PGS.TS Trần Đình Thiên: Tại sao thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương tăng vượt trội so với các “quán quân” FDI?

31/05/2021 13:28 PM | Xã hội

Đánh giá về việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở các địa phương, ông Trần Đình Thiên trăn trở: “Nhìn chung, tôi thấy cách tiếp cận thu hút đầu tư FDI của các địa phương, kể cả các tỉnh khá, vẫn còn nhược điểm rõ rệt. Đó là chưa quan tâm đầy đủ đến chất lượng FDI”.

Khi được hỏi về một hình mẫu địa phương tiêu biểu về thu hút FDI, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã lựa chọn Bình Dương. Chia sẻ với Trí Thức Trẻ, chuyên gia này cho rằng: "Thành công của Bình Dương là một bài học cần phân tích thấu đáo hơn trong việc so sánh với các địa phương thu hút FDI cao khác".

 PGS.TS Trần Đình Thiên: Tại sao thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương tăng vượt trội so với các “quán quân” FDI?  - Ảnh 1.

Chính phủ từng nhấn mạnh vai trò, quyền và trách nhiệm của địa phương trong sự phát triển của chính mình. Theo ông, sự trao quyền này có tác động như thế nào đối với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở các địa phương?

Ở Việt Nam, trung ương trao quyền rất mạnh cho địa phương trong việc thu hút và sử dụng FDI. Có thể nói, Việt Nam nằm trong nhóm "mở" nhất trong lĩnh vực này.

Nếu như 15-20 năm trước, "quyền quyết" của địa phương đối với các dự án FDI chỉ giới hạn ở các dự án vài triệu đô trở xuống thì giờ đây, quyền đó được mở rộng lên tới những dự án quy mô hàng trăm triệu đô.

Việc trao quyền như vậy đã mở không gian chủ động cho các địa phương trong việc thu hút nguồn lực phát triển. Nhiều tỉnh đã bứt lên, tiến vượt khởi đầu chính từ sự thay đổi cơ chế quan trọng này. Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu ở phía Nam, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc ở phía Bắc là những ví dụ điển hình.

Vai trò đó cũng được khẳng định trên bình diện toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, mọi thứ đều có hai mặt. Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về Đầu tư nước ngoài (8/2019) đã chỉ ra hàng loạt vấn đề "bất ưng", thậm chí là "nghiêm trọng" trong hoạt động thu hút và sử dụng FDI thời gian qua.

Không cần thiết phải nêu lại toàn cảnh tình trạng "có vấn đề" đó ở đây. Điều cần nhấn mạnh là nguyên nhân của nó mà trong đó, theo Nghị quyết 50 Bộ Chính trị, "nguyên nhân chủ quan là chủ yếu". Và dĩ nhiên, trong tổng thể nguyên nhân này, cơ chế "phân cấp, trao quyền" cũng "đóng góp xứng đáng".

Có thể nói vắn tắt thế này: việc trao quyền trở thành "động lực mạnh mẽ" thúc đẩy xu hướng "cạnh tranh cùng xuống đáy" trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài giữa các địa phương.

Cụ thể là thế nào, thưa ông?

Trong bối cảnh khan hiếm vốn, lãnh đạo các địa phương phải chịu áp lực rất mạnh của cái gọi là "chủ nghĩa thành tích", năng lực quản trị phát triển còn hạn chế của đội ngũ cán bộ địa phương...

Khi được "trao quyền", các địa phương sẽ "phải tự động" chấp nhận kiểu cạnh tranh "cùng xuống đáy". Khi đó, việc cạnh tranh thu hút FDI giữa các địa phương sẽ biến thành cuộc cạnh tranh "ưu đãi" cho các nhà đầu tư "ngoại". Địa phương nào dành nhiều ưu đãi, "thông thoáng" hơn trong các điều kiện ràng buộc thì dễ được nhà đầu tư chọn vào.

 PGS.TS Trần Đình Thiên: Tại sao thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương tăng vượt trội so với các “quán quân” FDI?  - Ảnh 2.

Vậy là để giành phần thắng trong cạnh tranh, phải chấp nhận trả "giá" cao, đánh đổi lợi ích. Địa phương sẽ tăng được GDP, tạo thêm việc làm (nhưng thường là việc làm chất lượng thấp và tiền công thấp), ngân sách có tăng lên nhưng không nhiều do phải trả cho "ưu đãi".

Nhưng đổi lại là những tổn thất dài hạn, sự yếu kém cơ cấu và các hệ lụy tai hại về cơ chế cho nền kinh tế địa phương và cả nước. Không phải ngẫu nhiên mà bên cạnh "đóng góp to lớn" của khu vực FDI, chúng ta lại có con số 60-65% số doanh nghiệp FDI báo lỗ kéo dài nhiều năm, từ 5-7 năm trở lên. Thêm nữa là công nghệ thấp, ô nhiễm môi trường cao, hầu như không lan tỏa phát triển, gây méo mó môi trường kinh doanh...

Đây chính là mặt bên kia của bức chân dung FDI mà cơ chế phân cấp phân quyền không đồng bộ, nhiều sơ hở góp phần tạo ra trong hàng chục năm qua. Đến đây, cần nhấn mạnh: nguyên nhân chủ yếu của tình trạng đáng báo động nói trên là ở cơ chế, chính sách của chúng ta, đúng như Nghị quyết 50 khẳng định, chứ không phải do phía nhà đầu tư nước ngoài "có động cơ không trong sáng" gây ra.

Việc quan tâm chưa đầy đủ đến chất lượng FDI sẽ để lại hệ lụy như thế nào?

Lợi thế lao động rẻ cũng có nghĩa là áp lực tạo việc làm và thu nhập cho người nghèo rất lớn. Ta theo định hướng XHCN, không thể không ưu tiên lo cho dân. Vì thế, trong nhiều năm, chúng ta phải lo tạo việc làm cho lực lượng lao động đông đảo nhưng chất lượng thấp, lo tăng trưởng GDP nhanh, lo tăng thu Ngân sách.

Những mục tiêu đó không sai nhưng không đủ. Về dài hạn, nếu cứ chăm chăm vào mấy mục tiêu nặng về "lượng" đó sẽ bị lệch và sai về chiến lược. Cứ mải miết quảng bá "lợi thế lao động rẻ", chỉ lo "tận dụng tối đa" lợi thế tĩnh ngắn hạn của lao động mà quên đi khía cạnh bất lợi thế chiến lược của nó thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại. Nền kinh tế có thể tiến lên về sản lượng, song sẽ duy trì lâu đẳng cấp phát triển thấp; doanh nghiệp Việt chậm cải thiện năng lực cạnh tranh; còn người lao động Việt "sẽ già trước khi giàu".

 PGS.TS Trần Đình Thiên: Tại sao thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương tăng vượt trội so với các “quán quân” FDI?  - Ảnh 3.

Theo logic đó, những địa phương thu hút FDI nhiều về quy mô, số lượng có thể tiềm ẩn những nguy cơ chiến lược. Tôi có thể nêu ví dụ. Khi nhận định "đa số FDI vào Việt Nam chất lượng thấp", trong khi "chu kỳ sống" của một dự án FDI tầm 20 – 30 năm, thậm chí 40 năm, thì điều đó có nghĩa là ta phải chung sống với một cấu trúc kinh tế "tầm thấp" kéo dài 20 – 30 năm hoặc hơn. Nếu đa số dự án đó còn làm ăn thua lỗ - mà thực tế của Việt Nam đang được thống kê như vậy - thì tổn thất trực tiếp càng lớn.

Thật sự đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao Việt Nam lại cho phép các doanh nghiệp FDI thua lỗ kéo dài tiếp tục được kinh doanh, thậm chí mở rộng nhiều lần hoạt động của mình. Tôi không thấy có nền kinh tế thị trường bình thường nào mặc nhiên chấp nhận tình trạng này. Vậy chả lẽ nước ta là thiên đường cho các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn kém cỏi? Đây thật sự là vấn đề thực sự nhức nhối.

Việt Nam không phải, không thể là mảnh đất dành cho các nhà đầu tư kém cỏi, ngu dốt, kinh doanh lỗ triền miên, hay những kẻ lừa dối, kiếm chác. Việt Nam là đất nước nhân ái, mở cửa, hào phóng, nhưng không thể để người dân thiệt thòi khi phải "cung phụng" vô lối cho những kẻ đầu cơ sự nghèo đói.

 PGS.TS Trần Đình Thiên: Tại sao thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương tăng vượt trội so với các “quán quân” FDI?  - Ảnh 4.

Nếu chọn một hình ảnh địa phương tiêu biểu trong thu hút FDI những năm gần đây, ông sẽ chọn địa phương nào?

Mỗi nơi có cách tiếp cận riêng, nhưng đứng về tổng thể thì hình ảnh tốt nhất có lẽ là tỉnh Bình Dương.

Bình Dương đã khởi đầu hệ thống khu công nghiệp theo cách mới, trên nền tảng xây dựng một chính quyền tận lực phục vụ các nhà đầu tư, "xin cơ chế tốt chứ không xin ưu đãi hay trợ cấp". Điển hình phải kể đến VSIP, là loại hình KCN mới mẻ so với các địa phương khác. Dòng vốn FDI vào Bình Dương mạnh và chất lượng FDI nói chung khá cao.

Còn nhiều tỉnh khác cũng thu hút FDI tốt như Đồng Nai, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… Tôi gọi đây là những "quán quân" thu hút FDI. Mỗi tỉnh đều nỗ lực tạo lợi thế hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, song họ có điểm chung là đều nỗ lực cao độ để cải thiện các điều kiện nền tảng như hạ tầng, nhân lực và nâng cao năng lực bộ máy.

Mới đây, theo khảo sát về mức sống năm 2020 của Tổng cục Thống kê, Bình Dương là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, cao hơn cả TP. HCM và Hà Nội. Đây có phải là kết quả của việc thu hút đầu tư nước ngoài thành công và tạo được nhiều việc làm không?

Chắc chắn FDI là một phần mấu chốt để giải thích thành tích thăng hạng "thu nhập đầu người" của Bình Dương vừa rồi.

 PGS.TS Trần Đình Thiên: Tại sao thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương tăng vượt trội so với các “quán quân” FDI?  - Ảnh 5.

Liên tục trong nhiều năm, Bình Dương nằm trong "top" đầu thu hút FDI. Nhờ đó, Bình Dương duy trì được tốc độ tăng trưởng cao liên tục, thu hẹp nhanh khoảng cách thu nhập với các địa phương đi trước. Đặc biệt, mấy năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội suy giảm khá mạnh. Điều đó tạo cơ hội cho Bình Dương bứt lên vị trí dẫn đầu.

Phải nói Bình Dương có sức vươn mạnh và bền - nhờ theo đuổi một chiến lược phát triển có tầm nhìn vượt trội, được thiết kế bài bản, được thực thi bằng một bộ máy có tính chuyên nghiệp cao, đặc biệt ở khía cạnh phục vụ doanh nghiệp. Riêng trong việc thu hút FDI, Bình Dương thường xuyên nâng cấp tiêu chuẩn và điều kiện đầu tư, do đó, chất lượng FDI liên tục được cải thiện, kéo theo thu nhập lao động tăng lên.

Nhân đây, tôi cũng xin lưu ý một "thực trạng có vấn đề": ở tất cả các tỉnh thu hút nhiều FDI đều có mức chênh lệch rất lớn giữa GRDP và Thu nhập bình quân đầu người. Tỉnh nào thu hút FDI càng nhiều thì mức chênh lệch càng lớn. Bình Dương và Bắc Ninh là 2 địa phương giữ ngôi vị cao nhất về độ chênh lệch. Lý do là phần thu nhập lao động trong GRDP thấp trong khi phần chủ đầu tư FDI được hưởng lại rất cao. Trong giai đoạn đầu, khi nền kinh tế còn nghèo, trình độ lao động còn thấp, tương quan phân phối này là tất yếu. Nhưng ở ta, việc kéo dài mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn đầu tư và lao động rẻ tiền thực sự là nguy cơ phải được loại bỏ sớm.

 PGS.TS Trần Đình Thiên: Tại sao thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương tăng vượt trội so với các “quán quân” FDI?  - Ảnh 6.

Về nguyên tắc, mô hình tăng trưởng và phát triển của Bình Dương chưa vượt qua được cấu trúc nói trên. Nhưng Bình Dương đang nỗ lực cải thiện tình hình. Từ khoảng 10 năm trước, Bình Dương đã chuyển hướng phát triển từ FDI công nghiệp trình độ thấp, với các khu công nghiệp "kiểu cũ", sang phát triển Tổ hợp Đô thị - Công nghiệp - Dịch vụ hiện đại, với định hướng "thông minh", tạo sức hấp dẫn lực lượng đổi mới, sáng tạo, phát triển ngành nghề thu nhập cao và các nhà đầu tư lớn.

Đó sẽ là cơ sở để tỉnh có thể giữ vững ngôi vị quán quân về thu nhập lao động. Do vậy, tôi cho rằng thành công của Bình Dương là một bài học cần phân tích thấu đáo hơn trong việc so sánh với các địa phương thu hút FDI cao khác.

Còn có nhiều địa phương thu hút FDI vào việc sản xuất các sản phẩm có thể là công nghệ cao, nhưng khâu sản xuất ở địa phương đó lại là khâu có giá trị gia tăng thấp như lắp ráp. Nhiều khi, ta dành ưu đãi cho họ, nhưng họ lại khai lỗ triền miên. Số doanh nghiệp FDI khai lỗ tới 50-60%, từ 5-7 năm trở lên. Ta phải có chính sách rõ ràng, là họ làm gì thì làm, nhưng đến một thời hạn dứt khoát phải đóng thuế, chứ không phải cứ lỗ là không phải nộp thuế.

 PGS.TS Trần Đình Thiên: Tại sao thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương tăng vượt trội so với các “quán quân” FDI?  - Ảnh 7.

Gần đây, một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã vươn lên mạnh mẽ về thu hút FDI nhờ các dự án năng lượng. Có ý kiến cho rằng vị trí dẫn đầu khu vực này khó tồn tại lâu dài sau khi các dự án năng lượng bão hòa và đại dịch kết thúc. Ông nghĩ gì về điều này?

Xét trong tương quan chung, tôi đồng ý với nhận định trên. Nhưng tôi nghĩ đó không phải là một nhận định bi quan. Có thể không dẫn đầu về thu hút FDI, song sức hấp dẫn đầu tư của vùng này đang và sẽ tiếp tục tăng. Vả lại, như đã nói ở trên, lượng đầu tư lớn không phải là yếu tố quyết định bảo đảm lợi ích chiến lược.

Thật ra, sản xuất năng lượng cũng là sản xuất. Các nhà đầu tư đang quan tâm đến vùng ĐBSCL là vì vùng có lợi thế đặc biệt trong lĩnh vực này. Lợi thế này trước đây chưa được phát hiện. Bây giờ, "người đẹp" đã thức dậy rồi.

Vấn đề đặt ra là lợi thế vùng đã được đánh thức, song duy trì được bao lâu? Tương lai của vùng tùy thuộc khá nhiều vào việc trả lời câu hỏi này.

HIện nay, tuy ĐBSCL ít có lợi thế trong việc phát triển công nghiệp truyền thống, đang bị "trói" khá chặt vào lợi thế sản xuất lương thực và nông nghiệp, song đó không thể là "định mệnh" phát triển của vùng.

 PGS.TS Trần Đình Thiên: Tại sao thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương tăng vượt trội so với các “quán quân” FDI?  - Ảnh 8.

Rõ ràng là triển vọng dài hạn của vùng ĐBSCL phụ thuộc vào sự thay đổi cơ cấu phát triển (ngành). Do đó, điểm mấu chốt là khả năng "mở biên" tư duy và chính sách của vùng và cho vùng. Hiện nay, mới chỉ mấy chục trụ điện gió ven bờ cũng đã làm thay đổi sâu sắc cả diện mạo lẫn cách tư duy phát triển của vùng. Nếu mở tầm nhìn vùng, ví dụ ra các dự án điện gió trên biển, thêm vào chuỗi các đô thị hiện đại thì chắc chắn sẽ xác lập được một chiến lược phát triển mới về cấu trúc và có sức hấp dẫn đầu tư mạnh mẽ.

Điều kiện và năng lực phát triển của vùng đang thay đổi nhanh chóng. Có thể vài năm nữa, ĐBSCL lại phát hiện ra những lợi thế mới, giống như Ninh Thuận đã nhanh chóng đổi đời từ việc biến những bất lợi thế phát triển truyền thống thành những lợi thế phát triển hiện đại. Mọi thứ tùy thuộc vào sự thay đổi cách tiếp cận phát triển đang được nung nấu ở vùng này.

Để có đủ năng lực đón dòng vốn FDI chất lượng cao, bản thân địa phương cần chuẩn bị cho mình ra sao?

Theo yêu cầu của chiến lược FDI mới, tới đây, Việt Nam phải chuyển trọng tâm vào thu hút FDI chất lượng cao, cũng có nghĩa là những nhà đầu tư tốt. Nhưng muốn vậy, phía ta phải bảo đảo những điều kiện chất lượng cao cho họ. Tổ chim sẻ không thể thu hút được đại bàng là như vậy. Địa phương nào "lèm nhèm" về thể chế, yếu kém về nhân lực và hạ tầng kết nối thì chỉ mời gọi được những nhà đầu tư "lèm nhèm" thôi.

Muốn kéo những nhà đầu tư tốt thì ta phải chuẩn bị "tổ đại bàng". Tức là trước hết thể chế phải tốt, phải đàng hoàng, minh bạch.

Thứ hai, nguồn nhân lực phải tốt. Nếu lao động chỉ biết mỗi lắp ráp với gia công thì làm sao mời những nhà đầu tư tốt, những nhà đầu tư phần mềm kinh tế số hay sản xuất những sản phẩm tinh xảo hoặc những nhà đầu tư đầu chuỗi vào được?

Địa phương muốn kéo FDI tốt thì phải đánh giá được khả năng thu hút nhân lực của mình. Khi đó, hẵng kêu gọi FDI, cho "đúng tầm", đừng đổ trách nhiệm cho trung ương.

Thứ ba là hạ tầng kết nối, nói rộng hơn, logistics. Nếu hạ tầng tắc nghẽn, đường sá lôi thôi, hạ tầng khu công nghiệp, đô thị không tốt, hệ thống pháp lý, điều kiện văn hóa cho nhà đầu tư không phù hợp thì làm sao có thể kêu gọi được FDI tốt?

Hiện nay, khát vọng rất nhiều, nhưng điều kiện thực thi nhiều khi địa phương không bảo đảm được, nhất là những yếu tố mang tính chiến lược. Lo lao động cho dự án FDI có thể thuộc trách nhiệm của địa phương. Nhưng phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng đầu tư công nghệ cao lại là câu chuyện quốc ga dài hạn.

 PGS.TS Trần Đình Thiên: Tại sao thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương tăng vượt trội so với các “quán quân” FDI?  - Ảnh 9.

Hiện nay, trong mối quan hệ này, đang có sự lệch pha khá lớn. Xu thế ngắn hạn đang lấn át tầm nhìn chiến lược.

Chúng ta muốn chuyển dịch nền kinh tế lên đẳng cấp mới, để nhanh chóng thoát tụt hậu, đuổi kịp các nước đi trước, song quá trình chuẩn bị năng lực lại chậm, thường ít được ưu tiên so với những việc "cấp bách trước mắt". Ta ký được nhiều hiệp định thương mại tự do tốt, tạo sức thu hút FDI nhiều. Nhưng ký hiệp định tốt thì chưa đủ. Quan trọng hơn là phải chuẩn bị năng lực thực thi hiệp định, nhất là năng lực bản địa, nội lực của chính chúng ta.

Điều kiện thực thi hiệp định là nhân lực, là hạ tầng. Ba đột phá chiến lược, ta định vị đúng rồi, nhưng mãi vẫn chưa "đột" được. Đó chính là vấn đề.

Đây là bài học trường kỳ mấy chục năm rồi. Đến giờ, phải thay đổi cách tiếp cận đột phá. Cần phải sòng phẳng và quyết liệt, phải đặt đây là tiêu chuẩn và trách nhiệm của lãnh đạo địa phương. Tốt nhất, không nên lấy thành tích kêu gọi số lượng đầu tư nước ngoài mà phải lấy thành tích tạo môi trường đầu tư và kết quả phát triển doanh nghiệp Việt để đánh giá chất lượng lãnh đạo. Thu hút được nhiều FDI nhưng chất lượng thấp không phải là thành tích mà phải là ngược lại.

Vì sao đón đại bàng nội khó hơn?

Bên cạnh việc thu hút FDI, việc đón "đại bàng" nội đến địa phương cũng rất quan trọng. Theo ông, việc thu hút các nhà đầu tư nội có điều gì khác cần lưu ý so với nhà đầu tư ngoại?

Đối với các địa phương Việt Nam, việc thu hút các tập đoàn Việt Nam đang gặp khó khăn, vì đa số các tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam kinh doanh bất động sản là chính. Số doanh nghiệp định hướng công nghiệp khá ít. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh của ta có định hướng đầu cơ cao thì tương quan và xu hướng đó không thuận lợi cho việc phát triển một nền kinh tế hướng tới công nghệ và cạnh tranh quốc tế.

Vậy nên, việc địa phương thu hút được những tập đoàn công nghiệp có định hướng công nghệ cao và cạnh tranh quốc tế là rất quý, sẽ tạo ra được sự bùng nổ, lan tỏa phát triển mạnh.

 PGS.TS Trần Đình Thiên: Tại sao thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương tăng vượt trội so với các “quán quân” FDI?  - Ảnh 10.

Mới đây, Hà Tĩnh đã đón được dự án nhà máy sản xuất ô tô của Vinfast. Theo ông, sự lựa chọn của VinFast có ý nghĩa gì?

Những dự án như thế, về nguyên tắc, cần được đón nhận với tinh thần khuyến khích, ủng hộ mạnh mẽ. Huống hồ, đây là một dự án tư nhân thì tính khuyến khích còn phải cao hơn nữa. Dự án VinFast ở Hà Tĩnh là một dự án công nghiệp công nghệ cao, càng phải khuyến khích.

Còn việc tại sao họ chọn đầu tư vào Hà Tĩnh, tôi nghĩ có nhiều yếu tố giải thích. Cần có sự mổ xẻ sự lựa chọn ấy. Các địa phương càng rất nên phân tích – để nhận biết động cơ, điều kiện, năng lực, v.v. từ đó, có chính sách phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích lôi kéo được những tập đoàn kinh tế tốt đầu tư vào địa phương mình.

Trường Hải ngày trước đầu tư vào Quảng Nam giữa vùng gần như không có lợi thế gì, 8-9 năm trời Ông Trần Bá Dương lặn lội khổ sở giữa một vùng toàn cát và xương rồng, để giờ đây, gây dựng được cả một Trung tâm công nghiệp bề thế tầm cỡ quốc gia.

Bây giờ Vinfast vào Hà Tĩnh có lẽ lý cơ bản cũng tương tự như vậy. Ngoài kinh tế ra chắc có cả những động cơ khác – như tình cảm đối với quên hương, đối với một vùng đất gian khó chẳng hạn. Tôi cho rằng chính những động cơ đó làm cho dự án có them giá trị, làm cho sự phát triển trở nên lành mạnh hơn, tuyệt vời hơn và nhân văn hơn.512064


Thái Trang-Hương Xuân

Cùng chuyên mục
XEM