Phác thảo tương lai công nghiệp Việt Nam: Công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet của vạn vật...

23/03/2017 17:21 PM | Kinh tế vĩ mô

Hôm nay, tại một buổi hội thảo diễn ra tại Hà Nội, các vị chuyên gia đã đưa ra nhiều bàn thảo về tương lai của nền công nghiệp Việt Nam trong tương lai

Hôm nay, tại Hà Nội, buổi họp báo "Công nghiệp sản xuất Việt Nam - hành trình hướng tới ngành công nghiệp 4.0" đã diễn ra. Ở đây các chuyên gia đã đưa ra những bàn thảo về tương lai của ngành công nghiệp Việt Nam.

Trong năm 2016 vừa qua, công nghiệp là lá cờ đầu dẫn dắt tăng trưởng của cả nền kinh tế. Đến những ngày năm 2017 này, công nghiệp cũng được nhắc đến như là một mũi nhọn hàng đầu cần tập trung phát triển của kinh tế Việt Nam.

Được nhắc đến trong thời điểm cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của thế giới đang đến gần, các vị chuyên gia đã mạnh dạn dự đoán một tương lai của công nghiệp Việt Nam, với sự hiện diện mạnh của công nghệ mang tên: nền công nghiệp 4.0.

Ông Isara Burintramart, Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex, chia sẻ báo cáo của công ty kiểm toán PwC rằng: "Thực tế, trình độ sản xuất hiện tại của Việt Nam đang ở giai đoạn 2.0 hoặc Công nghiệp 3.0, sản xuất chính vẫn ở trình độ thấp, lý giải từ việc thiếu hụt các công nghệ mới, thiếu thông tin, kỹ năng, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ"

Tuy nhiên ông vẫn lạc quan rằng: "Nhưng vẫn còn một số yếu tố quyết định khác để giúp các nhà sản xuất trở thành người trong cuộc của kỷ nguyên 4.0"

Công nghiệp 4.0 theo chia sẻ của ông Lê Khánh Tường, Phó Giám Đốc Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt Đức sẽ là nền công nghiệp có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và mạng lưới Internet vạn vật (IoT). Hiện tại ở Việt Nam, những sản phẩm này đã được sản xuất, tuy nhiên mới chỉ ở mức mạnh nha.

Nếu thực hiện thành công, nền công nghiệp 4.0 này sẽ mang lại lợi ích lớn cho các doanh nghiệp. "Các công ty dự tính sẽ có thể giảm chi phí hoạt động 3,6% và tăng hiệu suất 4,1% trong một năm" Ông Isara nói.

Lý giải về tiềm năng của viễn cảnh này, các vị chuyên gia cho rằng hiện có nhiều yếu tố đang cổ vũ cho nền Công nghiệp 4.0 ở Việt Nam như về tính năng động của nền công nghiệp đã được chứng minh trong nhiều năm qua, hay như về sự phát triển mạnh mẽ của Internet tại nước ta.

"Nền sản xuất của Việt Nam đã chuyển từ các danh mục sản xuất truyền thống sang các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn. Trong suốt 10 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng và thay đổi đáng kể của ngành công nghiệp Việt Nam. Hiện nay, công nghiệp Việt Nam vẫn đang có dấu hiệu tiếp tục phát triển, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số" - ông Isara nói.

Đồng thời, Việt Nam cũng đang trong quá trình phát triển kỹ thuật số. Ông Isara Burintramart đề cập đến báo cáo của We Are Social, một cơ quan quốc tế thu thập số liệu thống kê về kỹ thuật số rằng trong năm 2016, có thêm 3 triệu người Việt Nam được sử dụng Internet, tăng con số tổng sử dụng lên 50,05 triệu, chiếm 53% dân số. Chỉ số tăng trưởng là 6%. Số lượng người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội tăng 31% và số người sử dụng mạng xã hội di động tăng 41%.

Với những con số ấn tượng này, triển vọng một nền Công nghiệp 4.0 đang mở ra trong tương lai với công nghiệp Việt Nam. Một ví dụ về doanh nghiệp trong nước mà đã bắt đầu tiếp nhận nền Công nghiệp 4.0 chinh là ô tô Trường Hải. theo như các vị chuyên gia đề cập.

Cụ thể, ở khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai mà Trường Hải, sẽ đưa vào hoạt động năm 2018, công nghệ hàn lazer và công nghệ sơn tân tiến nhất đã được đầu tư. Theo đó, công suất một năm của khu công nghiệp hứa hẹn lên đến 100.000 xe hơi, 100.000 xe tải và 5000 xe bus.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM