôm kiếm sống, ông làm thêm công việc thiện nguyện giúp mọi người. Có những lần ông đang chở khách rất xa nhưng chỉ cần một cú điện thoại của bệnh nhân là ông sẵn sàng xin lỗi khách để chạy về viện K Tân Triều đưa đón họ. Ông chở các bệnh nhân từ viện này sang viện khác, đi lấy thuốc hoặc ra bến xe...

Hằng tuần, ông Trường (ngoài cùng bên phải) cùng các nhóm thiện nguyện phát quà cho các cháu tại Khoa Nhi, Bệnh viện K.

Ông gửi từng món quà tới các bệnh nhi.

"Hầu hết những bệnh nhân cần mình thì toàn là bệnh nhân nghèo. Mà đã mắc bệnh thì giàu cũng thành nghèo. Có những lần đang chạy xe ôm, nhưng bất kì bệnh nhân nào cần tới mình thì mình sẵn sàng xin lỗi khách hàng, cáo lỗi là nhà có việc gấp để về giúp người bệnh. Đặc biệt, ưu tiên cho những trường hợp cấp cứu", ông Trường cho hay.

Ông cũng thật thà kể, nhiều người sau khi nhờ ông chở đã ngỏ ý trả tiền nhưng với những trường hợp trên ông không lấy tiền. "Với tôi giúp được người là mình cảm thấy phấn khởi, hạnh phúc rồi", ông Trường chia sẻ.

Mỗi khi người nhà và bệnh nhân cần đi đâu ông Trường luôn sẵn sàng chở miễn phí.

Dù bận rộn với công việc nhưng ông Trường vẫn chạy ngược xuôi chăm vợ. Trong ảnh là cô Yến, vợ ông Trường đang điều trị tại Viện huyết học và truyền máu Trung ương.

Vừa đi làm nghề xe ôm, vừa giúp đỡ những bệnh nhân khi mọi người cần nhưng ít ai biết rằng người đàn ông này còn một tay chăm lo cho vợ của mình là bà Đào Thị Yến (54 tuổi) đang nằm điều trị tại Viện huyết học và truyền máu Trung ương. Ông Trường cho biết, vợ mình bị bệnh tiểu cầu cao nên phải thường xuyên nằm bán trú tại bệnh viện ở tỉnh Thái Bình hơn 2 năm qua. Cách đây gần 1 tháng do bệnh tình nặng hơn nên bà Yến phải ra Hà Nội điều trị. Cũng chính vì thế cả ngày ông ngược xuôi khắp nơi vừa lo công việc vừa lo chăm sóc vợ ốm.

"Vợ ốm nằm trong viện thi thoảng tôi mới lui qua được. Hàng ngày chủ yếu vẫn chạy xe ôm để trang trải lo tiền để vợ chữa bệnh, ngoài ra còn lo cho con trai đang học nữa. Bên cạnh đó, giúp thêm người bệnh. Vợ con tôi thấy tôi làm công việc giúp đỡ mọi người cũng rất đồng cảm và ủng hộ", ông Trường chia sẻ.

"Khi nào trời còn cho sức khỏe thì khi ấy tôi còn giúp người, với tôi cho đi là hạnh phúc"

Theo ông Trường, suốt gần 2 năm qua kể từ khi chạy xe ôm miễn phí giúp những người bệnh ở Bệnh viện K ông đã chứng kiến nhiều trường hợp thật sự thương tâm. Ông cùng những người bạn trẻ có cùng chí hướng đến tận nơi giúp đỡ các em, dù chỉ vài hộp sữa, hay vài lời nói động viên. Nhiều bệnh nhân tủi thân đến bật khóc khi nhận được những lời chia sẻ của mọi người.

Theo ông Trường, lúc đầu, làm công việc đưa đón bệnh nhân ung thư miễn phí, nhiều người sợ ông lừa đảo, hoặc chẳng tin chuyện có người làm không công như thế. Có những lần, ông Trường còn phải nài nỉ bệnh nhân lên xe mình đưa đi để đỡ mất tiền mà họ còn không tin.

Ông Trường tâm sự với chúng tôi trong lúc nghỉ ngơi.

Nhưng dần dần, nhiều người bệnh cũng hiểu ra công việc thiện nguyện xuất phát từ cái tâm. Thậm chí, nhiều người bệnh còn truyền tay nhau số điện thoại của ông, chỉ cần "alo" một cái, kể cả đêm hôm khuya khoắt, ông vẫn nhiệt tình giúp đỡ, không nề hà bất cứ việc gì.

Suốt hai năm qua, với ông Trường có vô số kỷ niệm đáng nhớ, có nhiều trường hợp các bệnh nhân để lại ấn tượng sâu sắc mà với ông sẽ không bao giờ có cơ hội được gặp và giúp đỡ họ nữa.

"Tôi nhớ năm ngoái có cháu tên Hoài, khoảng 17 tuổi, quê ở Ninh Bình. Cháu bị bệnh ung thư xương phải ra đây điều trị. Hồi đó tôi tình nguyện chở cháu đi tham quan các nơi ở Hà Nội. Đi xong cháu rất vui vẻ và xúc động.

Bác cháu vẫn ngồi trò chuyện với nhau mỗi khi tôi ghé vào thăm. Khi bệnh viện trả cháu về, bác cháu chỉ biết nhìn nhau khóc như mưa. Giờ thì cháu đã vĩnh viễn không còn trên cuộc đời này nữa rồi", ông Trường bùi ngùi kể.

Ông Trường cho biết, bản thân ông không giàu, nhưng ông trời cho ông sức khỏe không bị ốm đau gì, đó mới là quý giá. "Khi mình được ưu ái như vậy thì bản thân mình phải giúp đỡ những người không may bị mắc những căn bệnh vô phương cứu chữa. Đặc biệt là những bệnh nhi, các cháu cũng chỉ nhờ mình một vài lần rồi lại không gặp lại nữa", ông nói.

Ngồi nói chuyện vui vẻ với chúng tôi, ông Trường cười cho biết, ông cho đi không mong nhận lại mà chỉ mong sao giúp được cho người, cho đời là bản thân ông thấy vui vẻ. "Có thể vì tình thương người mà trời lại thương mình, tôi ở trọ mấy năm qua có người giúp không lấy tiền nhà nên tôi không mất tiền thuê nhà. Thậm chí có nhiều lần nhận được quà quê của người nhà các cháu gửi ra tôi thấy rất xúc động", ông Trường nói.

Nói về dự định sau này, ông Trường cho biết, trước mắt còn khỏe ông còn làm công việc này, còn lo cho con trai học hành đến nơi đến chốn. Khi nào không còn sức khỏe nữa thì ông về quê nghỉ ngơi tuổi già.

Theo Định Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM