Phác thảo chân dung đồng nghiệp tương lai Gen Z: Tài năng nhưng "mong manh dễ vỡ", tìm việc chủ yếu qua internet, thích tự kinh doanh hoặc làm cho startup

12/05/2020 07:05 AM | Kinh doanh

Thế hệ Z – Gen Z hay còn gọi là ‘thế hệ siêu đột phá’ có những mong muốn và tính cách khá gai góc: độc lập và tự tin vào quan điểm cá nhân, tài năng nhưng mong manh dễ vỡ… Họ là thế hệ "gây rối" hoặc tạo đột phá cho nền kinh tế sẽ tùy thuộc vào việc chúng ta hiểu họ bao nhiêu và dùng họ như thế nào.

Trong vài năm tới, thị trường lao động thế giới và Việt Nam sẽ đón một làn sóng lao động mới từ thế hệ Z – gen Z. Vào năm 2025, gen Z sẽ chiếm 25% lực lượng lao động tại Việt Nam. Để giúp các doanh nghiệp và các lãnh đạo trong doanh nghiệp có một cái nhìn toàn cảnh về yếu tố mới trên thị trường lao động này, Anphabe đã tiến hành một cuộc nghiên cứu sâu về thế hệ này.

Gen Z là tên gọi được dành cho các bạn trẻ sinh từ khoảng năm 1998 trở về sau. Ngoài ra có nhiều tên gọi khác như i-gen (từ lúc sinh ra đã có thể sở hữu một sản phẩm bắt đầu bằng chữ i như ipod, ipad, iphone…), thế hệ đa màn hình (có thể vừa nghe nhạc, vừa chơi game, vừa mua đồ trực tuyến...) hay thế hệ 'tắc kè hoa', bởi sự đa sắc màu trong tính cách cũng như phương thức sống, học tập và làm việc.

Nghiên cứu của Anphabe dựa trên các khảo sát diện rộng và các buổi thảo luận chuyên sâu với gần 25.000 bạn trẻ gen Z trên toàn quốc, đến từ 93 trường đại học trọng điểm.

Kết quả nghiên cứu đã trả về 7 thực tế gây sốc và những điểm mù của doanh nghiệp trong chiến lược thu hút nhân tài trẻ.

Thứ nhất, thế hệ Z quá độc lập và tự tin vào quan điểm cá nhân, khiến doanh nghiệp đang mất vai trò định hướng nghề nghiệp

Khác với các thế hệ trước, có tới 81% các bạn trẻ gen Z tự tin cho biết mình rất hiểu rõ bản thân, biết mình thích và không thích làm gì.

Còn xét về yếu tố tác động đến định hướng nghề nghiệp của Gen Z, ngạc nhiên thay, họ chủ yếu chỉ dựa vào sở thích và năng lực cá nhân hơn là những tác động từ yếu tố gia đình và xã hội (như xu hướng chung, điều kiện kinh tế hay lời khuyên của bố mẹ, bạn bè…). Đáng ngại là vai trò của nhà trường và nhà tuyển dụng trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp là rất thấp.

Thực tế gây sốc này cho thấy thế hệ trẻ với mong muốn "tự làm chủ bản thân" sẽ có thể cho các doanh nghiệp ra rìa vì vai trò mờ nhạt trong việc giúp họ định hướng nghề nghiệp.

Thứ hai, gen Z có mong muốn nghề nghiệp rõ ràng và rất nhiều doanh nghiệp đã "lọt" khỏi danh sách mong muốn đó. Nếu có thì độ cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt.

Mê khởi nghiệp, thích tự do và hướng về xã hội, gen Z mong muốn những lựa chọn nghề nghiệp vô cùng mở sau khi tốt nghiệp: 34% sinh viên gen Z sẵn sàng đầu quân cho các công ty start-up hoặc tự kinh doanh riêng; 8% các bạn cho rằng ‘chẳng cần đi làm công ty, làm freelance cũng tốt’; 14% thích làm việc tại các tổ chức phi lợi nhuận, thể hiện khuynh hướng rõ ràng của các ‘nhà hoạt động xã hội tương lai’.

Phác thảo chân dung đồng nghiệp tương lai Gen Z: Tài năng nhưng mong manh dễ vỡ, tìm việc chủ yếu qua internet, thích tự kinh doanh hoặc làm cho startup - Ảnh 2.

Lựa chọn nghề nghiệp của gen Z vô cùng mở.

Trong mắt thế hệ Y hoặc X, các tập đoàn đa quốc gia có hấp lực khó cưỡng; nhưng với các thế hệ Z thì ngược lại. Trong một cuộc khảo sát với định hướng nghề nghiệp cho sinh viên Việt Nam năm 2013, chỉ có 11% muốn làm cho các công ty Việt Nam sau khi ra trường; nhưng trong cuộc khảo sát này, tỉ lệ này là 55%.

Khác với gen Y và gen X rất "mê" làm việc cho các công ty nước ngoài, các bạn trẻ gen Z không ngần ngại chọn công ty nội địa. Việc giới trẻ không còn muốn bó mình trong các lựa chọn truyền thống đặt doanh nghiệp trước thách thức cạnh tranh khốc liệt khi nguồn cung nhân tài ngày càng giới hạn. Theo đó, trên thị trường nhân lực tương lai, không loại hình doanh nghiệp nào có ưu thế tuyệt đối, kể cả các doanh nghiệp toàn cầu.

Thứ ba, gen Z cởi mở với vô vàn lựa chọn nghề nghiệp chẳng liên quan gì đến ngành học, vì thế doanh nghiệp sẽ "đụng" phải vô vàn đối thủ cạnh không ngờ đến

Khác với các thế hệ trước là "nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa"; với thế hệ Z, quảng cáo - truyền thông và giải trí mới chiếm "ngôi vương" trong những ngành hấp dẫn nhất với sinh viên tất cả ngành học, kể cả những ngành như IT hay kỹ thuật. Kế đó là ngành ẩm thực - nghỉ dưỡng, nằm trong top 5 điểm đến hấp dẫn của 7/10 nhóm sinh viên tại các nhóm ngành.

Lo ngại các lựa chọn này có thể thay đổi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Anphabe đã thực hiện thêm 4 phiên thảo luận tập trung (focus group). Tuy nhiên, điều thú vị là bất chấp sự cố bất ngờ dịch bệnh, họ vẫn không thay đổi lựa chọn. Rõ ràng, chính sức hút của "sự sáng tạo, đổi mới nhanh và cơ hội được giao tiếp với nhiều người" của các nhóm ngành nói trên chính là những gì mà Gen Z mong đợi ở môi trường làm việc sắp tới.

Chính vì vậy, doanh nghiệp sẽ bị mất nhân tài mục tiêu cho rất nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành đang lên như quảng cáo - truyền thông và giải trí, chứ không chỉ trong ngành kinh doanh truyền thống của mình nữa.

Thứ tư, với gen Z, internet là chân lý; trong khi sự hiện diện online của các doanh nghiệp là rất hạn chế

Với đặc trưng của một công dân internet, gen Z thường săn lùng công việc chủ yếu qua online. Với họ: "không biết thì hỏi Google, chưa rõ thì tra Youtube", nên khi lựa chọn công ty, gen Z sẽ tự tìm kiếm và đặt niềm tin gần như tuyệt đối vào thông tin trên mạng và đánh giá của cộng đồng, cao hơn rất nhiều so với tư vấn từ bạn bè, anh chị đi trước hay người thân bên cạnh.

76% ứng viên chia sẻ là mình tìm kiếm thông tin việc làm trực tiếp online, tiếp theo mới đến hỏi bạn bè và anh chị đi trước trong trường đại học – 59%, từ gia đình – họ hàng chỉ có 42%. Những trang mạng xã hội hoặc cộng đồng online về việc làm có tác động rất lớn đến định hướng nghề nghiệp của gen Z, ví dụ: trang Sinh viên và chuyện đi làm có hơn 56.000 người theo dõi, YBOX – Kênh thông tin chất lượng cao của giới trẻ và sinh viên Việt Nam có hơn 343.000 lượng thích.

Phác thảo chân dung đồng nghiệp tương lai Gen Z: Tài năng nhưng mong manh dễ vỡ, tìm việc chủ yếu qua internet, thích tự kinh doanh hoặc làm cho startup - Ảnh 3.

Các cộng đồng việc làm trên internet có tác động lớn đến sự lựa chọn của các bạn gen Z.

Thế nên, nếu không hiện hữu và xây dựng được ‘quyền lực online’ thì khả năng tác động tới thế hệ Z của doanh nghiệp sẽ rất giới hạn. Đã đến lúc doanh nghiệp cần chuyển đổi số cả công việc tuyển dụng.

Thứ năm, doanh nghiệp đầu tư nhiều nhưng "chỗ thừa, chỗ thiếu" và dù cố gắng nhưng vẫn chưa chạm vào nhu cầu khai phá nghề nghiệp của phần đông gen Z

Dù có tới 40% sinh viên từ năm đầu đã tích cực tham gia các hoạt động gặp gỡ nhà tuyển dụng và xây dựng trải nghiệm đi làm, nhưng theo đánh giá của họ về các hoạt động thu hút nhân tài của các công ty là rất hạn chế.

Cụ thể: sinh viên nhóm ngành y dược, kiến trúc - thiết kế - xây dựng đánh giá các hoạt động của doanh nghiệp rất thiếu và yếu; nhóm sinh viên nông - lâm - ngư nghiệp và điện - điện tử - viễn thông - tự động hóa cho rằng có nhiều hoạt động hỗ trợ từ DN nhưng hiệu quả chưa tốt; nhóm sinh viên ngành khoa học tự nhiên – khoa học xã hội và nhân văn cho rằng dù có chất lượng tốt nhưng cần phải có thêm nhiều hoạt động.

Ngược lại, ở nhóm ngành kinh tế, tài chính – ngân hàng, IT và kỹ thuật cơ khí công nghiệp lại chứng khiến hàng trăm doanh nghiệp cùng lúc "ưu ái" cả về số lượng và chất lượng hoạt động, điều này dẫn đến cạnh tranh rất cao.

Tóm lại, nếu khả năng tác động tới định hướng nghề nghiệp ban đầu của gen Z là khá khó do đây thế hệ rất "cứng đầu & bướng bỉnh trong suy nghĩ", nhưng cơ hội "chạm" tới họ thông qua sự hiện diện online và các hoạt động  khai phá nghề nghiệp offline chuyên nghiệp là có. Tuy nhiên, để "quyến rũ" gen Z, thế hệ đòi hỏi cao theo cách riêng của họ, thì ngoài việc đầu tư bài bản về lượng, chắc chắn phải có sự hấp dẫn về chất .

Thứ sáu, sự bất đồng trong ‘thước đo năng lực’ mà doanh nghiệp đang hoạch định với những gì gen Z đang có và cần

Khi đo lường trên khung năng lực mà các doanh nghiệp yêu cầu ứng viên phải có khi đi làm, chỉ dưới 50% sinh viên gen Z thực sự tự tin là mình có tất cả các tiêu chí từ kỹ năng quản lý bản thân, tương tác, kiến thức căn bản và chuyên môn cho đến kỹ năng quản lý đội nhóm.

Còn theo một khảo sát của LinkedIn cũng tiết lộ một nghịch lý thú vị: "Có đến 76% gen Z cho rằng những kỹ năng cần thiết trong tương lai rất khác so với những gì mà các nhà tuyển dụng đang vẽ ra".

Thực tế gây sốc này cho thấy tình trạng ‘đồng sàn dị mộng’ trong nhu cầu của doanh nghiệp và năng lực thực tế của ứng viên gen Z: trong khi doanh nghiệp yêu cầu một đằng, gen Z tự tin một nẻo. Rõ ràng, có một khoảng cách lớn giữa "thước đo năng lực" mà doanh nghiệp đang hoạch định với những gì gen Z đang có và nghĩ rằng họ cần.

Phác thảo chân dung đồng nghiệp tương lai Gen Z: Tài năng nhưng mong manh dễ vỡ, tìm việc chủ yếu qua internet, thích tự kinh doanh hoặc làm cho startup - Ảnh 4.

Tình trạng ‘đồng sàn dị mộng’ trong nhu cầu của doanh nghiệp và năng lực thực tế của ứng viên gen Z

Thứ bảy, thế hệ Z "tài năng nhưng mong manh dễ vỡ" chắc chắn sẽ tạo ra những thách thức về quản lý

Những phân tích về thái độ cho thấy hình ảnh rất đối lập khi gen Z là thế hệ thích học hỏi nhưng lại ngại bị phê bình; làm việc trách nhiệm nhưng điểm yếu là không chịu được áp lực; thích nghi nhanh nhưng lại ít thoải mái nếu có quá nhiều thay đổi. Do đó, thách thức đặt ra cho người sếp của thế hệ này phải rất "đa chiêu" mới có thể cân bằng giữa các điểm mâu thuẫn đối lập thì mới tránh được các đổ vỡ đáng tiếc.

"Tóm lại, với 7 thách thức vừa kể trên, chắc chắn sẽ có những khó chịu về cách quản lý, xung đột trong kiến thức, văn hóa cho đến cách thức hợp tác và nhiều thực tế gây sốc hơn. Nhưng thay vì ngồi đó và tiếp tục quan ngại, doanh nghiệp có thể sẵn sàng cho tương lai bằng việc thay đổi góc nhìn. 

Nếu biết tận dụng thì chúng ta có thể có những cơ hội nhanh và sáng tạo hơn, chuyển đổi cũng như số hóa môi trường làm việc, tạo điều kiện để trui rèn ra một đội ngũ lãnh đạo thế hệ mới ứng biến với VUCA (VUCA leadership) và từ đó xây dựng một đội ngũ năng động, hòa hợp hơn.

Gen Z là thế hệ "gây rối" hoặc tạo đột phá cho nền kinh tế sẽ tùy thuộc vào việc chúng ta hiểu họ bao nhiêu và dùng họ như thế nào!", bà Thanh Nguyễn – Giám đốc điều hành Anphabe kết luận.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM