PGS. TS Trần Đình Thiên: Có đặc khu, Việt Nam cũng không dễ dàng nhảy lên đoàn tàu Công nghiệp 4.0 khi đang nghèo như thế này!

07/06/2018 14:41 PM | Kinh doanh

Chỉ một số ít lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam có cơ hội bắt kịp cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Để có thêm nhiều doanh nghiệp trong nước phát triển theo xu hướng công nghệ, cần có sự hỗ trợ từ khu vực FDI. Và việc xây dựng đặc khu kinh tế có nội dung hu hút những nhà đầu tư có khả năng như vậy.

PSG.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, Chính phủ đã và đang thay đổi căn bản, với việc tập trung nhiều hơn vào những vấn đề dài hạn. Tam giác ngành ưu tiên (công nghệ thông tin, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao) đã được lựa chọn. Đề nghị tăng quyền cho thành phố Hồ Chí Minh cũng đã được Quốc hội thông qua nhanh chóng. Một số địa phương khác cũng đang gấp rút hoàn thiện tổng kết để sớm đề xuất cơ chế mới. Dự thảo Luật về đặc khu được soạn thảo và đang được Quốc hội xem xét thông qua. Nhưng vẫn có những vấn đề khó có thể giải quyết ngay.

"Có các trung tâm tăng trưởng, đặc biệt là các đặc khu, Việt Nam cũng không dễ dàng nhảy lên đoàn tàu Công nghiệp 4.0 khi đang nghèo như thế này" – ông Trần Đình Thiên khẳng định.

Theo ông Trần Đình Thiên, Việt Nam không thể "lột xác thành rồng" vì tính chất manh mún hiện tại. Số liệu thống kê cho thấy, khu vực kinh tế hộ gia đình đang đóng góp tới 32% GDP. Trong khi đó, chỉ 8% GDP được đóng góp bởi doanh nghiệp tư nhân nội địa. Như vậy, lực lượng bị cho là nhỏ lẻ, manh mún (hộ gia đình) đang đóng góp nhiều nhất, vượt qua cả doanh nghiệp tư nhân – vốn được coi là động lực quan trọng của nền kinh tế.

 PGS. TS Trần Đình Thiên: Có đặc khu, Việt Nam cũng không dễ dàng nhảy lên đoàn tàu Công nghiệp 4.0 khi đang nghèo như thế này!  - Ảnh 1.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển, Chính phủ đang tiếp thêm nguồn lực và mời các đối tác tiềm năng từ nước ngoài.

"Doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả và gây ra gánh nặng nợ. Nhưng không phải bán tống tháo đi nhanh. Chủ trương của Chính phủ là chuyển nguồn lực do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ sang khu vực tư nhân càng nhiều càng tốt và càng nhanh càng tốt" – ông Trần Đình Thiên nói.

Đặc khu được thành lập nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chất lượng cao. Qua đó, các doanh nghiệp nội địa có thể tiếp cận và nhận được sự giúp đỡ của các nhà đầu tư này. Hiện tại, việc gắn kết giữa FDI với doanh nghiệp nội địa chưa tốt. Một số doanh nghiệp FDI đầu tư ở Việt Nam nhận nhiều ưu đãi của Chính phủ, nhưng không hỗ trợ doanh nghiệp nội địa phát triển.

"Để tư nhân trong nước phát triển tốt thì cần chọn FDI tốt. Hiện nay, chọn nhà đầu tư theo tư duy ngắn hạn, nên những công nghệ thấp vào nhiều. Bây giờ cần đổi lại và đặc khu có ý nghĩa như vậy. Tức là chỉ dành cho những nhà đầu tư tốt nhất, để doanh nghiệp Việt nam không bị nước ngoài chèn lấn và kết nối với FDI tốt. Đất nước nhờ đó mới bay được" – ông Trần Đình Thiên phân tích ý nghĩa của đặc khu kinh tế.

Việc thực hiện càng phải gấp rút nếu nhìn vào tình hình quốc tế. Trung Quốc đã trở thành nước sản xuất nhiều robot nhất thế giới. Trong khi đó, tại Việt Nam, người lao động vẫn đang gia công, lắp ráp hàng ngày. Áp lực cạnh tranh quốc tế buộc Việt Nam phải thay đổi tư duy, không chỉ sửa chữa những yếu kém hiện nay, mà phải tạo nền tảng mới cho phát triển.

 PGS. TS Trần Đình Thiên: Có đặc khu, Việt Nam cũng không dễ dàng nhảy lên đoàn tàu Công nghiệp 4.0 khi đang nghèo như thế này!  - Ảnh 2.

Vân Đồn, Quảng Ninh

"Hiện tại, động lực phát triển còn yếu do thiếu tư duy thị trường và giải pháp đột phá. Đặc khu đang được thảo luận dữ dội. Khi tìm mô hình, sẽ phải có sự trả giá. Những người tranh luận đang đo lường sự trả giá này. Nhưng tranh luận càng quyết liệt thì sự thay đổi diễn ra càng nhanh hơn, ít nhất là về mặt tinh thần" – ông Trần Đình Thiên nhận định.

Theo An Bình

Cùng chuyên mục
XEM